Hoàng Ngân, 28 tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đạt IELTS 8.0 ở kỳ thi ngày 18/10/2022, trong đó hai kỹ năng Listening (Nghe) và Reading (Đọc) đạt điểm tuyệt đối 9.0.
Ngân nói dù học chuyên Anh từ cấp 3 tại trường THPT chuyên Lương Văn Tuỵ, tỉnh Ninh Bình nhưng cô chỉ thành thạo ngữ pháp và đọc. “Gia đình mình cũng không có điều kiện để trang bị máy tính hay internet để mình tự học nghe thêm, do đó kỹ năng Nghe của mình đến thời điểm đó gần như bằng 0”, Ngân nói.
Với xuất phát điểm đó, khi học ở trường Đại học Ngoại ngữ, Hoàng Ngân sốc với yêu cầu nghe ở các môn học. Trong một lần đi chơi ở Hồ Gươm, Hoàng Ngân gặp một nhóm khách Tây nhờ chỉ đường đến phố Tràng Tiền. Họ nói khá nhiều, nhưng từ duy nhất cô nghe được là “Trang Tien”. “Sau đó, còn xấu hổ hơn khi mình không biết nói về đường đi trong tiếng Anh, loay hoay một lúc mình chỉ có thể nói được cụm duy nhất ‘follow me'”, Ngân nhớ lại.
Sau trải nghiệm đó, Ngân quyết tâm phải “học nghe cho bằng được”, không chỉ hoàn thành tốt các học phần trên trường, mà phải dùng được tiếng Anh trong thực tế.
Hoàng Ngân cho biết, quá trình học nghe từ gần mất gốc đến 9.0 không hề đơn giản, nếu tiếp xúc với kỹ năng nghe muộn, người học không dễ có tư duy và thói quen nghe như các bạn học từ sớm. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khiến kỹ năng Nghe khó nhằn với các thí sinh IELTS là do chưa xác định được đúng level (trình độ) của bản thân.
Ngân dẫn chứng, một số bạn tuy mới bắt đầu học đã làm theo thông tin trên mạng, làm luôn đề thi IELTS trong khi bản thân nghe không hiểu gì, sau đó tra từ mới tới vài trang. Dần dần, người học sẽ có tâm lý chán nản.
Từ kinh nghiệm ôn luyện đạt 9.0 IETLS Listening, Ngân cho rằng nên xác định khả năng nghe của trước khi tìm phương pháp học hiệu quả. Ngân chia sẻ bốn cấp độ nghe và phương pháp học cho từng cấp độ mà cô đã đúc kết:
Level 1: Nghe không hiểu gì, hơn 70% là từ mới.
Level 1 là cấp độ của những bạn mới bắt đầu học tiếng Anh, từ vựng chưa đủ để nghe hiểu được nội dung của bài. Theo Ngân, biện pháp tốt nhất cho người mới bắt đầu là bổ sung từ vựng. Hai cuốn sách giúp tăng từ vựng, theo Ngân là English Vocabulary in Use (có thể học từ quyển Pre-Intermediate trở lên) với những từ vựng quen thuộc, được chia thành các nhóm và Cambridge Vocabulary for IELTS với những từ vựng hay dùng cho các chủ đề thường thấy trong IELTS.
Ngoài ra, khi học qua audio và video, để không bị nhàm chán, Ngân cho rằng có thể chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của bản thân. Tuy nhiên, cô lưu ý hãy chọn các nguồn phù hợp với trình độ, không nên ham học cao siêu vội. Người học có thể tham khảo nguồn nghe chia trình độ từ website của Hội đồng Anh – đơn vị tổ chức bài thi IELTS hay một số website khác.
Level 2: Nghe không hiểu nhưng hiểu khi đọc phụ đề.
Nếu gặp phải vấn đề này, bạn có thể đang yếu về phát âm. Theo lối học cũ, một số người vẫn chỉ quen tra nghĩa của từ là đủ, tuy nhiên để nghe được bạn còn cần phải biết từ đó phát âm như thế nào.
Một ví dụ đơn giản là từ “recipe”(công thức nấu ăn), nhiều học sinh quen đọc Việt hóa thành /rì-cíp/, trong khi đó từ này có đến 3 âm tiết là /ˈre.sə.pi/. Vậy nên khi nghe, người học không hình dung được người nói đang nhắc đến một từ quen thuộc mà mình vốn đã biết.
Để giải quyết khó khăn này, bạn cần học lại cách phát âm từ, trước hết bắt đầu với bảng ký hiệu ngữ âm quốc tếIPA (International Phonetic Alphabet). Khi học từ vựng nào, bạn nhớ học cả phát âm của nó, nghe và nhại lại theo. “Thực ra cách này còn có thể giúp chúng ta nhớ từ tốt hơn, vì các bạn đã vận dụng nhiều giác quan vào việc nhớ từ”, Ngân nói.
Level 3: Nghe hiểu từ đơn nhưng không nghe được cả câu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi nói, người nói thường nối âm, nuốt âm, các từ không còn rõ như nói đơn lẻ nữa. Người học cần học phát âm nâng cao sau khi học xong phát âm từ, gồm nối âm và trọng âm, giảm âm câu.
Ví dụ, thay vì nói riêng rẽ “It// is// an// apple”, bạn có thể nối âm nhanh thành /ɪt.tɪ.zən.’næp.əl/.
Nếu trọng âm chính là cách chúng ta nhấn mạnh, đọc nặng hơn, to hơn, thì giảm âm ngược lại là cách chúng ta nói âm đó nhẹ đi. Giảm âm thường rơi vào những từ ngữ pháp trong câu. Theo Ngân, từ “an” ở ví dụ trên, trong khi đọc nhấn mạnh là /æn/ thì khi giảm âm lại chỉ còn /ən/, việc giảm nhẹ âm thế này có thể khiến một số bạn không nghe ra.
Level 4: Nghe hiểu nhưng không làm bài được.
Theo Ngân, điều cần làm ở trình độ này là học kỹ năng làm các dạng bài của IELTS. Để đảm bảo mức điểm tốt nhất, người học cần phân tích được rõ ràng dạng bài mà mình còn yếu, các lỗi hay mắc phải, để luyện tập nhiều hơn và tập trung hơn khi nghe.
Để làm bài Listening tốt, Ngân cho rằng phải luôn có bước Pre-Listening – chuẩn bị trước khi nghe. Đối với dạng bài thường gặp nhất trong IELTS Listening là điền vào chỗ trống (Gap-filling), hay xuất hiện ở part 1 và 4 của đề thi, thí sinh có thể áp dụng phương pháp H.I.G – Highlight, Identify, Guess.
Trong đó, Highlight là gạch chân những keyword (từ khoá) xuất hiện trong đề bài; Identify là từ loại (Danh từ/ Động từ/ Tính từ/ Trạng từ) sẽ điền vào chỗ trống; Guess là nội dung có thể điền vào chỗ trống. Ở bước này, bạn không nên dùng kiến thức xã hội của bản thân để đoán nội dung đáp án.
Ngoài ra, theo Ngân, thí sinh thường hay nhầm lẫn ở danh từ (số ít/ số nhiều), spelling (đánh vần), code (mã, thường thấy nhất là postcode – mã bưu điện) bao gồm cả số và chữ cái. “Khi nắm rõ cách làm các dạng bài, luyện tập để khắc phục các điểm yếu, thí sinh đã có thể tự tin để đi thi và mang về điểm IELTS Listening tốt nhất”, Ngân chia sẻ.
Lệ Thu
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bon-buoc-tu-so-khong-den-9-0-ielts-listening-4561701.html