Trả lời
Tỏi giàu protein và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie. Tuy nhiên, tỏi có thể làm giảm trương lực của cơ thắt dưới thực quản – cơ tránh để thức ăn ở trong dạ dày khi co bóp bị đẩy ngược lên thực quản. Khi cơ này yếu, đầu trên dạ dày đóng không kín, dẫn tới tình trạng trào ngược thức ăn và acid lên trên thực quản, gây cảm giác bỏng rát, ợ nóng, buồn nôn.
Tỏi chứa nhiều fructose, có thể gây đầy hơi và đau dạ dày ở những người có tình trạng không dung nạp fructose. Nguyên nhân do fructose không được tiêu hóaở ruột non, xuống thẳng đại tràng, lên men ở đó gây đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác. Những người đã có sẵn bệnh nền của đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng thì nên thận trọng khi sử dụng tỏi.
Tỏi có tác dụng làm loãng máu, ngăn hình thành huyết khối, ức chế ngưng tập tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy, mất máu. Người ăn nhiều hơn 12 g tỏi mỗi ngày (khoảng 4 tép) sẽ có nguy cơ bị chảy máu nhiều hơn khi phẫu thuật. Trong tỏi có nhiều hợp chất lưu huỳnh, có thể gây hôi miệng, đặc biệt là khi ăn với lượng lớn và ăn sống. Tỏi được nấu chín thì hàm lượng lưu huỳnh giảm đi, ít gây tình trạng này hơn.
Người bị viêm đường ruột không nên ăn tỏi, do tỏi kích thích ruột dẫn đến tăng acid uric niêm mạc ruột, gây phù nề, khiến bệnh tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, tỏi có nhiều tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm hiệu quả. Sử dụng tỏi hằng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus. Các chất vitamin, chất oxy hóa cũng cải thiện chức năng xương khớp, làm đẹp da, nâng cao thể lực cho nam giới.
Trong nhiều nghiên cứu, tỏi có công dụng giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Bệnh nhân ung thư vẫn có thể ăn tỏi bình thường nhưng không nên ăn quá nhiều.
Để tốt nhất cho sức khỏe, bạn chỉ nên sử dụng một đến hai tép tỏi mỗi ngày (3-6 g).
Bác sĩ Hà Hải Nam
Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bi-benh-da-day-co-nen-an-toi-4609493.html