Thông tin được ông Lân cho biết khi trao đổi với báo chí chiều 13/4, trong bối cảnh số ca Covid-19 gia tăng gần đây.
“Số ca tăng, kể cả tăng cục bộ ở nơi này nơi kia, nhưng tình hình dịch vẫn được kiểm soát”, ông Lân nói và khuyến cáo các tỉnh, thành tăng cường rà soát cấp độ dịch, công bố rõ để người dân biết và phòng chống.
Theo ông Lân, cấp độ 1 có ý nghĩa là dịch được phát hiện sớm nhất ở cấp xã, phường; khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào các địa phương, tránh gây hoang mang cũng như chủ quan của người dân.
Từ khi “thích ứng an toàn với Covid-19” vào cuối năm 2021, Việt Nam phân chia 4 cấp độ dịch, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới) – màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình) – màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao) – màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao) – màu đỏ.
Đầu năm 2022, tình hình dịch trên cả nước được Bộ Y tế đánh giá ở cấp độ 1, duy trì đến nay.
Tuần qua, cả nước ghi nhận khoảng 900 ca nhiễm mới, riêng ngày 13/4 có 497 ca. Trung bình có 112 ca nhiễm mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30% số nhiễm mới). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân nặng trong tuần là 10 ca, trung bình 1-2 ca nặng mỗi ngày. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó.
Theo ông Lân, số ca nhiễm tại khu vực phía bắc tăng là do thời tiết giao mùa. Ngoài ra, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ biện pháp phòng chống, nhu cầu giao lưu đi lại sau 3 năm dịch tăng mạnh, kể cả Việt Nam. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan đã tiêm vaccine, nên không thực hiện biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn.
Hiện các ổ dịch được xử lý sớm, không lây lan, như ở Lào Cai, Hà Nội. Tỷ lệ bệnh nhân nặng trên số ca nhiễm không tăng. Từ đầu tháng 4 tới nay, tỷ lệ bệnh nhân nặng trên số mắc còn thấp hơn so với tháng 3.
“Mục tiêu giai đoạn tới là giảm ca nhập viện, nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả”, ông Lân cho biết, thêm rằng vẫn cần tiêm chủng Covid-19 đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, lực lượng y tế tuyến đầu.
Omicron và các biến chủng phụ vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam. Theo ông Lân, các biến chủng này không làm gia tăng tỷ lệ chuyển nặng. Thế giới ghi nhận có trên 500 biến chủng phụ của Omicron, hầu hết có chung đặc tính là lây lan nhanh, chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Câu hỏi là vaccine hiện nay có hiệu quả đối với các chủng mới của Omicron hay không? Ông Lân cho biết hiện Việt Nam chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine Covid. “Vaccine Covid-19 hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong một cách hiệu quả”, Cục trưởng Y tế Dự phòng nói.
Hầu hết người dân đã được tiêm mũi vaccine Covid cơ bản. Tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 80-90%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tỷ lệ tiêm hơn 90%. Việt Nam là một trong số quốc gia tiêm chủng Covid-19 cao trên thế giới.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bo-y-te-covid-van-o-cap-do-1-du-so-ca-tang-4593058.html