Theo Nghị quyết của Chính phủ ban hành hôm nay, việc ổn định mức thu học phí nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành giữ nguyên mức thu học phí ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học công lập bằng năm học trước. Với bậc đại học, nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022. Với bậc mầm non và phổ thông, nếu tăng học phí thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm.
Chính phủ khuyến khích địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục, hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 cho học sinh, sinh viên.
Đầu năm học 2022-2023, theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý học phí, nhiều đại học công bố mức học phí tăng 30-70% so với năm ngoái. Đã có thí sinh phải từ bỏ ngành và trường mong muốn vì không kham nổi chi phí.
Trong khi đó, học phí mầm non, phổ thông năm 2022 ở một số địa phương cũng tăng vọt, như Hà Nội gấp đôi, TP HCM tăng năm lần. Để giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, nhiều tỉnh, thành đã cấp bù chênh lệch giữa học phí mới và cũ, số tiền thực nộp của phụ huynh như năm 2021. Cụ thể, TP HCM dự chi 1.541 tỷ đồng, Hà Nội 1.330 tỷ, Đà Nẵng 450 tỷ, Quảng Ninh 458 tỷ, Hải Phòng 400 tỷ.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chinh-phu-yeu-cau-khong-tang-hoc-phi-4550467.html