Nguyễn Văn Đông Anh, sinh năm 1988, quê Đăk Lăk, hiện là lãnh đạo công nghệ (Tech Lead), phụ trách mảng quảng cáo của Google. Sau 6 năm làm việc tại đây, anh đã chủ trì nghiên cứu và cùng các cộng sự ra mắt hơn 20 mô hình học sâu (deep learning), nâng cao chất lượng dự đoán của Google, giúp tiếp cận người dùng tốt hơn. Đông Anh cho biết những sản phẩm này khi vận hành đã mang về doanh thu khoảng 395 triệu USD mỗi năm (9,3 nghìn tỷ đồng) cho Google.
Sang Mỹ năm 2013 để làm tiến sĩ, Nguyễn Văn Đông Anh làm việc với các giáo sư về mảng học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và khai phá dữ liệu (data mining). Ngay năm đầu, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã nộp hồ sơ thực tập ở Google nhưng không thành công. Dù vậy, Đông Anh nhìn thấy một điểm sáng từ sự thất bại: Google vẫn gọi phỏng vấn khi lý lịch của anh hoàn toàn là kinh nghiệm từ Việt Nam.
Lần thứ hai nộp đơn thực tập tại Google khi là nghiên cứu sinh năm ba, Đông Anh có sự chuẩn bị kỹ hơn, cả về chuyên môn và cách ứng biến với các dạng câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn. Kết quả, Đông Anh trúng tuyển bộ phận Geo của Google (những tính năng liên quan đến bản đồ, Trái Đất). Trong thời gian thực tập, anh nghiên cứu phát triển và đưa vào vận hành mô hình tiên đoán địa điểm, thời gian thực của người dùng. Đây là một trong bốn mô hình chính, thuộc công cụ dự đoán của Google Geo, nên được đánh giá cao. Nhờ vậy, Đông Anh, khi đó 29 tuổi, được đề nghị làm nhân viên chính thức của Google sau kỳ thực tập.
Làm việc tại bộ phận quảng cáo, nhiệm vụ chính của Đông Anh là chủ trì nghiên cứu phát triển thuật toán học máy để mô hình hoá hành vi của người dùng. Anh thấy sản phẩm khó nhất mà mình từng phụ trách xây dựng là mô hình tiên đoán sự kiện (Life-events) của người dùng, như chuyển nhà, tốt nghiệp, xin việc. “Mọi thứ khó hơn so với tưởng tượng ban đầu, bởi lượng người dùng với những sự kiện sắp xảy ra này rất hiếm, chưa kể việc chỉ có thể vận hành mô hình này khi chất lượng tiên đoán bằng hoặc tốt hơn mô hình đã hoạt động vài năm bên YouTube”, Đông Anh nhớ lại.
Gần một năm thử nghiệm nhiều mô hình, áp dụng hàng chục phương pháp xử lý dữ liệu, Đông Anh phát triển và vận hành tám mô hình học máy, đưa Life-events vào phần quảng cáo hiển thị (Display Ads) như mục tiêu đề ra. Sau hơn bốn năm vận hành, đến nay, chưa có mô hình khác thay thế sản phẩm do Đông Anh tạo ra. “Ngày chúng tôi thông báo kết quả, ban lãnh đạo bộ phận YouTube đã đến dự và cho phép triển khai dự án. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ”, anh kể.
Trong thư đánh giá, chị Zhang, Giám đốc bộ phận Display Ads, nhận xét Life-events không chỉ đóng góp vào doanh thu của Display Ads, mà còn có ý nghĩa chiến lược. Còn theo David và Brian – hai quản lý cấp cao trong bộ phận này, Đông Anh là một kỹ sư xuất sắc, đã nhiều lần chứng minh khả năng lãnh đạo và giải quyết những vấn đề khó. Sự độc lập, khả năng của Đông Anh cũng ảnh hưởng tích cực đến các nhóm khác.
Làm việc tại Google, Đông Anh cho rằng điều hấp dẫn nhất là có cơ hội tiếp xúc và hợp tác với những đồng nghiệp giỏi, nhiều người tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu thế giới như Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford. Bên cạnh đó, khoảng 30% nhân viên Google có bằng tiến sĩ, theo Đông Anh, nên cơ hội học hỏi, cọ xát rất lớn. Dù vậy, anh đánh giá đây cũng là thử thách. “Làm sao để xây dựng được lòng tin của sếp, được giao những dự án quan trọng, trong khi có quá nhiều người đủ khả năng làm việc này? Câu hỏi này rất khó trả lời, đặc biệt với nhân viên mới khi hiểu biết về sếp và chính bản thân đều hạn chế”, Đông Anh nói.
Chàng trai quê Đăk Lăk xác định để làm việc tốt và xây dựng được lòng tin, anh phải nắm vững kiến thức chuyên môn. Anh cho rằng có như vậy, ý kiến của mình mới được coi trọng trong các cuộc thảo luận với sếp, đồng nghiệp và đối tác. Có chuyên môn sâu ở mảng học máy, Đông Anh tích cực đưa ra các giải pháp chuyên sâu, giúp đỡ đồng nghiệp trong nhóm, kể cả những nhân viên đang ở bậc (level) cao hơn về lĩnh vực này. Anh cũng từng đề xuất giải pháp cho một sản phẩm mới được quản lý bởi nhóm khác và được chấp nhận để thử nghiệm, rồi trở thành người phụ trách dự án đó. “Cũng may mắn, mọi dự án tôi đảm nhận đều được triển khai và đưa vào vận hành”, anh nói.
Hiện nay, Đông Anh tập trung phát triển mảng quảng cáo không cá nhân hóa (Non-personalized ads). Anh cho biết đây là hướng đi mới bởi quyền riêng tư của người dùng ngày càng được thắt chặt. “Sẽ rất thử thách và có nhiều việc cần làm”, Đông Anh nhận định.
Ngoài ra, Đông Anh muốn giúp nhiều kỹ sư trẻ người Việt vào làm việc tại các công ty công nghệ lớn ở Mỹ. Từ trải nghiệm của bản thân, anh cho rằng việc ứng tuyển dù khó, nhất là trong làn sóng cắt giảm nhân sự, nhưng nếu chuẩn bị tốt thì vẫn có thể làm được. Nhiều bộ phận ở Google không bị ảnh hưởng và vẫn tuyển thêm nhân sự mới. Năm ngoái, anh giới thiệu hơn 100 ứng viên và 10 người trong số đó đã trúng tuyển vào Google. “Những bạn này đến từ nhiều trường khác nhau, có cả trường không tên tuổi, nhưng được hướng dẫn và biết cố gắng. Tôi hy vọng sẽ nhiều bạn có cơ hội tương tự, và thấy được sự hiện diện nhiều hơn của người Việt trong môi trường làm việc Mỹ”, Đông Anh nói.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/chang-trai-viet-dung-ai-mang-doanh-thu-tram-trieu-usd-cho-google-4562307.html