Đền Thủy Trung Tiên nằm trầm mặc trên một đảo nhỏ ở góc hồ Trúc Bạch (Ảnh: Dantri)
Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch trên đường Thanh Niên, Hà Nội chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của ngôi đền Thủy Trung Tiên nhỏ bé với cây cối um tùm quanh năm u tịch, hoang vắng. Khung cảnh ấy khắc họa cho ngôi đền một màu sắc huyền bí. Nhưng ít người biết rằng từ xa xưa nó đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt.
Đền Thủy Trung Tiên – Đền thờ Thần Chó độc nhất tại Việt Nam
Di tích độc đáo giữa Hà thành
Như một “hòn ngọc” trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây – Trúc Bạch, đền Thủy Trung Tiên hay còn được biết đến với tên gọi đền Cẩu Nhi có những nét độc đáo, huyền bí mà không phải ngôi đền nào cũng có. Đền được xây dựng từ thời nhà Lý, gắn với truyền thuyết 2 mẹ con chú chó hóa thần. Đây cũng là ngôi đền thờ Thần Chó độc đáo nhất tại Việt Nam.
Đền Thủy Trung Tiên nằm trầm mặc trên một đảo nhỏ ở góc hồ Trúc Bạch (Ảnh: Dantri)
Dẫn vào ngôi đền Thủy Trung Tiên là cây cầu đá chắc chắn, uốn lượn soi bóng mặt hồ Trúc Bạch thơ mộng. Cầu có tổng chiều dài 18m với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m và rộng 2,25m. Trước đây, người dân muốn vào đền phải đi qua cây cầu dây cáp tạm bợ. Cầu đá mới này được xây dựng theo nguyên mẫu của cây cầu đá đền Trần ở Nam Định.
Đi hết cây cầu đá là đến cổng tam quan được thiết kế theo phong cách đền, chùa xưa với phần mái cong, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Tiếp đó điện thờ chính, diện tích bên trong khá nhỏ nhưng vẫn đầy đủ những vật dụng cần thiết để người dân hành lễ, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tích xưa nhuốm màu truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian
Đi qua cây cầu đá, du khách sẽ được chào đón bởi hai bức tượng đá mang hình chú chó đứng ngay ngắn ở đầu cầu bên đường Thanh Niên có tên gọi là Cẩu Nhi. Theo tích xưa, đền Thủy Trung Tiên có tên gọi Cẩu Nhi do liên quan tới một truyền thuyết về sự kiện vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1009 và dời đô về Thăng Long năm 1010.
Tượng chó con bằng đá đặt ngay tại đầu cầu đá ở lối vào đền (Ảnh: Baomoi)
Theo một tích xưa truyền lại, đền Thủy Trung Tiên do vua Lý Công Uẩn cho xây để thờ cặp chó mẹ – chó con đã vượt sông Hồng về Thăng Long, hóa thành thần. Chó con khi sinh ra, trên lông có những vết đốm ghép lại thành chữ “Thiên tử” ứng với việc vua Lý Công Uẩn lên ngôi (Vua Lý Công Uẩn tuổi Tuất). Sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.
Một tài liệu thần tích trong Ngọc phả cổ lục cũng chép về sự xuất hiện của tục thờ “Thần Chó” như sau, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Sự ra đời của vua Lý Công Uẩn, khiến con chó bằng đồng sủa inh ỏi, mà vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất. Được biết, nơi đây, đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu.
Đã hơn 1.000 năm bãi bể hóa nương dâu, thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ khiến những câu chuyện được chép trong sử liệu cũng mang màu sắc dân gian tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo nhưng vẫn sống động và được lan truyền trong đời sống tâm linh của biết bao người dân Hà Nội.
Đền Cẩu Nhi ngày nay được gọi là đền Thủy Trung Tiên (Ảnh: Zing)
Có lẽ, sẽ không có một di tích nào trên dải đất hình chữ S này lại có một ngôi đền mà tên gọi của nó khiến cả giới sử học đương thời phải tranh luận suốt thời gian dài mà vẫn chưa có thống nhất.
Theo lý giải của GS. Phan Huy Lê, người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: Chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và chuyện thờ Chó đã có từ năm 1254. Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, tục thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên ngôi đền Thủy Trung Tiên ở giữa hồ Trúc Bạch có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: Lớp thờ Chó – thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.
Thăng trầm của một di tích xưa
Để có được khu thờ tự khang trang trở thành điểm đến du lịch Hà Nội, tín ngưỡng cho du khách như hiện nay, đền Thủy Trung Tiên phải trải qua những thăng trầm của tạo hóa khi chỉ còn là phế tích.
Cái tên Cẩu Nhi “chính danh” đã không còn nhưng vẫn in đậm trong tâm thức của người dân Hà Nội. Nếu ai đã từng đặt chân tới ngôi đền Thủy Trung Tiên sẽ thấy bức tượng đôi chó đá ngay trên đầu cầu đá bắc qua hồ Trúc Bạch thay thế cho cây cầu gỗ mục nát xưa kia. Đôi chó đá được đặt ngay vị trí đầu tiên như thể hiện quan niệm tâm linh của người Việt khi đặt chó như một linh vật với ý nghĩa sẽ đem lại may mắn. Song, đây cũng như một lời gửi gắm tới du khách nhớ tới tên gọi Cẩu Nhi khi xưa.
Đền Thủy Trung Tiên gắn với sự tích vua Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô về Thăng Long (Ảnh: Dantri)
Được biết, năm 1980, ngôi đền bị dỡ bỏ để làm sân chơi, nhà kho, làm quán giải khát. Dự án phục dựng đền được UBND thành phố phê duyệt năm 2014, đến năm 2015 thì triển khai thực hiện. Năm 2017, đền được khánh thành và Ban Quản lý quyết định đặt tên mới cho đền là đền Thủy Trung Tiên chứ không còn gọi là Cẩu Nhi như trước.
Ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo
Vẻ đẹp kiến trúc ngôi đền nhìn từ trong ra ngoài, từ chi tiết đến tổng thể đều có nét đặc trưng riêng biệt. Đền Thủy Trung Tiên được xây hình chữ nhật, mái đền uốn cong, ngói đền là loại ngói vẩy cá theo kiến trúc đền chùa truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, toàn bộ tượng, chông, chân nến trong đền đều được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch.
Sau khi được đầu tư phục dựng, đền Thủy Trung Tiên trở nên khang trang hơn và ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến về văn hóa tín ngưỡng không thể bỏ qua với nhiều người dân thủ đô, nhất là vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nhiều người tìm đến đền Cẩu Nhi để cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc.
Ngày nay đền Thủy Trung Tiên là điểm đến tâm linh cho người dân (Ảnh: Baomoi)
Nguyễn Ngân
Đăng bởi: Thạch Hà Tuổi Trẻ
Từ khoá: Bí ẩn ngôi đền Thủy Trung Tiên thờ ‘Thần Chó’ giữa trung tâm Hà Nội
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bí ẩn ngôi đền Thủy Trung Tiên thờ ‘Thần Chó’ giữa trung tâm Hà Nội của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.