Hôm 28/3, bác sĩ Sam Ghali, làm việc tại khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế Đại học Toledo, đã đăng bức ảnh chụp X-quang lồng ngực của một thiếu niên lên Twitter, cho thấy phổi của bệnh nhân dường như có dị vật.
“Đây là phim chụp X-quang lồng ngực của một thiếu niên mắc một ‘căn bệnh’ – hiện là nguyên nhân gây tử vong số một ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ”, ông chia sẻ và đề nghị mọi người chẩn đoán là “bệnh gì”.
Sau đó, bác sĩ tiết lộ dị vật trong phim chụp X-quang này là một viên đạn, găm vào lồng ngực thiếu niên sau sự cố liên quan súng đạn. Danh tính nạn nhân không được tiết lộ. Theo bác sĩ Ghali, súng đạn là nguyên nhân số một khiến nhiều trẻ em Mỹ qua đời trong thời gian qua.
Hình ảnh này được đăng tải cùng ngày nước Mỹ trải qua vụ xả súng hàng loạt thứ 130 trong năm, sau khi một tay súng xông vào trường tiểu học tại Nashville và giết chết 6 người, ba trong số đó là trẻ em. Thủ phạm là Audrey Elizabeth Hale, 28 tuổi, được cho là cựu học sinh của trường, đã bị cảnh sát bắn hạ.
Theo Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn, một vụ được coi là xả súng hàng loạt khi ít nhất một phần tư số người ở hiện trường bị bắn. Với định nghĩa đó, số vụ xả súng hàng loạt trong ba tháng đầu năm 2023 tăng 100 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ba vụ nhắm vào các trường học.
Tổng thống Joe Biden kêu gọi chấm dứt bạo lực súng đạn, gọi vụ xả súng mới nhất là sự kiện “đau lòng”, “cơn ác mộng tồi tệ nhất của một gia đình”.
Phát biểu với truyền thông ở Bắc Carolina, ông cho biết nước Mỹ đang phải đối mặt với “dịch bệnh” xả súng. “Khi bắt đầu trở thành chính khách, tôi chưa từng nghĩ súng đạn sẽ là nguyên nhân số một khiến trẻ em tử vong ở Mỹ. Thật đáng sợ”, ông nói.
Theo dữ liệu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố vào năm ngoái, các thương tích do súng gây ra là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người từ 1 đến 19 tuổi.
Trước đó, tỷ lệ tăng đều đặn kể từ năm 2015 đến năm 2019. Năm 2020 ghi nhận mức tăng mạnh là 13,5%. Trong các trường hợp tử vong do súng, gần 60% là giết người, 35% tự sát.
Đứng thứ hai trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên Mỹ là tai nạn giao thông, tiếp theo là ung thư, ngạt thở (do tai nạn hoặc cố ý).
Thục Linh (Theo Yahoo News)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/buc-anh-x-quang-canh-tinh-nan-bao-luc-sung-dan-khien-nhieu-tre-em-my-tu-vong-4586972.html