Bạn đang xem bài viết Bệnh Takotbubo tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh Takotsubo là gì?
Rất khác các bệnh lý cơ tim thông thường, trong bệnh Takotsubo, cơ tim bị tổn thương cấp tính và có khả năng phục hồi hoàn toàn.
Khi cơ thể bị kích thích, dưới tác động của các chất hóa học hệ thần kinh tự chủ, mỏm tim trái dãn rộng, phình lên với hình ảnh đặc trưng giống chiếc bình gốm dùng để bắt bạch tuộc của người Nhật Bản, gọi là takotsubo. Tên của bệnh lý này bắt nguồn từ đây.
(A) Mỏm tim trái dãn rộng, phình lên giống chiếc bình so với (B) là bình thường
Triệu chứng của bệnh Takotsubo
Bệnh Takotsubo thường xảy ra với tần suất tăng cao rõ rệt ở giới nữ hơn giới nam, đặc biệt là giai đoạn trung niên, sau mãn kinh.
Mọi tình huống gây căng thẳng đều có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh. Căng thẳng bao gồm cả những tác động trên thể chất, như nhiễm trùng nặng, chấn thương nguy kịch, cơn suy hô hấp, phẫu thuật, và những tổn thương về mặt tâm lý.
Trong cơn cảm xúc đỉnh điểm do tức giận hoặc đau khổ, khi nghe tin dữ…, người bệnh lên cơn đau dữ dội ở vùng ngực trái. Đau ngực liên tục, đau nhói giống bóp nghẹt hay như dao đâm nát trái tim mình.
Các triệu chứng khác đi kèm là vật vã, khó thở, run tay chân, vã mồ hôi, choáng váng, ngất hay gần ngất…
Nguyên nhân của bệnh Takotsubo
Nguyên nhân của bệnh Takotsubo hiện nay vẫn chưa được sáng tỏ. Rất nhiều giả thiết đã được đưa ra nhằm giải thích cơ chế gây bệnh. Trong đó, giả thiết do tăng hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm được chấp nhận hơn cả. Khi có kích thích, các sản phẩm hóa học dẫn truyền thần kinh được gọi là catecholamine được bài tiết với nồng độ cao trong máu, gây độc tính lên tế bào cơ tim.
Hàng loạt trường hợp đã được quan sát thấy rằng những hoàn cảnh gây căng thẳng về mặt cảm xúc, quá buồn hay quá vui, và những tổn thương lớn trên cơ thể như phẫu thuật, chấn thương gây kích hoạt bài tiết catecholamine nhiều nhất.
Lý do vì sao bệnh Takotsubo hay gặp ở nữ giới trong tuổi mãn kinh vẫn chưa rõ ràng. Phải chăng phụ nữ thường nhạy cảm với stress hơn nam giới, nhất là những đối tượng có tâm lý ít ổn định, và giai đoạn mãn kinh chính là khoảng thời gian xảy ra nhiều xáo trộn nội tiết, cũng như cả phương diện xã hội.
Điều trị bệnh Takotsubo
Ban đầu, tất cả các trường hợp bệnh Takotsubo nhập viện đều được xử trí như cơn nhồi máu cơ tim, trước khi có bằng chứng ngược lại.
Bệnh nhân phải được nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và theo dõi liên tục tại khoa cấp cứu, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như loạn nhịp, vỡ tim và ngưng tim.
Các thuốc được chỉ định nhằm mục đích ngăn cản diễn tiến của khối máu đông, tái lưu thông mạch máu nuôi tim.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chụp mạch vành, một biện pháp vừa chẩn đoán và vừa điều trị. Khác với nhồi máu cơ tim, động mạch vành trong bệnh Takotsubo không bị tổn thương hay tổn thương không đáng kể. Đồng thời, chẩn đoán này sẽ được nghĩ đến nhiều hơn nếu hình ảnh buồng tim giống chiếc bình khi siêu âm hay chụp cản quang.
Khi đó, việc điều trị tương tự như suy tim. Tiên lượng khá tốt, cơ tim sẽ hồi phục lại từ từ, người bệnh sẽ thấy khỏe hơn.
Phòng ngừa bệnh Takotsubo
Mặc dù bệnh Takotsubo có tiên lượng tốt hơn hẳn so với các bệnh tổn thương tim cấp tính khác, phần lớn hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng gì, các cách dự phòng vẫn nên chú trọng.
Nên giữ đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ. Tránh buồn phiền, âu lo quá mức. Mọi thành viên trong gia đình cần thường xuyên quan tâm lẫn nhau.
Tập thể dục mỗi ngày. Tìm cho bản thân một thú tiêu khiển như đọc sách, tập yoga, nuôi thú cưng, làm vườn…
Thực hiện chế độ ăn giàu rau củ, hoa quả và có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kì. Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của tim mạch như huyết áp, đường huyết, lipid máu.
(Hình ảnh tổng hợp từ theolympian.com, en.wikipedia.org, google,…)
Bác sĩ nội trú Ngô Võ Ngọc Hương
Bệnh viện Nhân Dân 115
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh Takotbubo tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.