Trước khi đi ngủ, Li Li, 29 tuổi, tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Cô xịt một ít “nước tăng cường giấc ngủ” lên gối, làm dịu mắt bằng mặt nạ hơi nước, đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ điện tử và một cặp nút tai trước khi nằm xuống.
“Tôi không thể ngủ nếu không có những bước này. Ngay cả khi thỉnh thoảng tôi thiếp đi, tôi cũng dễ dàng thức giấc. Tôi đã làm điều này được hai năm rồi”, Li Li tâm sự.
Giống với cô, nhiều thanh niên Trung Quốc mắc chứng trằn trọc khó ngủ. Phân tích dữ liệu thu thập từ 450 triệu người cho thấy hơn 36% dân số nước này mất ngủ thường xuyên – ba lần trên tuần. 36,7% trong đó là những người sinh sau năm 1990. Các nhà khoa học cũng cho biết khoảng 67,4% người tham gia khảo sát đã mua các sản phẩm cải thiện giấc ngủ, 62% sinh sau năm 1990.
Đằng sau nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm như vậy là “dịch bệnh” mất ngủ kinh niên. Một nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc năm 2016 chỉ ra rằng hơn 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ.
“Các triệu chứng gồm khó đi vào giấc ngủ trong hơn nửa giờ, rối loạn duy trì giấc ngủ (thức dậy hơn hai lần một đêm), tỉnh sớm, giảm chất lượng giấc ngủ và tổng thời gian ngủ (ngủ dưới 6,5 giờ) kèm rối loạn chức năng ban ngày. Tình trạng rối loạn có triệu chứng điển hình là mệt mỏi, trầm cảm, khó chịu về tinh thần, thể chất, suy giảm nhận thức”, Liu Hao, tổng thư ký hiệp hội y tế về giấc ngủ Giang Tây, cho biết.
Theo Kong Xiang, người sáng lập E-Sleep, công ty cung cấp các giải pháp chuyên nghiệp điều trị rối loạn giấc ngủ, áp lực công việc, thói quen ngủ không tốt và sử dụng thiết bị điện tử là thủ phạm khiến con người mất ngủ.
Li Li thường thức đến sau 12h đêm. Cô nằm trên giường, lướt điện thoại và để thời gian trôi đi. “Bác sĩ nói tôi phải đi ngủ sớm. Nhưng thói quen này không dễ bỏ, tôi bắt đầu tìm cách giúp mình ngủ ngon hơn”, cô nói.
Một cô gái trẻ sống tại Thạch Gia Trang, Hà Bắc gặp tình trạng tương tự. Kể từ khi bắt đầu thực tập, chất lượng giấc ngủ giảm mạnh khiến cô luôn trong tình trạng căng thẳng mỗi ngày. Nghe theo một người bạn, cô quyết định trả tiền cho dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ trực tuyến bằng âm thanh. Cuối cùng, hóa đơn điều trị chứng mất ngủ của cô lên tới 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD). Cô chia sẻ câu chuyện trên nền tảng Weibo và thu hút được sự quan tâm của hàng trăm nghìn người dùng.
Theo báo cáo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Người tiêu dùng thực hiện, doanh thu của các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ dành cho GenZ (người sinh từ năm 1996 đến năm 2012) đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô thị trường tổng thể của “ngành công nghiệp ngủ” tại Trung Quốc tăng từ 262 tỷ nhân dân tệ (38 tỷ USD) vào năm 2016 lên 378 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.
Báo cáo của sàn thương mại JD cho thấy doanh thu thuốc xịt tăng cường giấc ngủ mà Li Li sử dụng tăng 33 lần kể từ năm 2018 đến năm 2023. Doanh số bán bột ngâm chân và các sản phẩm dầu thơm cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo, công nhân trẻ, sinh viên đại học và giáo viên là những khách hàng trung thành.
“Tôi đã thử dùng mặt nạ mắt hơi nước, melatonin và máy phát tiếng ồn trắng để có giấc ngủ ngon. Tôi sẵn sàng trả tiền cho bất kỳ sản phẩm nào giúp ngủ ngon có giá hợp lý”, Pan Yang, 27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, cho biết.
Theo Zhang Bin, giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, người trẻ tuổi sẵn sàng chi mạnh tay cho giấc ngủ. Điều này có nghĩa người dân ngày càng coi trọng việc ngủ và tác động của nó đối với sức khỏe.
Kong Xiang cho biết nhu cầu chung của thị trường đang chuyển từ theo dõi giấc ngủ sang các sản phẩm tăng cường giấc ngủ, từ sản phẩm công nghệ thấp sang công nghệ tiên tiến hơn.
“Khi nhu cầu có giấc ngủ chất lượng cao của khách hàng tăng lên, nền kinh tế giấc ngủ sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy tiêu dùng cho sức khỏe ở Trung Quốc”, Wang Guangliang, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sản phẩm Giấc ngủ, cho biết.
Thục Linh (Theo Xinhua, SCMP)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chi-hang-nghin-usd-de-co-giac-ngu-ngon-4588802.html