Hôm 12/3, Sở Y tế Lào Cai thông tin bệnh nhân là người dân tộc H’Mông, trú thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Cách đây khoảng 18 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi cắn vào ngón trỏ tay trái gây chảy máu. Sau khi cắn ba ngày, con vật chết.
Bệnh nhân không tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại. Đến tháng 1, người phụ nữ có dấu hiệu mệt, khó thở, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi, được chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ngày 17/1, bệnh nhân được lấy mẫu nước bọt và dịch não tủy để xét nghiệm, kết quả dương tính với virus dại, sau đó tử vong.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm, như bệnh nhân này phát dại sau 18 tháng. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên mất từng bị chó cắn.
Để phòng ngừa, người dân cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi như tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo. Nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định.
Khi bị động vật cắn hoặc cào, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, tự chữa tại nhà.
Thúy Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chet-do-benh-dai-sau-18-thang-bi-cho-can-4580621.html