Bạn đang xem bài viết Chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ hậu sản tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thời kỳ hậu sản là khoảng thời gian 6 tuần sau sinh. Cơ thể người mẹ sẽ dần dần trở về trạng thái bình thường như trước khi có thai trừ tuyến vú vẫn phát triển tiếp tục để tiết ra sữa. Việc chăm sóc cho mẹ sau sinh đóng một vai trò quan trọng, giúp cơ thể của bà mẹ trở về trạng thái bình thường, và đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
Những vấn đề sức khỏe sau sinh
– Co hồi tử cung: Những ngày đầu sau sinh tử cung co nhỏ lại giúp sự cầm máu tại chỗ nhau bám. Sau ngày thứ 14, tử cung thu nhỏ trong vùng chậu, không còn sờ thấy tử cung trên bụng nữa. Sự co hồi tử cung ở người con so nhanh hơn con rạ, ở người cho con bú nhanh hơn không cho con bú. Khi tử cung bị nhiễm trùng thì sự co hồi chậm lại.
– Sản dịch: là máu và dịch chảy ra từ trong tử cung. Những ngày đầu sau sinh sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó chuyển sang đỏ sẫm và khi gần hết thường có màu nâu. Trong 72h đầu sau sinh sản dịch ra rất nhiều sau đó ít dần đi, kéo dài ít nhất 10 ngày, một số người có thể kéo dài 2 – 3 tuần sau sinh. Sản dịch có mùi tanh nồng nhưng không có mùi hôi. Nếu sản dịch có mùi hôi, có lẫn máu kéo dài thì cần đến cơ sở y tế khám ngay vì có thể đã bị nhiễm trùng.
– Nếu có vết may ở tầng sinh môn nên giữ vệ sinh sạch sẽ, giữ khô và phải theo dõi xem có bị sưng nề, đỏ, đau hay bầm tím chảy máu mủ từ vết may hay không?
– Để tránh táo bón sau sinh nên ăn nhiều loại rau, hoa quả, uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày). Muốn có nhiều sữa thì nên uống sữa hay uống nhiều nước trước mỗi lần cho bé bú.
– Nếu bị bí tiểu sau sinh, các bà mẹ hãy chườm nóng hoặc xoa vùng bụng dưới. Nếu có triệu chứng đái buốt, đái lắt nhắt nhiều lần cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
– Sản giật sau sinh: sản giật sau sinh rất nguy hiểm đến tính mạng bà mẹ, biểu hiện của bệnh lý này là phù, đau đầu, buồn nôn, nôn, mờ mắt, ù tai, co giật sau đó sẽ đi vào lơ mơ hoặc hôn mê. Nếu có một trong các triệu chứng trên cần phải đưa bà mẹ đến cơ sở y tế.
– Trong vòng 30 phút đầu sau sanh, bà mẹ cần cho trẻ bú ngay.
– Tắc tia sữa: thường hay gặp. Nếu không xử trí tốt, sữa không thông dẫn đến viêm tuyến vú và áp xe vú. Để tránh tắc sữa cũng như đủ sữa cho trẻ bú các bà mẹ nên cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia. Nếu không bú hết thì phải vắt hết sữa trong vú đó, để sữa xuống lại đầy bầu vú. Khi có dấu hiệu viêm ở vú như sốt, sưng đỏ, đau… bà mẹ phải đến cơ sở y tế để được điều trị.
Vệ sinh cá nhân và vận động sau sinh
– Sau khi sinh bà mẹ cần nằm trên giường từ 8 – 10 giờ (24 giờ với bà mẹ sinh mổ). Sau đó nên đi lại nhẹ nhàng. Vài ngày sau khi cơ thể hết đau, các bà mẹ có thể bắt đầu với các bài tập vận động nhẹ nhàng như co duỗi bắp tay, nằm ngửa co duỗi chân, tập hít thở… Nếu không vận động sẽ làm ứ trệ máu trong tử cung dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản. Vận động càng sớm thì cơ thể càng hồi phục nhanh chóng. Thể dục là cách tốt nhất để lấy lại vóc dáng sau sinh.
– Bà mẹ và trẻ nên ra ngoài phơi nắng khoảng 10 – 15 phút vào buổi sáng – trước 9 giờ để tránh nắng gắt, hít thở không khí trong lành và vận động nhẹ nhàng.
– Da là một cơ quan nhạy cảm cần được bảo vệ. Nếu cữ nước, không lau chùi tắm rửa thường xuyên, vi khuẩn bám sẵn trên da sẽ có cơ hội làm viêm da, gây ngứa ngáy và có mùi hôi rất khó chịu. Tắm gội sớm làm sạch da, tẩy bỏ các tế bào chết và lớp bụi bẩn bám trên bề mặt da, giúp cơ thể sảng khoái, máu lưu thông tốt hơn. Nên tắm bằng nước ấm, tắm nhanh trong phòng kín, tránh gió lùa, không nên ngâm mình lâu trong bồn tắm, lau khô và mặc quần áo đủ ấm sau khi tắm.
– Vệ sinh bầu vú bằng cách lau rửa hằng ngày bằng khăn và nước sạch.
– Rửa vùng tầng sinh môn sau mỗi lần đi vệ sinh, lau khô, thay băng vệ sinh sạch nhiều lần trong ngày. Không nên thụt rửa sâu vào trong âm đạo.
– Không nên quan hệ vợ chồng trong thời gian hậu sản (6 tuần) vì dễ bị viêm nhiễm đường sinh sản.
– Không nên bó bụng do việc bó bụng làm tăng sức ép ở bụng, làm ảnh hưởng đến tử cung và các cơ quan sinh sản khác.
– Để hạn chế các vết rạn nứt da, các bà mẹ nên massage thường xuyên ở các vùng da bị rạn, thực hiện các động tác massage theo hình vòng tròn trên vùng ngực, bụng, đùi và mông ít nhất 1 lần/ngày.
Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi cho bà mẹ sau sinh
Sau sanh bà mẹ cần được ăn uống đầy đủ, ăn no, ăn nhiều, ăn đủ chất, không nên kiêng khem quá mức vì sau sanh bà mẹ rất cần lấy lại sức để tiết sữa nuôi con. Vì vậy, bà mẹ cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ cho con bú vừa tốt cho sức khoẻ bà mẹ, vừa giúp cho trẻ phát triển tốt.
– Cần bổ sung các loại hoa quả tươi và rau xanh để đảm bảo lượng chất xơ, vitamin và khoáng chẩt, tránh được táo bón như thanh long, chuối, rau đay, mồng tơi, rau muống…
– Bổ sung tinh bột giúp tăng cường năng lượng như cơm, bánh mỳ, khoai lang, khoai tây…
– Protein rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng…
– Canxi có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của xương và răng của trẻ. Canxi có nhiều trong sữa, bơ, cá mòi, đậu phụ…
– Bà mẹ có thể ăn theo nhu cầu hàng ngày, ăn theo khẩu vị, không nên ăn quá mặn. Chỉ nên kiêng các gia vị cay, nóng như ớt tiêu, tỏi và hạn chế các thức uống có chất kích thích như trà, cà phê.
– Trong thời gian cho con bú, bà mẹ chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần tiếp tục uống viên sắt và acid folic.
– Bà mẹ cần ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, sau một hoặc hai tuần có thể làm các công việc nhẹ nhàng.
– Nhiệt độ trong phòng lý tưởng cho cả mẹ và bé là 25oC – 28oC. Tuyệt đối không nằm than vì khí CO trong than sẽ gây ngạt cho bé.
Tránh thai trong thời kỳ cho con bú
– Sinh hoạt vợ chồng nên bắt đầu lại sau khi hết thời gian 6 tuần hậu sản.
– Tránh thai sau sanh có thể sử dụng phương pháp cho bú vô kinh, phương pháp này người mẹ phải cho con bú mẹ hoàn toàn, chưa có kinh lại, sử dụng được trong 6 tháng đầu tiên. Sau đó có thể dùng bao sao su, có chất bôi trơn giúp quan hệ tình dục dễ dàng hơn vừa giúp ngừa thai lại vừa tránh viêm nhiễm âm đạo. Hoặc có thể sử dụng thuốc tránh thai uống (Exluton) dành riêng cho bà mẹ cho con bú, hoặc đặt que cấy, hoặc đặt vòng, triệt sản (nếu không muốn sinh con nữa)…
– Sức khoẻ của bà mẹ cũng như những chất được hấp thu trong cơ thể mẹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến đứa bé. Nếu muốn mẹ khoẻ con ngoan thì bà mẹ không nên xem thường việc lựa chọn và sử dụng các thực phẩm cho chế độ ăn của mình và nhất là sử dụng thuốc, khi có vấn đề về sức khoẻ nên hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Xem thêm: Các thực phẩm mẹ không nên ăn khi cho con bú
Trong thời gian nghỉ ngơi, được mọi người quan tâm hỏi thăm là liệu pháp tinh thần tốt, giúp sản phụ khỏe và hồi phục nhanh. Bên cạnh đó sản phụ vẫn nên có chế độ ăn, uống và tuân thủ theo nguyên tắc ở cử theo hướng dãn của bác sĩ một cách khoa học. Rau xanh, trái cay, thịt, các, là những loại thực phẩm tốt, giàu dinh dưỡng.
(Hình ảnh tổng hợp từ alamy.com, trirungtoc.info, goolge,…)
Thạc sĩ Võ Văn Khoa
Bệnh viện Đại học Y Dược Huế
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ hậu sản tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.