Bạn đang xem bài viết Bệnh thiếu máu cơ tim là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến ở người cao tuổi, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Cùng nhau tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim qua bài viết sau nhé!
Bệnh thiếu máu cơ tim là gì?
Tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vành. Nếu các động mạch này bị hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ làm giảm lưu lượng máu giàu dinh dưỡng và oxy đến nuôi cơ tim. Tình trạng này được gọi là bệnh thiếu máu cơ tim hay là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
Bệnh thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến các cơn đau thắt ngực. Tình huống xấu nhất là mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân thiếu máu cơ tim
Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh thiếu máu cơ tim có thể kể đến như:
- Nguyên nhân hàng đầu là do rối loạn mỡ máu dẫn đến xơ vữa động mạch vành.
- Nhồi máu: tình trạng này thường do tắc nghẽn bởi những tổn thương xuất hiện tại mạch vành đó.
- Mất cân bằng giữa 2 yếu tố là khả năng cung cấp oxy cho cơ tim giảm (ví dụ: giảm chức năng co bóp tim) và nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim tăng (hoạt động thể lực mạnh hay mắc một số bệnh lý như: tăng huyết áp, phì đại thất trái,…).
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm hoặc đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não.
- Mắc bệnh lý khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì,…
- Hút thuốc lá hoặc hay căng thẳng.
Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim
Một số ít bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim “thầm lặng” và không hề có bất cứ biểu hiện lâm sàng nào điển hình và rất khó để chẩn đoán. Tuy nhiên, đa số người bệnh sẽ có những đặc điểm sau:
- Đau thắt ngực: đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Cơn đau thường bắt đầu từ sau xương ức, đau như bị đè nặng, bóp nghẹt, đau lan lên cổ, vai sau đó lan xuống mặt trong cánh tay đến ngón áp út và ngón út của tay trái.
- Giảm khả năng gáng sức: triệu chứng này thường xuất hiện cùng với cơn đau thắt ngực, khó thở tăng khi làm việc gắng sức hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột.
- Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như: buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi nhiều,…
Biến chứng nguy hiểm
Nhồi máu cơ tim: xuất hiện khi lòng động mạch vành bị bít lại hoàn toàn, thiếu oxy cho vùng cơ tim tương ứng dẫn đến hoại tử cơ tim. Các triệu chứng như đau ngực, đánh trống ngực hoặc khó thở ở người bệnh sẽ rất rõ ràng, ngày càng dữ dội và có thể dẫn đến tử vong.
Loạn nhịp tim: làm cho khả năng tống máu của tim giảm kéo theo giảm lượng máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan thiết yếu như não, thận, phổi, gan,… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tim: nếu bệnh thiếu máu cơ tim diễn ra trong một thời gian dài, lặp lại nhiều lần mà không được điều trị có thể làm chức năng của tim suy yếu và dẫn đến suy tim.
Cách chẩn đoán thiếu máu cơ tim
Điện tâm đồ (ECG): đây là phương pháp giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh thiếu máu cơ tim (nhất là trường hợp nhồi máu cơ tim).
Điện tâm đồ gắng sức: được thực hiện tương tự với điện tâm đồ bình thường. Tuy nhiên, bạn sẽ được theo dõi về nhịp tim, huyết áp, nhịp thở khi đang đạp xe hoặc đi bộ trên máy dưới sự giám sát của nhân viên y tế nhằm đánh giá chức năng của tim khi hoạt động gắng sức.
Siêu âm tim: giúp bác sĩ đánh giá được chức năng hoạt động của từng vùng của tim, cấu tạo cơ và các van tim,…qua hình ảnh siêu âm.
Siêu âm tim gắng sức: giống như điện tâm đồ gắng sức, bạn sẽ được thực siêu âm khi đang chạy bộ hoặc đạp xe để phát hiện những bất thường của tim khi lao động nặng, nhu cầu oxy tăng cao.
Chụp mạch vành: phương pháp này vừa có thể chẩn đoán vừa giúp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim. Các bác sĩ sẽ đưa dụng cụ từ động mạch quay ở cánh tay vào đến hệ mạch vành và sử dụng thuốc cản quang bơm vào lòng mạch để đánh giá được vị trí hẹp, tắc của động mạch vành.
Chụp CT tim: giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương tại cơ tim như viêm hoặc hoại tử, các bất thường ở van tim cũng như các vị trí tắc hoặc hẹp của động mạch vành mà không cần can thiệp vào người bệnh.
Chụp cộng hưởng từ tim: được sử dụng phổ biến và rộng rãi khi chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Thiếu máu cơ tim dù ở bất cứ mức độ nào cũng nên được điều trị và theo dõi sát sao để tránh những biến chứng nguy hiểm cho hệ tim mạch cũng như tính mạng của người bệnh. Bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nếu có những yếu tố nguy cơ tim mạch như:
- Xuất hiện cơn đau thắt ngực dữ dội, không giảm dù đã nghỉ ngơi.
- Khó thở tăng dần.
- Tim đập không đều, đánh trống ngực hoặc nhịp tim đập trên 100 lần/phút.
Nơi khám chữa bệnh tim
Khi có các dấu hiệu trên, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời hoặc đến các chuyên khoa tim mạch của các bệnh viện uy tín để nhận được sự tư vấn và điều trị:
- Tp. Hồ Chí Minh: bệnh viện Chợ Rẫy, viện Tim TP.HCM, bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM,…
- Hà Nội: bệnh viện Tim Hà Nội, viện Tim mạch – bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Quân đội Trung Ương 108,…
Các cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim
Hiện nay, bệnh thiếu máu cơ tim vẫn chưa thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng đã có nhiều phương pháp giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh nhờ kiểm soát hiệu quả các triệu chứng và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm.
Thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim
Với mục đích giảm các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chức năng tim, tùy vào thể trạng và mức độ bệnh của bệnh nhân mà có thể sử dụng một số thuốc:
- Nhóm chẹn beta giao cảm: để giảm nhịp tim, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy cơ tim.
- Nhóm nitrat: nhằm mục đích điều trị triệu chứng, giãn mạch vành, giảm đau thắt ngực.
- Nhóm chống đau thắt ngực: như trimetazidin, nicorandil.
- Thuốc lợi tiểu: giúp hạ huyết áp và giúp giảm tình trạng phù.
Phẫu thuật và các phương pháp khác
Các phẫu thuật có thể được tiến hành trên bệnh nhân thiếu máu cơ tim bao gồm:
- Nong mạch vành (đặt stent).
- Mổ bắc cầu mạch vành.
- Và trong trường hợp cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến suy tim giai đoạn cuối, có thể bệnh nhân phải được cấy máy tái đồng bộ tim hoặc ghép tim.
Biện pháp phòng ngừa
Chế độ ăn lành mạnh: ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, giảm lượng muối ăn hàng ngày (dưới 6g muối ở người trưởng thành) cũng như cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất,…
Tập thể dục nhiều hơn: có thể tập những bài tập cardio để tăng cường sức khỏe cơ tim ở người khỏe mạnh hoặc tập chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc chơi cầu lông ở người già hoặc người có thể trạng kém hơn.
Duy trì cân nặng lý tưởng: nên cố gắng duy trì chỉ số khối của cơ thể (BMI) dưới 25kg/m2 để tránh tình trạng thừa cân béo phì gây rối loạn mỡ máu, gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường cũng như tăng gánh nặng hoạt động cho tim,…
Không hút thuốc lá và ngưng bia rượu và thức uống có cồn.
Kiểm soát huyết áp: cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ là duy trì huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg.
Kiểm soát đường huyết: nhằm hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu, hình thành mảng xơ vữa động mạch dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim.
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Suy tim
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?
- Tim bẩm sinh
Bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh thiếu máu cơ tim. Hãy bắt đầu một lối sống lành mạnh, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao ngay từ hôm nay để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, NHS.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh thiếu máu cơ tim là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.