Một ngày giữa tháng 5, kết thúc buổi học sáng, Y Sâm, học sinh lớp 9 trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, lật đật trở về khu nhà bán trú cách đó khoảng 500 m để giúp mọi người xếp bàn ghế ra giữa sân.
Một nhóm học sinh khác xuống bếp bưng đồ ăn, sắp bát đũa trên chiếc bàn inox tròn. Thực đơn trưa hôm đó gồm có cá, thịt kho cải bắp và canh bí.
Đây là bữa cơm bán trú cho 69 học sinh của trường, học sinh góp gạo còn mạnh thường quân hỗ trợ 17.000 đồng mỗi em một ngày.
Cách đó vài trăm mét, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Tăng cũng nấu cơm trưa cho 68 học sinh. Các em được hỗ trợ 21.000 đồng mỗi suất. Thỉnh thoảng, gia đình các em góp thêm gạo, thực phẩm.
Năm 2021, xã Đăk Tăng còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, học sinh được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú. Theo Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi tháng các em được nhận gần 600.000 đồng tiền ăn, 15 kg gạo. Đến đầu năm 2022, xã được lên nông thôn mới, 69 học sinh cùng giáo viên ở đây không còn được hưởng hỗ trợ.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, năm học 2021 – 2022, địa phương có hơn 1.000 học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú sau khi các thôn, xã chuyển đổi vùng. Lương của các giáo viên cũng bị giảm từ một đến ba triệu đồng một tháng.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng, nhiều học sinh không đến lớp, ở nhà theo bố mẹ lên nương rẫy sau khi bị cắt khoản hỗ trợ. Trường này phải kêu gọi các nhóm thiện nguyện và phụ huynh ủng hộ để duy trì bữa cơm bán trú.
Tuần đầu tiên, trường vận động được 1,8 tạ gạo và 40 kg rau củ từ cha mẹ học sinh, cùng 17.000 đồng mỗi học sinh từ dự án “Nuôi em” của nhóm tình nguyện Niềm tin. Những học sinh có ý định bỏ học được thầy cô vận động ra lớp trở lại.
Ngoài ra, thầy cô trong trường tăng gia sản xuất, trồng thêm rau, củ, chăn nuôi thêm lợn, vịt. Đến nay, bữa cơm bán trú “dân nuôi” đã được hơn một năm.
Sâm và em trai lớp 7 mồ côi bố. Đăk Pờ Rồ – ngôi làng của hai chị em ở cách trường hơn 22 km, nên các em phải ở trong khu bán trú của trường, cuối tuần mới về nhà. Nhà nghèo, mỗi tuần hai chị em mang đến trường góp 2-4 kg gạo, thỉnh thoảng thêm quả bí, bó rau rừng hoặc bó củi.
Ông Phan Văn Nam, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học xã Đăk Tăng, cho biết toàn trường có 117 học sinh, trong đó 115 em là người Xơ Đăng. Xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt nên hành trình đến lớp của nhiều học sinh khó khăn, cách trở. Vì thế, việc đóng góp của các em trên tinh thần tự nguyện.
“Gia đình các em có cái gì thì đóng góp cái đó”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, bữa cơm bán trú là cách giữ chân học sinh ở vùng khó khăn hiệu quả nhất. Các em được ăn no, học tập trong điều kiện giáo dục tốt, phụ huynh cũng an tâm hơn khi con đến trường. Tuy nhiên, ông Nam lo tương lai bấp bênh nếu một ngày nào đó, các mạnh thường quân không hỗ trợ nữa.
“Trường mong mọi người chung tay hỗ trợ để thầy cô yên tâm giảng dạy, các em có bữa cơm ngon dài lâu”, ông Nam nói.
Trần Hóa
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bua-com-ban-tru-dan-nuoi-o-vung-cao-4602255.html