Đường ray phát hiện tàu bằng dòng điện và phát tín hiệu dừng cho tàu khác để tránh va chạm. Nhưng khi từ trường Trái Đất bị rối loạn, đường ray có thể gửi sai tín hiệu dừng hoặc chạy, ảnh hưởng tới vận hành, có khả năng gây nguy hiểm cho người và hàng hóa trên tàu.
Nhà nghiên cứu C. J. Patterson ở khoa Vật lý của Đại học Lancaster và cộng sự phát triển một mô hình nhằm kiểm tra bão địa từ cần mạnh tới đâu để tác động tới đường ray và mức độ ảnh hưởng thường xuyên. Mô hình mô phỏng quá trình bão vũ trụ gây nhiễu tín hiệu điện, dựa trên hai đường ray thực tế ở Anh với hướng chạy và địa lý khác nhau. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Space Weather, Phys.org hôm 31/3 đưa tin.
Các chuyên gia nhận thấy dọc theo cả hai đường ray mô hình, một cơn bão vũ trụ đủ mạnh để ảnh hưởng tới tín hiệu đường ray xảy ra 30 năm một lần. Cơn bão mạnh hơn xảy ra 100 năm/lần có thể gây nhiễu gần như tất cả tín hiệu dọc hai đường ray. Phát hiện có thể giúp những nhà khoa học và nhà vận hành đánh giá nguy cơ tàu hỏa gặp phải trước rối loạn do bão địa từ gây ra.
Hồi tháng 7/1982, tín hiệu tàu hỏa ở Thụy Điển bị lỗi và chuyển thành màu đỏ. Thủ phạm được cho là một cơn bão vũ trụ ở cách 150 triệu km. Những vụ nổ trên Mặt Trời có thể làm gián đoạn từ trường Trái Đất. Chúng bắn lượng lớn vật chất từ hóa về phía Trái Đất. Bão vũ trụ hay bão địa từ xảy ra khi luồng vật liệu này làm xáo trộn từ trường của hành tinh, tạo ra dòng điện trên bề mặt Trái Đất, phá hủy đường dây điện, đường ống, đường ray và nhiều cơ sở vật chất khác.
An Khang (Theo Phys.org)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/bao-vu-tru-co-the-lam-nhieu-tin-hieu-tau-hoa-4588792.html