Bạn đang xem bài viết Bệnh viêm não Nhật Bản, cách phòng và điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm với những tổn thương cho hệ thần kinh rất ngiêm trọng, nếu không được chuẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm Não Nhật Bản thuộc dạng nhiễm trùng thần kinh do virus viêm não Nhật Bản gây ra, thường xuất hiện ở vùng nông thôn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, sinh sống ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới có thể giúp virus tồn tại quanh năm, phổ biến nhất mùa hè- thu. Bệnh được lan truyền qua đường muỗi đốt, và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tỉ lệ mắc bệnh ở một số quốc gia thống kê trung bình vào khoảng 5.4/100,000 trẻ ở độ tuổi 0 – 14 tuổi và 0.6/100,000 đối với người trên 15 tuổi. Các quốc gia đang phát triển có tỉ lệ tử vong do Viêm Não Nhật Bản lên đến 35%. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 10,000 ca tử vong vì căn bệnh này.
Thuật ngữ y học: Viêm não Nhật Bản – tên tiếng Anh: Japanese encephalitis (JE)
Tên thường gọi: Viêm não Nhật Bản
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Đối tượng bệnh nhân: Trẻ em dưới 15 tuổi
Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
Hầu hết các nhiễm trùng viêm não Nhật Bản đều có dấu hiệu khá nhẹ (sốt và đau đầu) hoặc không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khoảng 1 trong 250 trường hợp lại bị nhiễm trùng dẫn đến bệnh lâm sàng nghiêm trọng.
Bệnh nặng được đặc trưng bởi sự tiến triển nhanh của sốt cao, đau đầu, cứng cổ, mất phương hướng, hôn mê, động kinh, tê liệt liên tục và cuối cùng là tử vong. Tỷ lệ tử vong có thể cao tới 30% trong số những người có triệu chứng bệnh. Trong số những người sống sót, 20% –30% sẽ gặp các vấn đề về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh vĩnh viễn như tê liệt, co giật tái phát hoặc mất đi khả năng nói.
Bệnh Viêm não Nhật Bản gồm 4 giai đoạn chính:
– Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần.
– Giai đoạn khởi phát: Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt và thường sốt rất cao 39-40 độ C. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Trong thời kỳ này, bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.
– Giai đoạn toàn phát: Virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Lúc này các triệu chứng không giảm mà tăng dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản, mạch thường nhanh và yếu. Giai đoạn này diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
– Giai đoạn lui bệnh: Từ tuần thứ 2, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Vào khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ bệnh nhân trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.
Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản
Chim và lợn là khởi đầu các ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi hút máu của lợn, sau đó đốt sang người sẽ truyền virus sang người. Đến nay, đây là con đường duy nhất lây nhiễm viêm não Nhật Bản. Hiện chưa ghi nhận lây truyền từ người sang người.
Dù nhiễm virus song lợn không bị bệnh mà đóng vai trò là kho chứa, duy trì virus trong thiên nhiên.
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu là 2 loài: Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. 2 loài này hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước.
Biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu, loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần.
Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn thâm thần…
Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản
Không có tác nhân chống virus nào có thể điều trị triệt để Viêm Não Nhật Bản. Phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc theo dõi áp lực màng não, bảo vệ đường thở và kiểm soát các cơn co giật. Quan trọng nhất là chủng ngừa.
Chống phù não
Truyền các dịch ưu trương để làm tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Manitol 20%, liều từ 1-2 g/kg thể trọng. Trong những trường hợp phù não nặng có co giật thì dùng Corticoid. Có thể dùng dexamethason, solumedrol.
An thần cắt cơn giật
Seduxen có thể dùng qua sonde hoặc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân co giật nhiều thì dùng Phenobarbital.
Hạ nhiệt
Cởi quần áo cho bệnh nhân, chườm đá vào bẹn, nách, cổ… quạt, xoa cồn long não. Có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, thụt giữ qua trực tràng, truyền tĩnh mạch.
Paracetamol uống hoặc TTM
Hồi sức hô hấp và tim mạch
Thở oxy, lau hút đờm rãi, sẵn sàng hô hấp viện trợ khi rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở.
Bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit và điện giải đồ. Dùng thuốc trợ tim mạch ouabain, spartein, khi cần thiết có thể dùng các thuốc vận mạch như aramin, noradrenalin, dopamin.
Ngăn ngừa bội nhiễm, dinh dưỡng, chống loét
Dùng kháng sinh phổ rộng như ampixilin hoặc Cephalosporine thế hệ 3 tuỳ theo trọng lượng cơ thể.
Thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, dùng đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ hoặc nằm đệm nước và thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân phải đảm bảo đủ đạm và các vitamin, cho ăn qua sonde 4 lần/ngày.
Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Hiện có 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản chính hiện đang được sử dụng: Vắc-xin JEVAX bất hoạt, vắc-xin RS.JEV sống giảm độc lực.
Dựa vào liều lượng và thời gian tái chủng có thể tùy thuộc vào từng quốc gia và từng loại vaccine sử dụng. Ví dụ ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản với 3 liều cơ bản:
– Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.
– Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
– Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Với người lớn: nếu đối tượng chưa từng tiêm vaccine Viêm Não Nhật Bản trong quá khứ, sẽ cần tiêm đủ 3 mũi như ở trẻ em. Trong trường hợp đã tiêm đầy đủ, đối tượng cần tái chủng thêm 1 mũi.
Bên cạnh đó cần xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh để lại biến chứng cực kì nặng nề. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
An Khang
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh Duy
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh viêm não Nhật Bản, cách phòng và điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.