Ngoài việc xác định nồng độ cồn cần xét thêm việc kiểm soát hành vi của lái xe tại thời điểm đó. Vì tửu lượng mỗi người một khác nhau, có người ba chai bia vẫn rất tỉnh táo, nhưng có người chỉ một cốc bia thôi đã có cảm giác lâng lâng. Vậy nên quy định phạt từ mức nồng độ cồn lớn hơn 0% hay thiết lập một “vùng xanh” cũng đều không thể chuẩn chỉ cho mọi trường hợp.
Theo tôi, hãy học như nhiều nơi trên thế giới, đánh giá khả năng lái xe an toàn không chỉ nhìn vào mỗi kết quả đo nồng độ cồn mà còn qua khả năng kiểm soát hành vi của tài xế. Vậy nên, phương án hợp tình, hợp lý là tạo ra “vùng xanh” kết hợp cùng các bài kiểm tra hành vi. Cụ thể như sau:
Một, nếu kiểm tra nồng độ nếu vượt ngưỡng “vùng xanh” thì đương nhiên phạt theo các khung khác nhau, không cần phải kiểm tra thêm gì.
Hai, hếu kiểm tra thấy có cồn nhưng nồng độ nằm trong “vùng xanh”, CSGT có thể làm thêm bước mời lái xe kiểm tra khả năng kiểm soát hành vi. Nếu vượt bài kiểm tra, chứng tỏ tài xế đủ tỉnh táo để lái xe an toàn, cho tiếp tục lưu thông. Nếu không đạt, chứng tỏ tài xế tửu lượng kém, không đủ tỉnh táo để lái xe an toàn. Lúc này CSGT lập biên bản xử phạt, không cho tiếp tục lưu thông. Bản thân tài xế biết mình tửu lượng kém mà vẫn uống trước khi lái xe, gây nguy hiểm cho xã hội thì đương nhiên phải phạt.
Việc ngưỡng “vùng xanh” là bao nhiêu thì nên có nghiên cứu, đánh giá để đưa ra ở mức phù hợp với thể trạng của người dân Việt Nam. Tất nhiên sẽ có người nói khả năng uống mà vẫn tỉnh táo của tôi là gấp đôi cái “vùng xanh” quy định, nhưng không có gì là tuyệt đối phù hợp với tất cả mọi người được, mục tiêu cao nhất vẫn là an toàn cho xã hội.
Độc giảDuy Nhất
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cach-xu-phat-nong-do-con-hop-tinh-hop-ly-4567763.html