Bạn đang xem bài viết Bích Chi – thương hiệu của chất lượng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bích Chi hiện là công ty sản xuất bột lớn nhất tại Đồng Tháp với công suất 1200 tấn bột và 3000 tấn ngũ cốc/năm. Ở địa thế thuận lợi, nằm trong vùng nguyên liệu dồi dào, Bích Chi có đa dạng các nhóm sản phẩm: phở ăn liền Bích Chi, cháo ăn liền Bích Chi, hủ tiếu, phở, bún khô, bánh phồng tôm Bích Chi, bánh tráng Bích Chi, ngũ cốc Bích Chi,….
Đằng sau những thông tin ngắn gọn về lịch sử hình thành: “Nhà máy Bích Chi được thành lập năm 1966 tại Đồng Tháp” là câu chuyện thăng trầm của một thương hiệu gắn với cuộc đời của người đàn ông khởi nguồn nên thương hiệu này, ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh), hiện đang sống tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Sản phẩm từ tình thương của người cha
Bột gạo lứt Bích Chi với hình ảnh biểu tượng mẹ bồng con từng một thời là sản phẩm thân thuộc với các bà nội trợ, các gia đình có con nhỏ khắp các tỉnh từ miền Trung đến miền Tây, miền Nam Trung Bộ trong những năm tháng của thập niên 60, 70.
Tình thương mà các bậc cha mẹ dành cho con mình cũng chính là tình thương mà ông Trần Khiêm Khánh (tức Tư Khánh) dành cho cô con gái bé nhỏ của mình, để rồi trở thành một thương hiệu quen thuộc gắn với các bậc phụ huynh một thời. Ông Trần Khiêm Khánh vốn không phải là một doanh nhân hay một người kinh doanh thiên bẩm. Ông là một người hoạt động cách mạng, bị bắt, bị tù đày và sức khỏe suy giảm sau nhiều năm bị giam cầm khắc nghiệt.
Năm 1966, tại Sa Đéc, vợ ông sinh cô con gái thứ hai. Tình hình khó khăn khiến gia đình không đủ tiền mua sữa cho con. Ông Khánh chợt nhớ hồi còn kháng chiến, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng luôn dặn mọi người thỉnh thoảng nên ăn gạo lứt để tăng sức khỏe, chống bệnh tật, ông cũng tìm đọc một số tài liệu, sách báo về công dụng của gạo lứt nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt lấy nước cháo cho con uống.
Hơn tuần lễ sau thấy con khỏe mạnh hơn, không hề tiêu chảy hay dị ứng, ông yên tâm về loại thực phẩm mới cho trẻ này. Nhận thấy việc nấu cháo khá bất tiện cho trẻ nhỏ bởi gạo lứt vốn cứng, ông nghĩ nên xay thành bột dễ hơn. Thế là ông nghiên cứu đặt thợ làm một chiếc máy xay bột nhỏ. Bột xay ra nhiều dùng không hết, ông gửi tặng một số người quen có con nhỏ mỗi người một ít. Không dè mọi người dùng thử thấy tốt nên giới thiệu người quen, sau đó đặt hàng ông mua và xay giúp, tính ra chỉ mới trong số người quen biết thôi mà đã lên tới vài trăm ký mỗi tháng.
Được mọi người khen ngợi và ủng hộ, ông Tư Khánh vui một vì có tiền bạc đắp đổi cho cuộc sống gia đình nhưng ông vui mười khi thấy trẻ con nhờ ăn bột của mình mà mạnh khỏe, không bị suy dinh dưỡng. Thế nên khi bạn bè gợi ý nên mở rộng sản xuất bột để phục vụ đông đảo hơn cho bà con, ông và vợ – bà Đinh Ngọc Điệp chỉ mất một đêm bàn bạc là nhất trí mở nhà máy. Cái tên nhà máy chính là tên cô con gái thứ hai – Trần Thị Bích Chi. Cô chính là người đã “nếm thử” những sản phẩm đầu tay của ông Tư Khánh…
“Nếu không có Bích Chi, tui đã không làm bột. Chính nhờ nuôi nó bằng gạo lứt tui làm ra mới có công ty sau này nên tui đặt tên cho bột này là Bích Chi”.
Bột gạo lứt là sản phẩm đầu tiên của Bích Chi
Con đường đi tới thành công
Sau khi mở công ty, ông Tư Khánh nghiên cứu thêm sản phẩm bột gạo lứt đậu xanh, rồi bột 5 loại đậu – tức là bột đậu xanh, trắng, đỏ, đen và đậu nành, đây là những sản phẩm được bà con mua nhiều nhất. Lý do để bột Bích Chi được dùng nhiều vì so với sữa bột ngoại nhập khá đắt đỏ, bột gạo lứt và bột tổng hợp giá rẻ vẫn có độ dinh dưỡng cao. Thứ nữa là sữa chỉ pha cho trẻ uống, còn bột Bích Chi pha đường cho trẻ uống hay ăn cũng được, trẻ lớn chút thì cho thêm thịt bằm, rau củ băm nhỏ vào nấu chung thành món mặn ăn dặm tiện lợi và ngon miệng. Không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng dùng tốt các sản phẩm bột.
Giai đoạn đầu, bột Bích Chi được khách mua theo kiểu truyền miệng, người nọ mách người kia trong vùng nhưng để đưa sản phẩm đến với các vùng khác ở miền Nam, nhất là lên Sài Gòn thì không thể trông chờ vào phương thức cũ. Do đó ông Khánh chọn người làm đại lý độc quyền là ông Đỗ Như Công. Bản thân ông Công có bằng thương mại do Pháp cấp, lại là bạn thân với Trần Khiêm Ninh, anh của ông Khánh. Như vậy cả yếu tố thân tình lẫn chuyên môn đều có đủ và chính ông Công đã góp phần không nhỏ giúp bột Bích Chi chinh phục miền Nam, trong đó có thành trì kiên cố nhất là Sài Gòn.
Bấy giờ miền Nam đang có phong trào nghe cải lương tân cổ giao duyên, ông Công đã mời hai ca sĩ cải lương có tiếng lúc bấy giờ là Ngọc Giàu và Thành Được ca sáu câu vọng cổ được chính soạn giả nổi tiếng Viễn Châu viết. Riêng phần tân nhạc nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (cha của ca sĩ Hồng Hạnh) vốn là bạn với gia đình ông Công soạn và đích thân hát luôn. Những bản nhạc này được phát ở các sạp bán hàng, nhất là trước các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn như chợ Bến Thành, An Đông, Bình Tây… Ở đây, khách đi ngang qua được nghe nhạc, được mời dùng thử miễn phí các sản phẩm của Bích Chi.
Xe Tổng phát hành đi rao hàng khắp Sài Gòn, cho dân chúng thưởng thức bột nấu tại chỗ.
Ngoài ra, ông Công cũng đặt làm một đoạn phim ngắn để chiếu quảng cáo trong các rạp phim, trong đó diễn viên trẻ mới nổi Phương Hoài Tâm đóng vai chính, đại để nội dung phim là gia đình nông dân chồng đi làm xa, vợ đi làm ruộng, bà ngoại ở nhà cho cháu ăn bột Bích Chi. Đứa trẻ đóng phim rất mập bự (tạo hình ảnh trẻ dùng bột Bích Chi sẽ rất khỏe mạnh) tên Lưu Minh Thiện không phải là diễn viên mà là con của một khách hàng, bé Thiện cũng thường xuyên dùng bột Bích Chi từ nhỏ. Định hướng quảng cáo của ông Công là không dùng diễn viên đóng thế mà phải là người thật việc thật, là những người từng sử dụng bột Bích Chi lâu dài tham gia như một sự bảo chứng. Cũng chính vì vậy nhãn hiệu phổ biến của bột Bích Chi có hình ảnh người mẹ bồng con chính là từ ảnh chụp bà Đinh Ngọc Điệp đang bế cô Bích Chi, dưới có dòng chữ: “Hình ảnh cháu Trần Thị Bích Chi, cháu bé đầu tiên được nuôi thử nghiệm bằng bột gạo lứt thay sữa mẹ”. Sau đó chiến dịch quảng cáo còn vận động một số khách hàng đưa rõ tên thật, hình ảnh của mình để giới thiệu cho sản phẩm.
Nhờ việc quảng cáo hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1975, mỗi năm nhà máy Bích Chi sản xuất hàng trăm tấn bột. Ngoài sản phẩm trẻ em, Bích Chi bắt đầu nghiên cứu nhiều loại bột gia dụng khác như bột gạo ngang (để nguyên chất xơ) để làm bánh có độ giòn như bánh xèo, bánh khọt…; bột nửa ngang nửa lọc (đã lấy bớt chất xơ) để làm bánh hấp, bánh luộc như bánh canh, bánh lọ… Ngoài ra còn một loại đặc biệt chỉ có tinh bột, không chất xơ để làm bánh bò…
Hiến tặng nhà máy cho Nhà nước
Cùng với những biến chuyển lịch sử, nhà máy và thương hiệu bột Bích Chi được ông Tư Khánh tự nguyện hiến cho Nhà nước. Năm 1976, nhà máy trực thuộc Công ty Sữa Cà phê miền Nam (tiền thân Công ty Vinamilk ngày nay), sau đó được giao về tỉnh Đồng Tháp. Năm 2001, Công ty bột Bích Chi được cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi.
Cùng với quy mô phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đến nay, công ty có bốn nhóm sản phẩm: bột dinh dưỡng Bích Chi và bột chiên; bánh phồng tôm Bích Chi; sản phẩm chế biến từ bột gạo (hủ tiếu, phở, bún khô và bánh tráng Bích Chi); sản phẩm ăn liền. Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm đã được xuất sang các nước châu Á, Úc, Mỹ, Canada, EU và một số nước Ảrập…
Với số lượng trên 550 công nhân, Công ty Thực phẩm Bích Chi hàng năm sản xuất khoảng trên 3.000 tấn bột dinh dưỡng các loại, trong đó có trên 200 tấn bột gạo lứt dành cho người dân mọi lứa tuổi. Doanh thu gần 300 tỷ /năm trong đó xuất khẩu đạt 7 triệu USD.
Kinh nghiệm hay Pgdphurieng.edu.vn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bích Chi – thương hiệu của chất lượng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.