Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 được công bố hôm 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm có kế hoạch, hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Yêu cầu được đưa ra giữa lúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến có nhiều điểm mới về trách nhiệm, quy trình tổ chức, cách tính điểm ưu tiên…, theo dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi cuối tháng 1.
Về đề thi, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng của Bộ, hôm 30/1 cho biết nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 nhưng sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn. Đây là chủ trương Bộ đã thực hiện hai năm qua, nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong khi đó, mùa tuyển sinh năm nay đã có 9 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy dùng cho xét tuyển đại học. Riêng hai kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM, từ đầu tháng 2 đến nay có hơn 70.000 thí sinh đăng ký. Ngoài ra, hàng chục trường đại học thông báo phương án tuyển sinh dự kiến.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4 và tổ chức thi vào tuần đầu của tháng 7. Công tác tuyển sinh đại học diễn ra từ 20/7 kéo dài đến cuối tháng 9.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu áp dụng với lớp 10. Dự kiến, đến năm 2025, lứa thí sinh THPT đầu tiên theo chương trình mới sẽ tốt nghiệp. Hồi tháng 9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết quan điểm giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 để phù hợp với chương trình hiện hành, đồng thời nghiên cứu phương án thay đổi kỳ thi từ năm 2025.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chinh-phu-yeu-cau-bo-giao-duc-som-huong-dan-cac-ky-thi-4568637.html