Ngày 16/3, hãng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Baidu công bố chatbot AI Wenxin Yiyan, tiếng Anh là Ernie Bot. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ là đại diện đáng chú ý của Trung Quốc trong cuộc đua tạo AI trò chuyện như người thật. Baidu cũng tuyên bố Ernie sẽ giúp công ty vực dậy hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, lễ ra mắt gây thất vọng khi Robin Li, CEO của Baidu, chỉ phát video cuộc trò chuyện với Ernie cùng những câu hỏi đã được nhập sẵn, thay vì tương tác trực tiếp trên AI của mình. Đến nay, công cụ vẫn chỉ được thử nghiệm giới hạn.
Ngày 7/4, đến lượt Alibaba công bố AI mang tên Tongyi Qianwen – đối thủ mới nhất của ChatGPT tại Trung Quốc. Dịch vụ được mô tả là “trợ lý năng suất và giúp tạo ý tưởng, dành riêng cho các mệnh lệnh của con người, thông qua mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)”. Nó được đào tạo bằng mô hình học máy tương tự ChatGPT, có thể trả lời câu hỏi phức tạp, tạo bài viết chi tiết, thậm chí lập trình.
Daniel Zhang Yong, Chủ tịch kiêm CEO Alibaba, nói chatbot “giống ChatGPT” này sẽ được tích hợp vào các sản phẩm của công ty. “Chúng tôi hy vọng AI sẽ đưa tất cả dịch vụ của Alibaba lên tầm cao mới, cho phép thực hiện những thứ trước đây chỉ có trong tưởng tượng”, ông Yong nói trong sự kiện thường niên về dữ liệu đám mây của công ty tại Bắc Kinh ngày 11/4.
Trong khi đó, công ty an ninh mạng 360 Security Technology bắt đầu mời người dùng đăng ký thử nghiệm chatbot mang tên 360 Smart Brain từ ngày 9/4. Trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 2, công ty cho biết đã đầu tư vào công nghệ tương tự ChatGPT từ 2020.
Một ngày sau, SenseTime, công ty được SoftBank hậu thuẫn, cũng công bố mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova và tích hợp vào chatbot có tên SenseChat. Theo nhà đồng sáng lập Xu Li, SenseChat sẽ “cách mạng hóa cách mọi người tương tác với chatbot cũng như sử dụng AI cho nhiều nhiệm vụ khác nhau”.
Một số doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang chạy theo cơn sốt chatbot thông minh. Hồi tháng 2, Hongbo, công ty chuyên về công nghệ xổ số và máy in tại Thâm Quyến, cho biết đang thử nghiệm sản phẩm liên quan đến ChatGPT. Một tháng sau, họ tung ra chatbot nhưng chỉ cho 20 người đăng ký thử nghiệm mỗi ngày. Dù vậy, cổ phiếu công ty đã tăng tới 70%.
Ngày 10/3, Wang Xiaochuan, nhà sáng lập và cựu CEO công cụ tìm kiếm Trung Quốc Sogou, cũng thông báo thành lập công ty khởi nghiệp Baichuan Zhineng với mục tiêu “tạo mô hình ngôn ngữ lớn tốt nhất của Trung Quốc cuối năm nay”.
Trong khi đó, Wang Huiwen, người đồng sáng lập công ty giao đồ ăn Meituan, vừa huy động 280 triệu USD cho một startup chuyên nghiên cứu các mô hình LLM.
Truyền thông cảnh báo
Economic Daily (Trung Quốc) ngày 10/4 đăng bài cảnh báo về bong bóng thị trường và “sự cường điệu quá mức” xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo đang gây sốt như ChatGPT.
“Khi nhiều công ty theo đuổi sản phẩm giống ChatGPT, họ cần chú ý để tránh rơi vào trạng thái bong bóng”, trang này nêu. “Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, ngăn chặn hành vi thổi phồng những khái niệm phổ biến và thao túng cổ phiếu, cũng như tạo ra một thị trường có trật tự để phát triển AI theo hướng lâu dài”.
Bài viết cũng đề cập nhiều công ty AI không tạo ra các sản phẩm đột phá nhưng cổ phiếu vẫn tăng vọt trên thị trường chứng khoán. Đây là hướng đi không bền vững và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Hồi tháng 2, Tân Hoa Xã cũng kêu gọi “ngăn bong bóng” và “kiên nhẫn” trong bối cảnh ChatGPT gây sốt. “Sự thay đổi mô hình công nghệ do ChatGPT đem lại đã tạo nên cơ sở người dùng lớn, nhưng ứng dụng của nó trong thực tế vẫn hạn chế. Những công nghệ như vậy có thể gây ra nhiều vấn đề xã hội, bao gồm thông tin giả mạo và đạo văn”, bài báo nêu.
China Science Daily của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cuối tuần trước cũng đăng bài viết về làn sóng tạo AI giống ChatGPT tại Trung Quốc. Dẫn một nghiên cứu của các chuyên gia Đức và Đan Mạch, bài báo nhấn mạnh ChatGPT “có thể làm hỏng thay vì cải thiện phán đoán đạo đức của người dùng”.
Trung Quốc đầu tư phát triển AI từ lâu. Đến 2021, các doanh nghiệp nước này tuyên bố đã có 21 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được tạo ra và ngang hàng với Mỹ. Dù vậy, sự xuất hiện của ChatGPT được đánh giá là đã bộc lộ điểm yếu của Trung Quốc, như thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, cộng với hạn chế xuất khẩu của Mỹ về chip AI.
“ChatGPT cho thấy mức độ hiểu biết về AI của Trung Quốc chậm hơn so với OpenAI”, Zhou Hongyi, người sáng lập công ty an ninh mạng 360 Security Technology, nói tại sự kiện China Development Forum ở Bắc Kinh đầu tháng 4.
Bảo Lâm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chatbot-ai-giong-chatgpt-no-ro-tai-trung-quoc-4592193.html