Đã nửa năm qua, vợ chồng chị Dinh và anh Tiệp mới gặp lại cô con gái lớn đang học cấp hai ở huyện Bắc Quang. Cách đây gần 2 tuần, anh chị đã vượt khoảng 280 km từ điểm trường Thèn Pả, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, về quê ăn Tết. Từ hôm về, ngoài trò chuyện với con, hai anh chị tranh thủ dọn dẹp, tham gia các hoạt động và chúc Tết bà con trong thôn.
Đây là năm thứ 14 cả hai xa nhà đi dạy ở Mèo Vạc, và là năm thứ 11 con gái anh chị ở cùng với ông bà.
Mẹ chị Dinh từng là giáo viên, dạy ở nhiều huyện của Hà Giang. Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ về nhà, chị Dinh thường được nghe kể về những khó khăn của nghề giáo, những niềm vui với học trò và lòng tốt của người dân bản. Mong muốn được mang con chữ cho trẻ em vùng cao, giúp các em có kiến thức bước ra xã hội, chị Dinh muốn trở thành cô giáo như mẹ.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, năm 2008, chị Dinh được phân công về điểm trường Thèn Pả thuộc trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Từ trung tâm huyện vào điểm trường chính hơn 40 km và từ đó đến điểm trường Thèn Pả khoảng 12 km nữa. Đường đi nhỏ hẹp, có chỗ chỉ vừa một bánh xe, với một bên là vách núi, một bên là vực. Những ngày mưa, hầu hết giáo viên đi bộ, những giáo viên nam tay lái chắc và can đảm mới dám đi xe máy. “Hôm lên nhận công tác, tôi một mình đi bộ 12 km. Tôi đứng khóc giữa đường, tính quay về vì không hình dung nổi lại khó khăn đến vậy”, cô giáo người Tày 38 tuổi nhớ lại. Mỗi lần điện về kể tình hình ở Mèo Vạc, chị Dinh lại được mẹ vực dậy tinh thần, động viên bám nghề.
Ngày đó, mỗi điểm trường chỉ có một giáo viên cắm bản. Thôn Thèn Pả ít dân nên chị Dinh phụ trách dạy cả lớp 1 và lớp 2 với 20 học sinh, chủ yếu là người Mông. Sống một mình trong nhà công vụ dựng bằng vách nứa, điện chỉ đủ thắp một bóng đèn, chị Dinh rất nhớ nhà. Về sau, chị tập trung vào công việc soạn giáo án cho hai lớp để khiến mình trở nên bận rộn. Thời gian rảnh, chị sẽ đến thăm nhà dân để tìm hiểu văn hóa và học tiếng Mông.
Theo chị Dinh, nếu không biết tiếng Mông, chị không thể vận động học sinh đi học. Các bé trai ở đây được xem là trụ cột và được gia đình cho đi học nhiều hơn, còn trẻ em gái phải ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy, đến tuổi là gả chồng. Ở trên lớp, chị Dinh phải nhắc đi nhắc lại, kết hợp chỉ vào tranh ảnh trong sách để học sinh hiểu mình nói. Không ít lần, chị nhờ học trò lấy giúp một đồ vật gì, các em đứng im nhìn vì không hiểu. Dần dần, cô trò hiểu nhau hơn. Ngoài những tranh ảnh trong sách, chị tự tay làm đồ dùng học tập, vẽ hình minh họa để các em hiểu bài.
Chị Dinh có ba năm ở điểm trường này một mình trước khi có giáo viên lên cùng. Anh Tiệp cùng quê Bắc Quang, vào nghề sau chị Dinh và được phân công về điểm trường ở thôn khác, cách đó hơn chục km. Mỗi tuần, cả hai đi bộ tới thăm nhau một lần. Năm 2015, anh chị về chung điểm trường Thèn Pả sau khi đã kết hôn và có con đầu lòng.
Có thêm đứa con nhỏ ở vùng đất được mệnh danh là “rốn gió” của cao nguyên đá, cuộc sống của anh chị khá vất vả. Mỗi lần ra được tới chợ, anh Tiệp mua cả cân thịt để về áp chao, sau đó ngâm trong mỡ ăn dần. Dù vậy, khi con ốm đau, việc thuốc men và ăn uống đều khó khăn. Vợ chồng anh quyết định gửi con về ông bà ở Bắc Quang lúc bé 17 tháng tuổi. “Vợ tôi khóc suốt. Về với ông bà, con không được gần bố mẹ nhưng được ăn uống đầy đủ”, anh Tiệp chia sẻ.
Thầy giáo 38 tuổi cho hay những lúc nhớ con, anh chị chỉ biết động viên nhau nhìn vào tấm gương của các đồng nghiệp. Vì yêu nghề, nhiều người quê Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa phải gửi con ở nhà với ông bà để lên các bản làng xa xôi dạy học. Hồi tháng 11/2022, sau 14 năm công tác, vợ chồng anh chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.
Anh Tiệp tâm sự vì không ở cùng thường xuyên, vợ chồng anh không hiểu rõ tính cách và sở thích của con gái. Anh chị từng tính chuyển công tác về gần nhà nhưng sau khi cân nhắc, thấy con ở nhà được ông bà chăm sóc tốt, trong khi bà con, học sinh dân tộc còn vất vả nên đến giờ vẫn gắn bó với điểm trường Thèn Pả.
Con đường vào điểm trường Thèn Pả giờ đã được cải tạo, dễ đi hơn nhiều so với khi anh Tiệp, chị Dinh đến cách đây 14 năm. Các lớp học cũng được xây mới, khang trang hơn trước. Ngoài chị Dinh phụ trách lớp 1, anh Tiệp lớp 2 còn có một giáo viên dạy mầm non. “Vợ chồng tôi sẽ trở lại trường vào 29/1. Sắp tới, chúng tôi lại gửi con trai 4 tuổi về với ông bà”, anh Tiệp nói.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cap-vo-chong-giao-vien-hon-10-nam-xa-con-di-cam-ban-4562493.html