Hàng loạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, phải tạm hoãn thi hồi giữa tháng 11 khiến nhiều thí sinh “ngồi trên đống lửa”, trong đó có các học sinh lớp 12 muốn dùng chứng chỉ này để xét tuyển đại học. Thời điểm đó, Đại học Quốc gia TP HCM với 9 trường thành viên và một số đại học khác nhắc tới khả năng sử dụng thêm chứng chỉ VSTEP của Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo.
Bài thi VSTEP gồm bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 3/2015. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là đơn vị xây dựng định dạng đề thi này.
Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, VSTEP được xem là chứng chỉ đầu tiên về tiếng Anh tại Việt Nam. Việc Việt Nam có bài thi riêng để đánh giá năng lực tiếng Anh là rất tốt. Hiện, 25 trường đại học được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này.
“Những nghiên cứu khoa học về cấu trúc định dạng của đề thi và giá trị của bài thi cho thấy VSTEP không khác bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS hay TOEFL. Do đó, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển”, bà nói, cho biết lệ phí thi VSTEP từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng, thấp hơn so với mức khoảng 4,6 triệu đồng của IELTS.
Năm 2022, đơn vị này lần đầu dùng VSTEP trong phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ. 21 học sinh có chứng chỉ VSTEP bậc 5 đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh.
Ra đời đã lâu và có quy trình chặt chẽ, nhưng VSTEP vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Theo PGS Kim Anh, chứng chỉ này ban đầu chủ yếu dùng để đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh, cũng như đáp ứng điều kiện thi tuyển công chức, viên chức, học cao học.
Trong khi đó, đại diện một cơ sở tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP, cho rằng học sinh và phụ huynh đã quen với các chứng chỉ quốc tế như IELTS hay TOEFL. Phùng Mạnh Huy, học sinh lớp 12 một trường chuyên ở Hà Nội, bắt đầu luyện IELTS và SAT từ năm lớp 11. Với kết quả đạt IELTS 8.0 và SAT 1530, Huy chắc suất vào nhiều đại học top đầu trong nước và có thời gian chuẩn bị hồ sơ du học.
“Em không biết VSTEP. Hơn nữa, em có hướng học ở nước ngoài nên thi IELTS sẽ thuận lợi hơn”, Huy nói.
Không có điều kiện du học song Bùi Thành Trung, học sinh lớp 10 ở Hà Nam, được gia đình định hướng học khoảng 6 tháng đến một năm để đạt 6.5 IELTS. “Em chọn thi IELTS vì chứng chỉ này nổi tiếng. IELTS có thể cho em cơ hội tham gia khóa học trao đổi hoặc giành học bổng ở đại học”, Trung giải thích.
Tú Phạm, người sáng lập nền tảng luyện thi Prep.vn, nhận định sở dĩ VSTEP chưa được quan tâm vì các trường đại học lớn dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 5% chỉ tiêu trong năm đầu xét IELTS, TOEFL, sau đó tăng lên 30% vào năm 2022. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều trường như Ngoại thương, Ngân hàng, Học viện Ngoại giao.
Cán bộ tuyển sinh một trường đại học ở Hà Nội tiết lộ, năm 2022, trường đã nhận 11.000 hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong khi chỉ tiêu là hơn 2.000.
“Ứng viên có IELTS dễ xin việc, còn sở hữu VSTEP chưa hẳn là lợi thế vì cộng đồng doanh nghiệp ít biết tới chứng chỉ này”, chuyên gia có 10 năm luyện thi IELTS phân tích.
Một chuyên gia giáo dục khác từng chấm thi VSTEP cho hay bài thi trong nước chưa có quy chuẩn đồng đều. Chất lượng kỹ thuật tổ chức thi và chất lượng khảo thí gồm chấm thi, người chấm thi chưa đảm bảo tính công bằng như thi quốc tế. Ông cho biết thêm cùng một trình độ, thí sinh thi ở trường A có thể được 7/10 nhưng thi ở trường B có thể là 8. “Điều đó không xảy ra trong các bài thi quốc tế. Bạn thi ở Hà Nội được 7.0 thì vào TP HCM, nếu có chênh lệch cũng chỉ phần trăm nhỏ”, người này nói.
VSTEP không ghi cụ thể thời hạn của chứng chỉ, khác với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. “Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị kép, có thể khó hơn, gian nan hơn, nhưng giá trị thực sự”, ông nói thêm.
Theo khảo sát của VnExpress ở 51 trường đại học trên địa bàn Hà Nội, có 28 trường công nhận chứng chỉ VSTEP để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên. Với tuyển sinh đầu vào, năm 2022, khoảng 50 trường có phương thức xét tuyển dùng IELTS và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhưng duy nhất trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội dùng VSTEP.
Việc dùng VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo hay xét điều kiện tốt nghiệp còn tùy thuộc vào định hướng riêng của các trường. Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Bách khoa TP HCM, cho hay trường có định hướng quốc tế nên khuyến khích người học có các chứng chỉ quốc tế để sau này đi làm và bước ra thế giới.
“Chúng tôi cũng muốn tạo thêm lựa chọn cho học sinh và đang xem xét mọi góc độ nhưng hiện chưa có quy định nào về việc dùng VSTEP “, ông nói.
Tại Học viện Ngân hàng, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng đào tạo, cho hay trường đang dùng IELTS và TOEFL iBT để xét tuyển sinh. Sinh viên Học viện Ngân hàng khi ra trường đều có định hướng du học ở các bậc học cao hơn hoặc làm việc trong các môi trường quốc tế, việc có chứng chỉ này sẽ thuận lợi hơn.
“Các cơ sở giáo dục ưu tiên chọn IELTS, TOEFL iBT vì được công nhận trong nước lẫn quốc tế và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Chất lượng của kỳ thi cũng đã được kiểm chứng qua thời gian”, trưởng phòng đào tạo của một trường thuộc khối kinh tế ở Hà Nội cho hay.
Dù vậy, cùng với 9 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM và Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM thông báo sẽ nghiên cứu đưa VSTEP vào chính sách tuyển sinh, đào tạo trong thời gian tới.
“VSTEP mở ra cho sinh viên, nhất là những em không có điều kiện kinh tế, và không có ý định du học thêm lựa chọn”, ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nói.
Vị giám khảo từng đi chấm thi VSTEP nói nếu duy trì được giám khảo đạt tiêu chuẩn và điều kiện thi ngặt nghèo thì việc có được chứng chỉ nội này không dễ. Do đó, cần cải thiện tính đồng đều để đảm bảo chất lượng và tạo uy tín cho bài thi.
Để VSTEP được công nhận và sử dụng rộng rãi, PGS.TS Kim Anh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kết quả bài thi VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ cho học sinh trong kỳ thi THPT. Ngoài ra, theo bà, bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Việt Nam cũng cần được truyền thông ra bên ngoài, ít nhất trong khu vực, để khi tuyển học sinh Việt Nam, các trường công nhận kết quả bài thi này thay cho IELTS hay TOEFL.
“Với việc thực hiện từng bước, đầu tiên là công nhận và sử dụng ở Việt Nam, sau đó quảng bá sang các nước trong khu vực, VSTEP sẽ được biết đến nhiều hơn”, PGS.TS Kim Anh nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chung-chi-tieng-anh-noi-lep-ve-tren-san-nha-4540327.html