Bộ đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống năm 2022 – 2023 gồm 4 đề ôn thi, là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 10 tham khảo.
Đề ôn thi học kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận với thời gian làm bài 90 phút. Đề ôn thi cuối kì 2 Ngữ văn 10 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập từ cơ bản tới nâng cao. Việc luyện đề giúp các bạn học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài thi để đạt kết quả cao trong kì thi học kì 2 lớp 10 sắp tới. Vậy sau đây là TOP 4 Đề ôn thi học kì 2 Văn 10 năm 2022 – 2023, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Đề ôn thi học kì 2 Văn 10 – Đề 1
Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau :
Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn. Ừ cũng chả phải, Nhĩ vừa ngồi để cho vợ bón từng thìa thức ăn vừa nghĩ, chính vì thời tiết đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi, cái nóng hầm hập ở trong phòng cùng với thứ ánh sáng loa lóa vừa nhìn đã thấy chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết đã rút đi đâu từ bao giờ.
Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.
Nhĩ khó nhọc nâng một cánh tay lên khẽ ẩy cái bát miến trên tay Liên ra. Anh ngửa mặt như một đứa trẻ để cho thằng Tuấn cầm chiếc khăn bông tẩm nước ấm khẽ lau miệng, cằm và hai bên má cho mình.
Anh không dám nhìn vào mặt con. Trong khi lại nghiêng mặt ra ngoài cửa sổ, anh ngạc nhiên nhận thấy những cánh hoa bằng lăng càng thẫm màu hơn – một màu tím thẫm như bóng tối…
Chờ khi đứa con trai đã bưng thau nước xuống nhà dưới, anh hỏi Liên:
– Đêm qua lúc gần sáng em có nghe thấy tiếng gì không?
Liên giả vờ không nghe câu chồng vừa hỏi. Trước mặt chị hiện ra một cái bờ đất lở dốc đứng của bờ bên này, và đêm đêm cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ òa vào giấc ngủ.
– Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ?
Liên vẫn không đáp và biết chồng đang nghĩ gì. Chị đưa những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai chồng:
– Anh cứ yên tâm. Vất vả, tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được.
Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá.
– Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm… mà em vẫn nín thinh.
– Có hề sao đâu…Miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này…
Ngừng một lát, Liên nói tiếp:
– Anh cứ tập tành và uống thuốc cho đều. Sang tháng mười, nhất định anh đi lại được.
– Vậy thì đầu hoặc giữa tháng mười một, anh sẽ đi Thành phố Hồ Chí Minh một chuyến.
Liên biết chồng nói đùa:
– Đi Thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chẳng được nhưng anh có thể chống gậy đi trong nhà. Hoặc tiến triển tốt hơn, em có thể đỡ anh men cầu thang bước xuống một bậc… hoặc giá anh lại khỏe hơn, chúng mình có thể bước xuống hai bậc.
– Ừ, tưởng gì… nhất định đầu tháng mười anh sẽ đi ra được đến đầu cầu thang…
Liên đặt bàn tay vào sau phiến lưng đã có nhiều mảng da thịt vừa chai cứng vừa lở loét của Nhĩ:
– Em đỡ anh nằm xuống nhé?
– Khoan. Em cần ra chợ hay đi đâu thì cứ đi. Khi nào mỏi anh sẽ gọi con.
Một lát sau Nhĩ còn nghe tiếng vợ đi lại dọn dẹp và dặn dò con điều gì đó. Liên hãm nước thuốc ở cái siêu đất ra chiếc bát chiết yêu, Nhĩ đoán thế, nghe tiếng nước rót ra lẫn mùi thuốc bắc bay vào nhà. Rồi Liên xuống thang, vẫn cái tiếng bước chân rón rén quen thuộc suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm.
Chờ Liên xuống tầng dưới rồi Nhĩ mới lên tiếng:
– Tuấn, Tuấn à!
Anh con trai đánh trần ngồi tựa vào bức tường đầu cầu thang, tay nhặt rau muống, mắt cúi xuống một cuốn sách truyện dịch. Nghe bố gọi, Tuấn chạy vào trong tay vẫn cầm quyển sách dảy cộm gập đôi:
– Bố mỏi rồi. Con đỡ bố nằm xuống nhé!
– Chưa… – đến lúc này Nhĩ mới ngắm kĩ đứa con trai. Nó là đứa thứ hai, gần một năm nay vắng nhà, đi học tận trong một thành phố phía nam và vừa mới trở về đêm qua. Anh thấy càng lớn thằng con anh càng có nhiều nét giống anh.
Người cha sắp từ giã cõi đời đang giấu một tâm sự bí mật gì đó trong cái vẻ lúng túng. Anh ngước nhìn ra ngoài cửa sổ một lần nữa rồi quay vào bất chợt hỏi:
– Đã bao giờ Tuấn… sang bên kia chưa hả?
– Sang đâu hả bố?
– Bên kia sông ấy!
Anh con trai đáp bằng vẻ hờ hững:
– Chưa…
Nhĩ tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời mình:
– Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố…
– Để làm gì ạ?
– Chẳng để làm gì cả. – Nhĩ có vẻ ngượng nghịu vì cái điều anh sắp nói ra quá ư kì quặc – Con hãy qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về…
[…]
(Trích Bến quê, Nguyễn Minh Châu, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, NXB Văn học)
Lựa chọn đáp án đúng
Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện.
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
Câu 2. Nhân vật Nhĩ quan sát bức tranh thiên nhiên từ điểm nhìn nào?
A. Khung cửa sổ trong căn phòng của mình.
B. Từ trên chiếc giường bệnh của mình
C. Khung của sổ trong phòng khách
D. Từ bộ ghế ngồi trong phòng của mình
Câu 3. Khung cảnh thiên nhiên được miêu tả vào mùa nào?
A. Mùa đông
B. Mùa thu
C. Mùa hè
D. Mùa xuân
Câu 4. Sự kiện nào không xuất hiện trong đoạn trích?
A. Nhĩ nhờ con trai sang bên kia sông
B. Nhĩ khó nhọc nâng một cánh tay lên
C. Hỏi vợ hôm nay là ngày thứ mấy
D. Bảo đứa con gái đỡ mình ngồi dậy
Câu 5. Vẻ đẹp quê hương được cảm nhận như thế nào qua cái nhìn của nhân vật Nhĩ?
A. Vẻ đẹp trù phú, đầy màu sắc
B. Tươi trẻ, đầy sức sống
C. Vẻ đẹp non tơ, mỡ màng
D. Sự giàu có, trẻ trung
Câu 6. Khi Nhĩ nhờ con trai sang bên kia sông giúp mình, thái độ của nhân vật thằng bé ra sao?
A. Hờ hững, thờ ơ.
B. Thờ ơ, lạnh lùng
C. Tự ái, lạnh lùng
D. Nhiệt tình, hào hứng
Câu 7. Trong đoạn trích trên, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện như thế nào?
A. Nhĩ bị liệt toàn thân, nhưng vẫn muốn tập trung hết sức còn lại để nói ra cái điều ham muốn cuối cùng của đời mình
B. Khi phát hiện ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, Nhĩ muốn đi ngắm cảnh đẹp bình dị ấy, nhưng bị vợ và con trai ngăn cản
C. Khi phát hiện ra vẻ đẹp của bãi bồi, Nhĩ nhờ con trai sang sông, nhưng vì mải chơi nên nó đã bỏ lỡ chuyến đò
D. Lúc còn trẻ Nhĩ đã đi đến rất nhiều nơi, Nhưng đến gần cuối đời anh bị liệt toàn thân, không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người khác.
Câu 8. Ý nghĩa của tình huống truyện trong đoạn trích?
Câu 9. Đọc đoạn đầu của truyện và nhận xét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của tác giả trong đoạn văn này.
Câu 10. Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh, chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng.
PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) từ thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn trong mọi việc.
Đề ôn thi học kì 2 Văn 10 – Đề 2
I. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Đoàn Thôn là một cái phố chợ tồi tàn gần ngay một huyện lị nhỏ ở trung châu. Hai dãy nhà lụp xụp, mái tranh xuống thấp gần đến thềm, che nửa những cái chái nứa đã mục nát. Gần đấy là những quán chợ xiêu vẹo đứng bao bọc một căn nhà gạch có gác bưng bít như một cái tổ chim, nhà của một người giàu trong làng làm ra để bán hàng. Người ở phố chợ là bảy tám gia đình nghèo khổ không biết ở đâu, mà người dân trong huyện thường gọi một cách khinh bỉ: những kẻ ngụ cư. Họ ở đâu đến đây kiếm ăn trong mấy năm trời làm đói kém, làm những nghề lặt vặt, người thì kéo xe, người thì đánh dậm, hay làm thuê, ở mướn cho những nhà giàu có trong làng. Người ta gọi mọi gia đình bằng tên người mẹ, nhà mẹ Hiền, nhà mẹ Đối, nhà mẹ Lê. Những gia đình này giống nhau ở chỗ cùng nghèo nàn như nhau cả.
Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một ngươì con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác một chồ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi từng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.
Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.
……….
Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét và khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm và chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng hàng xóm lời gì, ai nấy đều biết cũng nghèo khốn như nhau.
Một buổi chiều, mà đàn con đã nhịn đói suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến rồi bảo:
– Ở nhà trông các em, tao vào ông Bá xem có xin được ít gạo nào không?
– Ban sáng u đã vào nhà người ta có cho đâu, cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó ra cắn.
Bác Lê đáp:
– Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi tao cứ liều vào lần nữa xem sao.
Nói xong, bác Lê mở cửa liếp ra đi. Trong lòng bác vẫn có chút hy vọng trong buổi sáng lúc vào xin gạo. Ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cải cảnh sang trọng, ấm cúng trong nhà ông Bá. Những chậu sứ, câu đối thếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giầu có thế mà không thí cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?
Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau đợi trong ổ rơm. Bác đi đâu không thấy về. Thằng Hy lắng tai nghe tiếng chó cắn trong làng rồi bảo chị nó:
– Hình như u về đấy chị ạ.
Thằng cả đi lại bên cửa bếp nhìn ra ngòai. Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng.
Thằng cả hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác đặt người bị thương xuống chiếu rồi ra đi sau khi dặn:
– Bây giờ, bác lấy lá lốt mà dịt cho nó cầm máu. Chó tây cắn thì độc lắm đấy.
Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:
– U làm sao thế, u?
Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:
– Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi, tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.
…
Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở nhọc nhằn. Cái nghèo không biết tự bao giờ đã vào nhà bác. Lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi, và từ đó nó cứ theo liền bác mãi. Nhưng có người mướn làm thì không đến nỗi. Bác nhớ lại những buổi đi làm khó nhọc, nhưng bác vui vẻ được lĩnh gạo về cho con, những bữa cơm nóng mùa rét, những lúc thằng Hy và con Tý vui đùa giằng co chiếc bánh bác mua cho chúng.
…
Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.
Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ con bác Lê ngồi ở vỉa hè. Con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát rồi sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết.
(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam – sachhayonline.com)
Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):
Câu 1: Câu chuyện trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào?
A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm
B. Tự sự, biểu cảm, nghị
C. Tự sự, miêu tả, nghị luận
D. Miêu tả, biểu cảm, thuyết minh
Câu 2: Câu chuyện được diễn ra trong một không gian như thế nào?
A. Không gian tối tăm, hôi hám, bẩn thỉu
B. Không gian tù túng, quẩn quanh, tối tăm, nghèo khó
C. Không gian phố chợ
D. Không gian ngôi nhà của mẹ Lê
Câu 3: Nhân vật chính trong câu chuyện là ai?
A. Ông Bá
B. Cậu Phúc
C. Mẹ Lê
D. Thằng Hy
Câu 4: Câu văn “khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da” sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Ẩn dụ
D. Hoán dụ
Câu 5: Nội dung của văn bản trên là gì?
A. Gia cảnh nghèo túng, đói khổ của nhà mẹ Lê cùng tấm lòng yêu thương con vô hạn của người mẹ nghèo.
B. Kể về cuộc đời của mẹ Lê
C. Kể về cuộc sống của người nông dân trước cách mạng tháng 8 với những phẩm chất caiquý của họ
D. Kể về tình yêu thương con của mẹ Lê
Câu 6: Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi 1
B. Ngôi 2
C. Ngôi 3
D. Đan xen ngôi 1 và ngôi 3
Câu 7: Tấm lòng của nhà văn thể hiện trong văn bản trên là
A. Yêu thương, xót xa, ái ngại cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê
B. Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tình mẫu tử, của sự hi sinh ở hình ảnh mẹ Lê
C. Tố cáo lên án sự tàn nhẫn, độc ác của bọn địa chủ phong kiến
D. Cả 3 đáp án trên
Trả lời câu hỏi:
Câu 8 (0.5 điểm): Liệt kê các sự kiện tiêu biểu trong văn bản.
Câu 9 (1.0 điểm): Hãy nhận xét về cốt truyện của văn bản trên.
Câu 10 (1.0 điểm): Anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 5-7 câu nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử.
II. LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi
………..
Tải file tài liệu để xem thêm đề ôn thi học kì 2 Văn 10
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 4 Đề ôn tập cuối kì 2 Văn 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.