“Làm ít đi” là lời khuyên của chuyên gia tâm lý học người Anh, Jenna Vyas-Lee, dành cho các bậc phụ huynh. Sau nhiều năm cố vấn, bà ngày càng ủng hộ phong cách làm “cha mẹ lười”. Bà khuyên mọi người nên dừng đọc sách, nghe podcast, bỏ theo dõi các tài khoản hướng dẫn nuôi dạy con cái. Thay vào đó, chỉ cần ăn kem, xem tivi cùng con.
Nhiều cha mẹ hy sinh để nuôi dạy con, tìm hiểu lý thuyết và cố gắng áp dụng lên con của mình. Ngành công nghiệp nuôi dạy con trị giá hàng tỷ USD cộng hưởng với các phương tiện truyền thông xã hội chỉ bảo phụ huynh nên hay không nên làm gì. Điều này khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy áy náy vì “không giáo dục con đúng chuẩn”.
Theo tiến sĩ Vyas-Lee, áp lực gây ra tâm trạng lo lắng, đặc biệt với các bà mẹ. Bà cho rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa nuôi dạy con quá mức và các vấn đề sức khỏe tinh thần trong gia đình. Nó cũng không có hiệu quả tốt với trẻ em.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhi khoa Mỹ vào tháng trước cho thấy, vấn đề rối loạn sức khỏe tinh thần ở trẻ em, thanh thiếu niên gia tăng do liên quan đến hoạt động vui chơi tự do sụt giảm. Hiệp hội Tâm lý học Anh cũng phản đối tình trạng trẻ em ít được chơi trên đường phố hơn bao giờ hết.
Các chuyên gia cho rằng những điều này sẽ giảm khả năng đối phó với thất bại và hồi phục sau thất bại của trẻ. “Nếu chưa bao giờ vấp ngã hay mỗi lần vấp ngã đều được đỡ dậy, làm sao trẻ biết cách phục hồi”, tiến sĩ Vyas-Lee đặt câu hỏi.
Theo nhà trị liệu tâm lý học Anna Mathur, phong cách làm cha mẹ “hết mình” xuất phát từ hai yếu tố: bị vây quanh bằng các nghiên cứu nuôi dạy con và cảm giác tội tỗi. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, vì đã làm việc cả ngày nên muốn cống hiến 100% cho con khi về nhà. Họ thấy áp lực vì phải hiện diện trong mọi khoảnh khắc, nhưng cuối cùng có thể gây ngột ngạt cho cả bố mẹ lẫn con cái.
Mathur chỉ ra, bộ não của trẻ em cần phải buồn chán vì chúng là những vết nứt để phát triển sự sáng tạo, hồi phục và tự trọng. Việc lờ đứa trẻ đi cũng cho chúng thấy tầm quan trọng của nghỉ ngơi và để chúng thấy rằng không phải lúc nào cũng cần hối hả, bận rộn.
“Xã hội đánh giá cao năng suất, dẫn đến các bà mẹ kiệt sức. Cái gọi là “phụ huynh lười” thách thức điều này, nó ưu tiên cuộc sống của chúng ta như những người trưởng thành. Làm điều mà bạn yêu thích, dù đó là yoga, vẽ tranh hay đọc sách, và làm điều đó bên cạnh con cái sẽ tốt cho tất cả mọi người”, Mathur đưa ra lời khuyên.
Alice Walsh, nhà thiết kế trang sức, ở Kent tự hào là một bà mẹ lười. Sống cùng chồng và ba con nhỏ, cô cho biết quá nghiêm khắc và can thiệp vào mọi thứ sẽ làm cho cuộc sống căng thẳng. Cô khuyến khích các con tự chơi trong khi mình làm việc trong studio tại gia. Hiện tại, mỗi thứ 6, hai đứa lớn sẽ nấu bữa tối và dọn dẹp sau khi ăn. Theo Walsh, trẻ con giỏi hơn nhiều so với những gì người lớn vẫn nghĩ. Cô chỉ hướng dẫn con cách chuẩn bị đồ ăn và dùng dao, phần còn lại do chúng tự xử lý.
Không ít ông bố, bà mẹ thường xuyên ở quanh con và loại bỏ mọi chướng ngại vật để chúng không bao giờ gặp thất bại hay không thoải mái. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh chọn cách ngược lại và xem nó như biểu hiện của tình yêu dành cho con. Khi được nghỉ ngơi và làm những điều mình muốn, cha mẹ ít bực bội hơn, kiên nhẫn hơn và sẵn sàng phản hồi khi con muốn. Bạn không thể cảm thấy thoải mái khi kiệt sức và suy nghĩ quá mức, theo Mathur.
Dạy con kiểu lười giúp gia đình Kate Ashley Norman tránh được các xung đột không đáng có. Cô gọi nó là “bỏ bê lành mạnh”. Cô tin rằng con mình có thể xử lý được bất kỳ điều gì xảy ra theo cách của chúng. Cô không đụng vào bài tập hay bài thi của con hay đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân và con cái như các phụ huynh theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Con của Norman nói rằng chúng được tự do hơn các bạn và được làm nhiều thứ hơn. Triết lý mà cô theo đuổi là “không thực sự quan tâm đến những gì người khác nghĩ, miễn là cả gia đình hạnh phúc”. Dù vậy, cô thừa nhận phải mất một thời gian dài mới làm được như vậy.
Phá vỡ thói quen quanh quẩn bên con cái không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn đã làm điều đó trong nhiều năm. Mathur trò chuyện với vô số bà mẹ quên đi lười biếng là như thế nào và cảm thấy tội lỗi chỉ vì đi bộ quanh tòa nhà. Theo Tiến sĩ Vyas-Lee, từ chối chơi cùng con khi không còn chút năng lượng nào là hoàn toàn chấp nhận được. Dành 20 phút toàn tâm toàn ý cho con sẽ tốt hơn lúc nào cũng phải đáp ứng mọi ý thích bất chợt của chúng.
Huy Phương (Theo Telegraph)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cha-me-luoi-4591838.html