Ngày 12/4, ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đăk Lăk, cho biết bệnh nhi chưa được xét nghiệm để kiểm tra virus dại, song các triệu chứng bệnh rất giống với người bị bệnh dại, gồm sốt cao, nôn ói, sợ nước, sợ gió kèm xuất tiết nhiều đờm dãi.
Theo người nhà, khoảng cuối tháng 1, em bị chó cắn vào tay, không tiêm phòng dại. Ngày 9/4 em khởi phát bệnh, vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, người nhà xin đưa về và tử vong cùng ngày.
Bệnh dại lây truyền qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại. Bệnh có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người quên mất từng bị chó cắn.
Để phòng ngừa, chó mèo nuôi phải được tiêm vaccine dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông; khi ra đường phải đeo rọ mõm.
Khi bị động vật cắn hoặc cào, cần tiêm phòng dại kịp thời, không dùng thuốc nam tự chữa tại nhà.
Thúy Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/be-gai-phat-benh-dai-sau-hai-thang-bi-cho-can-4592422.html