“Vì cháu bị bệnh nên bố mẹ thương vẫn tổ chức sinh nhật, còn anh trai thì không. Cháu rất buồn vì điều này”, Đào Duy Khôi viết trong lá thư gửi một quỹ của những bệnh nhân ung thư tại bệnh viện nơi em đang điều trị.
Mong muốn của cậu bé 11 tuổi ở thôn Tân Mỹ Hai, xã Phú Cường, TP Hưng Yên là anh trai cũng được thổi nến, cắt bánh như cậu vẫn làm trong ngày đặc biệt.
Bảy năm trước, Duy Khôi khi đó bốn tuổi, lần đầu đi nhà trẻ. Được vài buổi, chị Nguyễn Thị Tư (mẹ Khôi) bị cô giáo gọi đến phàn nàn “con chậm phát triển trí tuệ, cứ ngồi thừ một chỗ”.
Chị Tư không lạ bởi nhận ra sự bất thường từ năm con ba tuổi. Khôi hay kêu mỏi khớp xương, chân tay tấy đỏ nên ngại vận động. Ban đầu người mẹ không để tâm vì nghĩ trẻ con nghịch ngợm hay va đập, sau đi khám tuyến huyện không phát hiện ra bệnh. Đến khi môi con ngày càng nhợt nhạt mới đưa lên viện tỉnh, được chẩn đoán thiếu máu nặng. Khôi chỉ định lên điều trị tại Viện huyết học trung ương.
Tháng 11/2016, bệnh án kết luận cậu bé bị ung thư máu thể L2. Nhận tin, người mẹ khóc ròng ba ngày. “Tôi cảm thấy trời đất sập xuống, nhưng phải tự động viên không được gục ngã”, chị Tư nói.
Khôi phải truyền hóa chất năm đợt, kéo dài 10 tháng. Ở lần “đánh thuốc” thứ năm, cậu bị phản ứng, mặt biến dạng, co giật liên hồi và ngừng thở. May được cấp cứu kịp thời cậu giữ được tính mạng.
“Nhìn Khôi co quắp trên giường bệnh, lúc đó tôi ước giá như đổi được mạng sống cho con cũng cam lòng”, người mẹ kể.
Gia đình chị Tư nằm trong hộ nghèo của xã. Trước chị làm công nhân nhưng con ốm nên nghỉ ở nhà, kinh tế trông chờ vào người chồng gần 50 tuổi làm xe ôm trên Hà Nội. Trừ chi phí thuê trọ, ăn uống, tháng nhiều nhất chồng gửi về 4 triệu đồng.
Không có việc ổn định, chị Tư đi dọn dẹp, rửa bát thuê cho những nhà có đám quanh xã. Mỗi khi có việc, chị dậy từ 2h sáng và kết thúc lúc 22h đêm. Ngày nhiều kiếm được 200.000 đồng, ngày ít vài chục.
Nhà nghèo, Hội phụ nữ từng cho vay tiền mua hai con bò nhưng vì phải đưa Khôi lên viện hóa trị, không chăm sóc thường xuyên, bò lăn ra chết. Bần thần đứng trước chuồng trống hoắc đau đáu nghĩ sẽ trả nợ thế nào, chị lại cười hắt khi nghĩ tới cụm từ “nghèo bền vững” mà hàng xóm gán cho mình.
Trước đây cả gia đình chị Tư phải chen chúc trong căn nhà 20 m2 mái thấp lè tè, tường bong tróc từng mảng. Mùa đông gió lùa lạnh ngắt, mùa hè nóng như lò nướng. Trong nhà chỉ kê đủ hai chiếc giường, một cái dành cho bà nội 85 tuổi, cái còn lại dành cho Khôi và mẹ. Bố cùng cậu con lớn phải trải chiếu xuống đất nằm vì chẳng đủ chỗ.
Cuối năm 2020, xã ủng hộ 30 triệu đồng tu sửa lại nhà đang ở nhưng chị Tư từ chối vì biết chẳng có tiền bù vào chỗ thiếu. Năm tiếp theo, khi Mặt trận Tổ quốc kêu gọi được 100 triệu, người phụ nữ này mới mạnh dạn xây căn nhà cấp 4 rộng 70 m2 đủ chỗ kê giường cho cả gia đình. Tiền vay nợ sau khi hoàn thành lên tới 250 triệu đồng, chưa biết ngày nào trả được.
Nhà xây xong, chị Tư khấp khởi mừng vì có chỗ ở khang trang, trong khi sức khỏe Khôi vẫn ổn định, mẹ có thể đi làm thường xuyên tích tiền trả nợ. Nhưng lần tái khám năm 2011, bệnh con trai tái phát đã phá vỡ hoàn toàn giấc mơ của chị. “Trong thời gian dài, cả gia đình không ai nói với nhau câu nào, lờ đờ như người mất hồn”, người mẹ kể.
Nhưng với chị Tư, dù hoàn cảnh éo le thế nào cũng phải chấp nhận, miễn là không đầu hàng số phận. Chị tiếp tục hành trình sống, ăn ở cùng con trai tại bệnh viện hơn một năm, để Khôi truyền hóa chất 9 lần nữa.
Sau mỗi đợt truyền thuốc, Khôi lại được về nhà đi học, chờ lần hóa trị tiếp theo. Những ngày đầu đi học cùng chiếc đầu trọc lốc, mọi thứ trở nên tồi tệ với cậu bé. Bị bạn bè chỉ trỏ như sinh vật lạ, ví giống người ngoài hành tinh, về nhà Khôi ngồi khóc, nói không muốn đến trường.
“Bạn bè trêu mặc kệ, miễn vẫn học giỏi, nghe lời thầy cô, chẳng ai lại không yêu thương con”, chị Tư thủ thỉ. Người mẹ ví dụ về những bạn cùng phòng điều trị với Khôi giờ chẳng còn cơ hội đi học vì sức khỏe yếu hoặc đã mất.
Dần dà cậu bé không còn thu mình hay tránh mặt khi bị trêu. Khôi hăng hái phát biểu, được thầy cô khen, bạn bè không còn buông lời chế giễu. Theo chị Tư, đó là cách mà con trai chấp nhận thực tế.
Hai năm học đầu tiên, Khôi đạt học sinh giỏi, từng được trao giải thưởng “Hoa hướng dương- Giấc mơ của Thúy” dành cho những bệnh nhi có thành tích học tập xuất sắc tại Viện Huyết học truyền máu trung ương. Những năm học sau, vì thời gian ở viện quá lâu nên thành tích giảm sút. Tuy vậy cậu vẫn ham học, về nhà là tự động lôi sách vở ra ghi chép, mong muốn đuổi kịp kiến thức các bạn.
Đầu năm nay, bác sĩ chẩn đoán tế bào ung thư tiếp tục xâm nhiễm vào hệ thần kinh, cần hóa trị lần ba. Dù vậy, ở hai đợt hóa trị trước, Khôi thường nôn mửa, lại thêm bứt rứt, khó chịu nên chị Tư trì hoãn, xin tiếp tục dùng thuốc duy trì. Người mẹ một phần sợ con khổ, phần nữa không đủ tiền. Thuốc uống có tác dụng phụ bởi giữ nước, khiến cơ thể Khôi phát phì. Tuy nhiên cậu bé không lấy thế làm buồn, tự hào khoe với mẹ: “Dù ốm nhưng con vẫn cao to nhất lớp”.
Năm ngoái, sau lần tổ chức sinh nhật cho anh trai, Khôi nói mình đã thực hiện được nửa ước mơ. Còn một nửa nữa là được đi máy bay, ngắm bầu trời, nơi cậu vẫn thường nhìn ra từ ô cửa sổ tầng 6 của Viện Huyết học.
“Nếu nửa ước mơ này thành hiện thực, con muốn thực hiện cùng mẹ. Bởi có mẹ con mới đủ sức khỏe để tiếp tục ước mơ”, cậu nói.
Hải Hiền
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cau-be-ung-thu-xin-tien-lam-sinh-nhat-cho-anh-4590921.html