Sáng 17/1, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố các câu hỏi mẫu, thuộc ba phần Toán học, Đọc hiểu và Khoa học/Giải quyết vấn đề của đề thi đánh giá tư duy.
Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên Toán trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội), nhận định trong 12 câu hỏi mẫu của phần Toán học, kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 11 và 12, tập trung các bài tính toán định lượng, yêu cầu học sinh nhớ được công thức.
Ngoài ra, thầy Đức đánh giá có bốn câu hỏi thực tế, rất gần gũi với cuộc sống (câu 3, 5, 10 và 11) khi đề cập đến việc thiết kế đồ chơi, mật mã đăng nhập vào trang web. “Để giải quyết những câu này, học sinh phải suy luận, nhìn hình và phán đoán, sau đó áp dụng công thức đã biết”, thầy Đức nói.
Xem câu hỏi mẫu Toán học, Đọc hiểu, Khoa học của đề thi đánh giá tư duy
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán-Sinh, Hệ thống Giáo dục Hocmai, cho rằng Khoa học là phần đổi mới nhất. Theo thầy Hiền, đề bài được thiết kế dưới dạng dữ liệu khoa học, học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt thì mới trả lời được.
So sánh với năm 2022, phần khoa học của đề thi năm nay đã xuất hiện câu hỏi điền từ. “Thay đổi trong cách hỏi và trả lời phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực, tư duy của học sinh trong thời gian tới, tránh học tủ, học vẹt”, thầy Hiền nói và cho rằng đề thi theo dạng này giúp đánh giá khả năng của học sinh một cách toàn diện, phù hợp với nhiều ngành học khác nhau.
Với phần Đọc hiểu, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP HCM, đánh giá các thể loại được sử dụng đa dạng, gồm cả văn bản thông tin về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ nhận dạng tiếng nói bằng hình ảnh VSR, và văn bản văn học với trích đoạn trong tác phẩm “Mẩu chuyện nhỏ” của Lỗ Tấn. Theo thầy Khôi, các văn bản thông tin sẽ khiến học sinh ít nhiều lạ lẫm, do sách giáo khoa không nhiều văn bản dạng này ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, học sinh lại quen với ngữ liệu là văn bản văn học hoặc nghị luận.
Hai yếu tố khác được thầy Khôi đánh giá phong phú, là yêu cầu của các câu hỏi (tìm thông tin, xác định nội dung chính, kết nối thông tin) và định dạng câu hỏi (chọn nhiều phương án đúng, lựa chọn đúng hoặc sai, trả lời ngắn và kéo thả các phương án).
Tuy nhiên, thầy Khôi cho rằng các câu hỏi chưa được sắp xếp phù hợp với mức độ tư duy. Thầy gợi ý có thể sắp xếp theo bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao theo cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc sử dụng các mức độ đánh giá năng lực đọc hiểu được PISA (khảo sát kết quả học tập quốc tế của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD) quy định. “Khi đó, mục đích đánh giá tư duy của đề thi được thể hiện rõ và đánh giá thực chất hơn”, thầy Khôi nói.
Theo thầy, nếu ưu tiên văn bản thông tin thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, ban ra đề có thể dùng thêm các yếu tố phi ngôn ngữ (biểu bảng, đồ thị, hình minh họa), giúp đa dạng thông tin được cung cấp trong văn bản. Từ đó, hệ thống câu hỏi đọc hiểu tương ứng cũng sẽ phong phú, đánh giá kỹ năng đọc hiểu văn bản của học sinh tốt hơn.
Về tổng thể, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng số lượng câu hỏi mẫu chưa nhiều, không đủ các mức độ nên chưa thể đánh giá đề thi có phù hợp với chương trình THPT hiện tại, cũng như yêu cầu từ các trường đại học hay không. “Đại học Bách khoa Hà Nội cần sớm công bố đề minh họa với đầy đủ các phần thi, mức độ câu hỏi để học sinh, giáo viên hình dung kỳ thi sẽ như thế nào, từ đó có hướng ôn tập phù hơp, tránh gây sốc cho các em”, thầy Hiền nói.
Kỳ thi đánh giá tư duy được Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tổ chức vào năm 2020, nhưng phải huỷ trong năm 2021 vì Covid-19, và tiếp tục diễn ra trong năm 2022 với 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển.
Tháng 12/2022, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo điều chỉnh kỳ thi đánh giá tư duy. Theo đó, bài thi gồm ba phần Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề, diễn ra trong 150 phút trên máy tính với thang điểm tối đa 100. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: tái hiện, suy luận và bậc cao. Trong đó, phần tái hiện chiếm 20-30% đề thi, mỗi phần còn lại chiếm 30-40%. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường nào sử dụng kết quả của kỳ thi này.
Theo kế hoạch được Đại học Bách khoa Hà Nội công bố cuối tháng 12/2022, thí sinh sẽ thi thử trực tuyến trong tháng này. Ba đợt thi đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến vào tháng 5, 6 và 7. Hai đợt thi đầu sẽ được tổ chức tại các trường đai học ở Hà Nội như Bách khoa, Thuỷ lợi, Kinh tế quốc dân. Kỳ thi tháng 7 có thể diễn ra ở nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Thái Nguyên và Hà Nội. Đại học Bách khoa Hà Nội nói có thể đáp ứng hơn 10.000 thí sinh mỗi đợt thi.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cau-hoi-mau-thi-danh-gia-tu-duy-moi-me-da-dang-4561115.html