Bạn đang xem bài viết Bệnh nấm kẽ chân (nước ăn chân) – bệnh thường gặp mùa mưa bạn cần biết tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh nước ăn chân (hay nấm kẽ chân) thường xuất hiện trong thời tiết ẩm ướt của mùa mưa, lũ lụt. Bệnh không nghiêm trọng nhưng khó để chữa dứt điểm và nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm loét. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Bệnh nước ăn chân (nấm kẽ chân) là gì?
Bệnh nước ăn chân là bệnh nhiễm nấm ở bàn chân, thường xuất hiện giữa các ngón chân (hay còn được gọi là nấm kẽ chân), bàn chân, lòng bàn chân và gót chân. Bệnh nước ăn chân gây phát ban, ngứa, châm chích, nóng rát trên da ở một hoặc cả hai bàn chân, khiến da chân có tình trạng bong vảy, nứt nẻ, nổi mụn nước, đôi khi có mùi khó chịu.
Bình thường, một số loại nấm vô hại trên da. Nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi như môi trường có độ ẩm cao như giày, tất ẩm, hồ bơi, phòng thay đồ, sàn nhà tắm công cộng, đặc biệt trong thời tiết ẩm ướt trong mùa mưa, lũ lụt, chúng sẽ phát triển nhanh chóng và gây bệnh.
Bệnh nước ăn chân được chia thành 4 nhóm chính:
- Nhiễm trùng màng ngón chân: Phổ biến nhất. Da giữa ngón chân thứ tư và ngón chân thứ năm (ngón út) có thể thay đổi màu sắc, nứt, bong tróc.
- Nhiễm trùng kiểu moccasin: Da ở lòng bàn chân, gót chân và các cạnh của bàn chân sẽ dày lên, vỡ thành từng mảnh nhỏ, bong ra, nứt nẻ gây cảm giác đau.
- Nhiễm trùng dạng mụn nước: Các mụn nước có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên bàn chân, thường là lòng bàn chân.
- Nhiễm trùng loét: Hiếm gặp nhất. Các vết loét sẽ xuất hiện giữa các ngón chân hoặc lòng bàn chân.
Bong tróc da là biểu hiện thường gặp của bệnh nước ăn chân
Nguyên nhân gây ra bệnh nước ăn chân
Nhiều loại nấm có thể gây bệnh nước ăn chân, trong đó có 3 loại phổ biến nhất: Trichophyton, Dermatophytes, Epidermophyton. Bình thường khi da khô và sạch, những loại nấm này tồn tại vô hại trên da người. Tuy nhiên, trong điều kiện ẩm ướt và ấm nóng, chúng nhân lên nhanh chóng và gây bệnh.
Bệnh có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp:
- Tiếp xúc trực tiếp có thể xảy ra khi một người không bị nhiễm bệnh chạm vào vùng bị nhiễm bệnh của người bị nước ăn chân.
- Tiếp xúc gián tiếp, vi nấm có thể lây nhiễm sang người qua các bề mặt, quần áo, tất, giày, ga trải giường và khăn tắm bị nhiễm nấm hoặc các vùng nước trũng như đồng ruộng, vũng nước đọng.
Ấm ướt là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh
Đối tượng nào dễ bị nước ăn chân
Tình trạng nấm kẽ chân thường xảy ở các đối tượng sau:
- Người thường xuyên tiếp xúc với nước như nông dân làm ruộng, công nhân vệ sinh cống rãnh.
- Những người thường xuyên đi giày, ủng như vận động viên, công nhân.
- Người có cơ địa chảy nhiều mồ hôi chân.
- Mang giày chật, bít mũi, chất liệu không thoáng mát.
- Đi chân trần ở những khu vực công cộng như phòng thay đồ, phòng xông hơi, bể bơi, nhà tắm công cộng.
- Sử dụng chung đồ cá nhân như khăn tắm, vớ, giày dép với người bị nhiễm nấm kẽ chân.
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị nước ăn chân cao hơn.
Nông dân dễ mắc bệnh nấm kẽ chân do tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước bẩn
Dấu hiệu của bệnh nước ăn chân
Khi bị nước ăn chân, người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng sau:
- Có cảm giác ngứa, nóng rát, châm chích giữa các ngón và lòng bàn chân.
- Xuất hiện mảng trắng, bong vảy hoặc nứt da giữa các ngón chân.
- Các vết nứt da xuất hiện gây đau đớn.
- Nổi các mụn nước.
- Da bị viêm có thể có màu đỏ, tía hoặc xám.
Bong vảy, tróc da và xuất hiện các mảng trắng là biểu hiện thường gặp ở bệnh nấm kẽ chân
Biến chứng của bệnh nước ăn chân
Mặc dù bệnh nước ăn chân thường nhẹ và ít khi xảy ra các biến chứng, nhưng nếu không điều trị đúng cách, kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như:
- Nấm móng: Bệnh nấm kẽ chân không được điều trị có thể lây lan sang móng chân gây nên bệnh nấm móng khiến móng trở nên dày, mờ đục, trắng và dễ gãy gây cảm giác đau, khó mang giày hay đi bộ.
- Nhiễm khuẩn thứ cấp: Là tình trạng nấm kẽ chân phát triển nghiêm trọng hơn, bàn chân lúc này có thể bị đau, nóng và sưng.
- Dị ứng: Một số người bị dị ứng với loại nấm gây bệnh nấm kẽ chân, dẫn đến biểu hiện phồng rộp ở bàn tay hoặc bàn chân.
- Nhiễm trùng bạch huyết: Tình trạng nhiễm nấm nếu không điều trị đúng cách sẽ gây nhiễm trùng sang hệ bạch huyết có thể gây viêm hạch bạch huyết.
- Viêm mô tế bào: Tình trạng viêm nhiễm không còn nằm ở bề mặt mà đi sâu vào trong da khiến các mô mềm bị ảnh hưởng. Viêm mô tế bào không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương.
Bệnh nấm kẽ chân nếu không được điều trị có thể lan sang móng chân gây bệnh nấm móng.
Chẩn đoán bệnh nước ăn chân
Bệnh nước ăn chân có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, để loại trừ các tình trạng khác như viêm da, bệnh vẩy nến hoặc nhiễm trùng da cấp độ nhẹ bác sĩ có thể thực hiện các chẩn đoán phân biệt:
- Soi trong kali hydroxit (KOH): Dùng cạnh phẳng của lưỡi dao để cạo lấy mẫu từ da của người bệnh, thêm dung dịch chứa KOH vào mẫu để phá hủy tế bào của người, giữ lại các tế bào nấm và mang mẫu đi soi dưới kính hiển vi.
- Nuôi cấy mẫu: Dùng tăm bông để lấy mẫu từ khu vực bị tổn thương mang đi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xác định loại nấm gây bệnh.
Bác sĩ có thể tiến hành thêm các chẩn đoán phân biệt để loại trừ các tình trạng viêm da khác.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bệnh nấm kẽ chân có thể tự điều trị tại nhà, nhưng cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị nếu có những dấu hiệu sau đây:
- Các triệu chứng không cải thiện sau khi đã tự điều trị.
- Triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn (da đỏ, tím, xám hoặc trắng, kích ứng và sưng tấy).
- Lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.
- Chảy máu quanh móng.
- Đi lại khó khăn.
- Bệnh nhân đái tháo đường.
Đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện
Nơi khám chữa bệnh da liễu uy tín
Khi mắc các bệnh về da liễu, bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến các bệnh viện, phòng khám uy tín để được thăm khám và điều trị.
Tp. Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh
- Khoa da liễu – Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
- Khoa da liễu – Bệnh viện Nhân dân 115
- Khoa da liễu – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Hà Nội:
- Bệnh viện Da liễu Trung Ương
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội
- Khoa da liễu – Bệnh viện Bạch Mai
- Khoa da liễu – Bệnh viện Đại học y Hà Nội
Điều trị bệnh nước ăn chân
Dùng thuốc kháng nấm
Đây là lựa chọn đầu tiên được dùng điều trị nấm kẽ chân. Một số thuốc kháng nấm bôi tại chỗ thường dùng như: clotrimazole, econazole, ketoconazole, miconazole.
Một số lưu ý khi bôi thuốc kháng nấm:
- Không cần ngâm chân trước khi bôi thuốc.
- Tham khảo ý kiến nhân viên y tế về liều lượng, cách dùng.
- Bôi một lượng thuốc vừa đủ, dàn mỏng trên bề mặt da nhiễm nấm.
- Không được lạm dụng thuốc, nếu bôi quá nhiều có thể gây cảm giác nóng, rát và gây thương tổn.
Bôi thuốc kháng nấm tại chỗ là một cách hiệu quả trị nấm kẽ chân.
Nếu dùng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ mà triệu chứng không giảm và có xu hướng tiến triển thì cần đi khám bác sĩ để được kê thuốc đường uống. Một số thuốc có thể được kê gồm: griseofulvin, fluconazole, itraconazole, ketoconazole.
Các thuốc kháng nấm thường chuyển hóa qua gan, thải trừ qua thận, mật. Do đó, cần thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, người suy gan, suy thận. Ngoài ra còn cần thận trọng với người đang phải dùng thuốc kháng acid trong điều trị bệnh dạ dày. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không nên dùng thuốc kháng nấm đường uống.
Các tác dụng phụ có thể gặp gồm: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng sậm… Khi gặp các tình trạng này phải ngừng thuốc và báo cho bác sĩ ngay.
Dùng thuốc giảm ngứa
Nấm kẽ chân sẽ gây tình trạng ngứa ngáy rất khó chịu, nên các thuốc kháng histamin (cả dạng bôi hoặc uống) có thể được chỉ định để giúp bệnh nhân giảm ngứa.
Thuốc kháng histamin dạng kem bôi có thể giúp bệnh nhân giảm ngứa nhanh chóng như diphenhydramine hay promethazin. Trước khi bôi thuốc cần làm sạch vùng da tổn thương. Sau khi bôi thuốc, cần để thuốc khô trên da rồi mới bôi thuốc khác hoặc đi làm việc khác để thuốc không bị trôi và thấm sâu vào vùng da tổn thương.
Thuốc kháng histamin dạng uống có thể gây buồn ngủ, khô miệng. Do đó để tránh tác dụng phụ này, có thể sử dụng nhóm kháng histamin thế hệ 2 như Loratadin, Fexofenadin, Cetirizin.
Các nhóm thuốc Histamin thường được dùng để giảm triệu chứng ngứa, châm chích
Dùng thuốc kháng khuẩn chống bội nhiễm
Nếu có tình trạng nhiễm khuẩn người bệnh cần sát khuẩn bằng thuốc tím hoặc nước muối sau đó bôi thuốc sát khuẩn. Nếu tình trạng không giảm và tiến triển nặng hơn, cần đi khám để bác sĩ kê đơn các nhóm kháng sinh dạng bôi tránh nhiễm trùng da.
Các loại thuốc này cần được sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý, giai đoạn cũng như mức độ tổn thương, do đó bệnh nhân không nên tự ý mua kháng sinh về bôi khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được điều trị bằng kháng sinh nếu bị bội nhiễm
Cách chăm sóc vùng da bị bệnh
Cách đơn giản nhất để trị nấm kẽ chân tại nhà là chăm sóc kỹ vùng da bị bệnh.
- Nên rửa chân thường xuyên bằng xà phòng và nước, ngâm chân với nước muối hoặc nước giấm pha loãng trong 15 phút. Đảm bảo chân khô hoàn toàn sau khi rửa, đặc biệt là giữa các ngón chân.
- Giữ bàn chân luôn khô ráo, thay khăn tắm, giày và vớ thường xuyên.
- Chọn loại giày nhẹ thông thoáng, tránh dùng giày bằng vật liệu tổng hợp, như nhựa vinyl hoặc cao su.
Với các trường hợp có vết loét, không nên vệ sinh chân kỹ bằng cách ngâm rửa với nước muối hoặc nước oxy già vì có thể khiến vết loét tổn thương sâu hơn, chảy nhiều nước hơn. Chỉ cần vệ sinh sạch bằng nước ấm, dùng khăn mềm thấm nhẹ cho khô.
Sau đó bôi thuốc một lượng vừa đủ, mỏng và đều trên bề mặt tổn thương, không bôi lan rộng ra ngoài, cũng không nên bôi quá nhiều có thể gây kích ứng, nóng rát gây khó chịu hơn.
Phải luôn giữ chân sạch sẽ, khô ráo
Cách phương pháp dân gian điều trị nước ăn chân
Có nhiều phương pháp dân gian dùng những cây thuốc để trị nước ăn chân cho kết quả tốt như:
- Rau răm giã nát, đắp, xát vào kẽ chân.
- Ké đầu ngựa sắc nước đặc bôi vào kẽ chân.
- Rễ cây táo rừng sắc nước đặc bôi vào kẽ chân.
- Búp ổi giã với một nhúm muối, xát vào kẽ chân.
- Lá lốt đun nóng xông chân, ngâm, rửa chân.
- Lá trầu không vò nát xát vào các kẽ ngón chân, hoặc lấy lá trầu không đun sôi với nửa lít nước để nguội, cho một cục phèn chua bằng đầu ngón tay cái đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét, ngứa có thể kết hợp bôi thêm các loại thuốc mỡ sát khuẩn.
- Lá kim ngân sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân.
- Rau sam tươi lấy phần cây trên mặt đất, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm. Chỗ loét khô se lại và hết ngứa.
- Dùng một trong các loại sau hòa vào nước để ngâm chân: giấm, rượu, muối, gừng, phèn chua.
Một số dược liệu được dùng như bài thuốc dân gian giúp chữa nấm kẽ chân hiệu quả
Phòng tránh bị nước ăn chân
Dưới đây là một số biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa bị nước ăn chân cũng như hạn chế lây lan cho người khác:
- Vệ sinh đôi chân thường xuyên, mỗi ngày.
- Luôn giữ cho đôi bàn chân được sạch sẽ và khô ráo giữa các ngón chân.
- Chọn loại tất có chất liệu thấm hút tốt.
- Nên thay tất ít nhất 1 lần mỗi ngày và có thể thay nhiều lần hơn nếu chân ra nhiều mồ hôi.
- Không nên mang giày liên tục cả ngày hoặc nhiều ngày liên tiếp.
- Có thể thay thế giày bít mũi bằng giày xăng đan giúp chân thoáng khí.
- Không nên đi giày, dép quá chật.
- Không dùng giày, dép, khăn tắm chung với người khác để tránh lây bệnh.
- Mang dép hoặc giày không thấm nước ở những nơi công cộng như hồ bơi, nhà tắm công cộng, phòng thay đồ.
Mang tất có chất liệu thấm hút tốt, thay tất ít nhất mỗi ngày một lần
- Cách chăm sóc móng chân tránh hư tổn
- Các bệnh thường gặp vào mùa mưa và cách phòng tránh
- Dính mưa ‘ướt như chuột lột’ về nhà nhớ làm ngay những điều sau khỏi bị cảm lạnh
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh nước ăn nhân cũng như cách điều trị, phòng ngừa bệnh nước ăn chân trong mùa mưa lũ. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy chia sẻ cho gia đình và bạn bè cùng tham khảo nhé!
Nguồn tham khảo: Cleveland clinic, CDC, Medical news today, NHS, NIH
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh nấm kẽ chân (nước ăn chân) – bệnh thường gặp mùa mưa bạn cần biết tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.