Từng là một học sinh không có thành tích nổi trội, chị Nguyễn Thị Hoa (Ms Hoa) cho biết bản thân đã thay đổi tích cực nhờ sự khích lệ, động viên của cô giáo dạy tiếng Anh vào những năm cấp hai. Khi ấy, chị đã dành sự ngưỡng mộ cho cô giáo mình và có những hình dung đầu tiên về nghề giáo viên.
Sau này, những trải nghiệm đi dạy tình nguyện thời sinh viên và quãng thời đứng lớp giảng dạy tiếng Anh càng củng cố thêm tư duy về nghề giáo của chị.
Nói về yêu cầu đối với một giáo viên, chị Hoa chia sẻ: “Điều kiện cần để đứng lớp là khả năng cung cấp kiến thức cho học trò còn điều kiện đủ là khả năng khơi nguồn cảm hứng, giúp học trò ghi nhớ kiến thức dễ dàng và nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi”.
Đội ngũ giáo viên tại IMAP (đơn vị sở hữu hệ thống Anh ngữ Ms Hoa và IELTS Fighter) vì thế được tuyển chọn kỹ và đào tạo bài bản trước khi đứng lớp. Với quan niệm “người thầy cần đa dạng hóa vai trò để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, truyền cảm hứng tới học trò”, chị Hoa đã xây dựng, phát triển chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng điều phối và quản lý lớp học.
“Học viên của hệ thống được trao cơ hội xây dựng bài học và tự khám phá nét đẹp ngôn ngữ, thực hành ngôn ngữ thường xuyên dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Khi ấy, tiếng Anh không còn là gánh nặng mà trở thành người bạn đồng hành, giúp học viên nhìn ra tiềm năng của bản thân, tự tin hơn trên hành trình học hỏi”, nhà sáng lập Anh ngữ Ms Hoa cho biết.
Để làm được điều đó, người thầy không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy học mà cần trở thành người bạn, người truyền cảm hứng, người cố vấn của học trò. Điều này được tóm gọn trong từ TIFA – hình tượng người thầy mà đội ngũ giáo viên IMAP luôn hướng tới. Trong đó, T – Teacher là người dạy học, truyền đạt kiến thức. I – Inspirer có nghĩa là người truyền cảm hứng, khiến học trò nhận ra giá trị bản thân và khám phá, phát huy tiềm năng của bản thân. F – Friend được hiểu là người bạn đồng hành, thấu hiểu, sẻ chia những vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Cuối cùng là A – Advisor, người cố vấn giúp học trò định hướng lộ trình học phù hợp với năng lực và mục tiêu.
Chia sẻ thêm về chân dung một học trò thành công, chị Hoa cho rằng đó là sự tổng hòa của 3 yếu tố kiến thức, tư duy và kỹ năng. Bởi vậy, chị cùng đội ngũ xây dựng triết lý đào tạo M-K-S, hướng tới việc trang bị cho học trò nền tảng phát triển toàn diện với 3 trụ cột là Mindset (tư duy/tâm thế), Knowledge (kiến thức) và Skills (bộ kỹ năng thiết yếu).
“Ngoài kiến thức, năng lực ngôn ngữ tiếng Anh, học trò IMAP còn được thầy cô định hướng rèn luyện tư duy, tâm thế học tập tích cực, chủ động; rèn luyện các kỹ năng mềm phục vụ học tập và công việc như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm…”, cô giáo xứ Nghệ chia sẻ. Tư duy, kiến thức và kỹ năng được tiếp nhận, mài giũa thông qua các hoạt động lớp học và hoạt động ngoài lớp học phong phú, đa dạng.
Song song, Ms Hoa cùng đội ngũ IMAP đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm mang lại cho học viên những trải nghiệm học tiếng Anh đầy cảm hứng, từng bước chinh phục mục tiêu.
Phương pháp RIPL ra mắt vào năm 2021 được xem là thành quả nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ đào tạo dưới sự dẫn dắt của chị Hoa. “RIPL được triển khai tại hệ thống hơn 70 cơ sở của IMAP, phương pháp này đề cao tính trải nghiệm và sự tương tác giữa thầy và trò, giúp học viên thêm hào hứng trong buổi học, tiết kiệm thời gian học nhưng vẫn đạt mục tiêu”, chị Hoa cho biết.
RIPL được cấu thành từ 4 yếu tố: Refined Knowledge (tính chắt lọc kiến thức), Inspiration (tính truyền cảm hứng), Practice (tính thực hành ngôn ngữ) và Logic (tính logic, chặt chẽ). Học viên được hướng dẫn học đúng trọng tâm, chắt lọc kiến thức: chỉ học những gì học viên cần, không học tất cả những gì tiếng Anh có. Ngoại ngữ là môn học thiên về kỹ năng chứ không chỉ là môn thuần kiến thức nên người học cần thực hành thường xuyên, từ đó hình thành và phát triển phản xạ ngôn ngữ.
Với phương pháp RIPL, “giáo viên cần sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi và khen ngợi, động viên nhằm giúp học viên nhận ra giá trị bản thân và tích cực hơn trong các hoạt động lớp học. Bên cạnh đó, giáo viên cần xây dựng bài giảng theo logic nhất định để học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức”, chị Hoa cho biết thêm.
Suốt một thập kỷ đồng hành cùng học viên trên hành trình chinh phục ngôn ngữ toàn cầu, chị Nguyễn Thị Hoa kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành công cụ, cầu nối để người học bước tới cánh cửa tri thức rộng lớn, học hỏi và phát triển bản thân trong môi trường quốc tế.
Ms Hoa là người đã gắn bó với nhiều học trò Việt trên con đường chinh phục tiếng Anh. Hành trình 10 năm truyền cảm hứng ngôn ngữ của chị gắn liền với những đổi mới về hoạt động đào tạo và sự ra đời, phát triển của các hệ thống trung tâm Anh ngữ uy tín. Hiện chị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo IMAP Việt Nam, nhà sáng lập Anh ngữ Ms Hoa (gồm Ms Hoa TOEIC, Ms Hoa Giao Tiếp, Ms Hoa Junior) và IELTS Fighter.
Mỹ Linh (Ảnh: IMAP)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cach-truyen-cam-hung-trong-lop-hoc-cua-nha-sang-lap-anh-ngu-ms-hoa-4537630.html