Bạn đang xem bài viết Bệnh tim bẩm sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tim bẩm sinh là bệnh lý do khiếm khuyết bẩm sinh trong cấu trúc của tim ngay từ khi trẻ sinh ra. Bệnh có thể gây ra nhiều rối loạn cho sự phát triển của trẻ. Cùng tìm hiểu về bệnh tim bẩm sinh qua bài viết sau.
Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Tim bẩm sinh là các dị tật bất thường của tim và mạch máu, xuất hiện ngay khi em bé mới chào đời. Đây là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về tim mạch ở trẻ em.
Bệnh gây ra những hậu quả hết sức nặng nề như suy tim, rối loạn nhịp tim, chậm phát triển thể chất và tinh thần làm ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tim bẩm sinh là những bất thường cấu trúc tim ngay từ khi sinh ra
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh, chủ yếu đến từ những bất thường trong quá trình thai nhi hình thành trong bụng mẹ. Một số nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ làm xuất hiện bệnh tim bẩm sinh như:
Quá trình phát triển thai nhi trong 3 tháng đầu
- Mẹ có sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng trong quá trình phát triển thai nhi như isotretinoin, thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc điều trị trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý.
- Tiếp xúc trực tiếp với tia X hoặc làm việc trong môi trường có bức xạ cao.
- Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc mắc các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, phenylketo niệu,…
- Đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai nghén người mẹ bị nhiễm virus như sởi, quai bị, rubella, Herpes,….
Do di truyền
- Bất thường nhiễm sắc thể hay có sự thay đổi đột biến trong cấu trúc gen.
- Di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh có khả năng thế hệ sau cũng bị di truyền. Tỉ lệ này chiếm khoảng 3% trong số trẻ bị tim bẩm sinh.
- Phụ nữ trên 35 tuổi trở lên khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể hoặc tim bẩm sinh.
Dinh dưỡng
Trong quá trình thai kỳ, người mẹ ăn thiếu chất dinh dưỡng, thiếu một số loại vitamin cần thiết cho sự phát triển và hình thành tim của trẻ như vitamin C, vitamin D, sắt hoặc vitamin B9,…
Dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh
Trẻ sơ sinh
Nếu mắc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và cấu trúc tim bị tổn thương lớn, trẻ có thể biểu hiện các triệu chứng như:
- Tím tái ở môi, lưỡi, đầu ngón tay, ngón chân. Tình trạng xảy ra thường xuyên hoặc khi gắng sức như khóc, bú. Trẻ có thể xanh xao và hay vã mồ hôi.
- Nhịp thở của trẻ thường nhanh trên 120 nhịp/phút, rút lõm lồng ngực khi hít thở.
- Có thể thấy nhịp tim đập ngay dưới lồng ngực kèm theo nhịp đập không đều.
- Ho, khò khè kéo dài, tái đi tái lại
- Trẻ khó thở, quấy khóc khi bú, thậm chí phải ngừng bú để thở.
- Phù: ở mí mắt và mắt cá chân nhưng vùng da xung quanh không đỏ và không kèm theo đau.
- Bụng chướng to.
- Viêm phổi thường xuyên.
- Các dị tật khác kèm theo như sứt môi, hở hàm ếch, hội chứng Down, hội chứng Edwards hoặc thiếu hay thừa ngón tay.
Triệu chứng tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là rất rõ
Trẻ lớn hơn
Thường khi trẻ lớn lên, nhu cầu hoạt động của cơ thể tăng đến mức tim không đủ đáp ứng được sẽ biểu hiện các triệu chứng sau:
- Trẻ tăng cân chậm hoặc không lên cân, thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa.
- Trẻ có thể mọc răng, tập ngồi, tập bò hoặc đi lại chậm hơn bình thường.
- Hay bị mệt mỏi, hụt hơi thậm chí ngất xỉu khi chạy nhảy hoặc tham gia tập luyện thể thao cường độ cao.
- Phù nhẹ, rất khó phát hiện xung quanh mắt cá chân hai bên và phù tăng về cuối buổi chiều.
Biến chứng nguy hiểm
Suy tim sung huyết: với những dị tật tim lớn thì ngay từ sau khi ra đời, trẻ đã có nguy cơ mắc suy tim sung huyết. Triệu chứng điển hình gồm khó thở, thở hổn hển và nhịp tim đập nhanh, không đều,…
Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): phần lớn các dị tật bẩm sinh tim đều dẫn đến nhịp tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, ảnh hưởng đến chức năng tống máu của tim.
Chậm phát triển: trẻ dị tật tim bẩm sinh có sự tuần hoàn máu và trao đổi chất dinh dưỡng trong vòng tuần hoàn giảm khiến cho việc phát triển thể chất cũng như trí tuệ kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Đột quỵ: dòng máu không được lưu thông có thể tạo thành cục máu đông và làm tăng nguy cơ đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim.
Rối loạn sức khỏe tâm thần: trẻ mắc tim bẩm sinh thường gặp nhiều lo lắng và trở ngại trong giao tiếp xã hội hơn các bạn khác. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm và giúp đỡ trẻ hòa nhập hơn với mọi người.
Suy tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh
Cách chẩn đoán bệnh
Đo độ bão hòa oxy trong máu: hay được gọi là máy đo spO2, nhằm đánh giá được lượng oxy bão hòa trong máu.
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): được sử dụng để đánh giá các bất thường về nhịp tim, trục của tim hoặc cấu trúc của tim (phì đại hoặc thiểu sản).
Siêu âm tim: cho phép bác sĩ xác định chức năng của tim, sự chuyển động của dòng máu trong tim cũng như áp lực của từng buồng tim, van tim…
Chụp X-quang ngực: nhằm đánh giá tổng thể về tim và phổi, phát hiện biến chứng suy tim sung huyết hoặc phù phổi, viêm phổi,…
Thông tim: đây là một phương pháp xâm lấn do cần đưa thiết bị vào mạch máu vùng bẹn lên tim nhằm đánh giá được tốc độ dòng chảy của máu cũng như thực hiện các can thiệp điều trị tim bẩm sinh.
Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá được chính xác cấu trúc của tim và các mạch máu lớn mà không xâm lấn vào hệ mạch.
Điện tâm đồ giúp chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Tim bẩm sinh là một bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cũng như tính mạng của trẻ. Do vậy nếu phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc tim bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, việc điều trị sớm và theo dõi sát các biến chứng có thể cải thiện thể chất và nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
Nơi khám chữa bệnh tim bẩm sinh
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện chuyên khoa tim mạch, bệnh viện đa khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Tp. Hồ Chí Minh: BV Đại học Y dược TP. HCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng Thành phố…
- Hà Nội: BV Nhi Trung Ương, Khoa Tim trẻ em – BV E Trung Ương, BV Tim Hà Nội,…
Các phương pháp chữa bệnh tim bẩm sinh
Dùng thuốc
Đối với bệnh tim bẩm sinh, các thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng và hạn chế biến chứng của bệnh chứ không thể phục hồi hoàn toàn. Do vậy, bác sĩ thường phối hợp thuốc trong thời gian chờ phẫu thuật hoặc can thiệp thủ thuật như:
- Thuốc huyết áp: nhằm giảm áp lực cho tim như các nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE),…
- Thuốc lợi tiểu: giúp đào thải bớt dịch trong cơ thể ra ngoài và giảm áp lực tống máu của tim.
- Thuốc điều hòa nhịp tim: nhằm điều hòa hoạt động của tim, tránh loạn nhịp tim.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp giúp sửa chữa và phục hồi những khiếm khuyết tim bẩm sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cần đảm bảo điều kiện sức khỏe của trẻ phù hợp để thực hiện phẫu thuật. Một số kỹ thuật gồm:
- Thông tim: hay được gọi là can thiệp mạch, giúp điều trị các lỗ thủng kích thước nhỏ và vừa ở các vách tim hoặc điều trị bất thường van tim.
- Phẫu thuật tim: đây là kỹ thuật mổ hở được thực hiện nhằm sửa chữa những dị tật bẩm sinh lớn và phức tạp..
- Can thiệp tim thai: đây là một kỹ thuật mới được áp dụng để điều trị tim bẩm sinh được chẩn đoán ngay khi thai còn trong bụng mẹ. Kỹ thuật này được đánh giá đem lại hiệu quả cao và hạn chế được nhiều biến chứng cho trẻ.
Biện pháp phòng ngừa
Phòng ngừa tim bẩm sinh hiệu quả nhất là khi người mẹ chuẩn bị mang bầu hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Một số biện pháp phòng ngừa gồm:
- Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh thì nên đếm khám bác sĩ thường xuyên ngay cả trước và trong quá trình mang thai để phòng ngừa ảnh hưởng đến thai nhi.
- Tiêm phòng trước khi mang thai các loại vaccine như rubella, quai bị, sởi,…
- Trước và trong thời kỳ mang thai người mẹ không nên sử dụng chất kích thích, hút thuốc, uống rượu bia, giữ tinh thần thoải mái và tránh bị trầm cảm,…
- Khi sử dụng bất kỳ thuốc gì cũng nên có chỉ định từ bác sĩ.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, sắt và khoáng chất,… để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai tiêm đầy đủ vaccine là biện pháp phòng ngừa tim bẩm sinh
- Cơn đau thắt ngực
- Chứng mệt tim ở nữ sinh tuổi dậy thì
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
Nhà thuốc An Khang hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh. Hãy chia sẻ thông tin này đến bạn bè và người thân của bạn nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Cleveland Clinic, NHS.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh tim bẩm sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.