Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ về hiện tượng Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế thuộc bài viết số 5 lớp 9 đề 3. Với dàn ý chi tiết, cùng 5 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, tích lũy vốn từ để biết cách làm bài viết số 5 lớp 9 đạt kết quả cao.
Đề bài:“Việt Nam tuy điều kiện kinh tế hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế về toán, lí, ngoại ngữ,… Năm 2004, sinh viên Việt Nam lại đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á tại Hàn Quốc. Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về hiện tượng đó”
Dàn ý bài viết số 5 lớp 9 đề 3
1. MỞ BÀI:
Đất nước ta là một đất nước có nền kinh tế chưa phát triển, điều kiện kinh tế còn hạn chế nhưng đã có rất nhiều huy chương về toán, vật lí trên đấu trường quốc tế hay năm 2004 sinh viên Việt Nam đã đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á.
2. THÂN BÀI:
Nguyên nhân Việt Nam chưa phát triển kinh tế: do phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề và nền nông nghiệp là chính dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Nhưng chúng ta đã đoạt được rất nhiều huy chương và vô địch cuộc thi Robocon châu Á.
Đó là do thế hệ Việt Nam tài giỏi, thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi và năng động sáng tạo. Vì thế đã mang đến niềm tự hào cho dân tộc khi được sánh ngang cùng các nước bạn.
Đất nước ta hôm nay cũng đang trên đường phát triển và hội nhập đời sống của người dân ổn định học sinh được đầu tư vào việc học nhiều hơn.
3. KẾT BÀI:
Học tập để có thể mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – Mẫu 1
Thanh thiếu niên ngày nay là thế hệ tương lai là thành phần chính quyết định lên một đất nước phát triển như thế nào. Hiểu được điều đó, Việt Nam chúng ta luôn luôn chú trọng vào văn hóa, giáo dục, học tập. Mặc dù điều kiện kinh tế hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế về toán, lí, ngoại ngữ,… Năm 2004, sinh viên Việt Nam lại đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu á tại Hàn Quốc. Đó là điều đáng tự hào của mỗi chúng ta
Trải qua hàng nghìn năm phong kiến và hàng trăm năm bắc thuộc ,điều kiện kinh tế của Việt Nam hạn chế , cơ sở vật chất chưa phát triển vậy mà đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế. Ngay từ những kì thi đầu tiên trên trường quốc tế, Việt Nam đã khẳng định mình là một đất nước hiếu học qua thành quả đạt được trong kì thi: tham dự thi toán quốc tế năm 1974 ,Việt Nam đã đoạt liền 4 huy chương vàng, hay lần thi Olympic Toán quốc tế tại Anh , Lê Bá Khánh Trình với số điểm tuyệt đối 40/40 đã được nữ hoàng Anh trao giải đặc biệt. Ngay cả trong lĩnh vực mới mẻ là chế tạo Robocon, năm 2004 Việt Nam vinh dự chiến thắng cả những đất nước vốn có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản , Hàn Quốc ,Trung Quốc để mang về chiếc cúp vàng cho quê hương Việt Nam. Qua đó ta thấy được tinh thần hiếu học của cả một dân tộc đó chính là niềm tự hào của đất nước sự khẳng định cho sức mạnh của trí tuệ Việt Nam.
Thật vậy, Việt Nam là một đất nước có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Lịch sử lâu đời đã chứng minh điều đó. Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, những người đứng đầu một nước đã nhận ra tầm quan trọng của nền giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển thịnh vượng, suy tồn của cả một đất nước. Trường học được mở rộng rãi, các cuộc thi tìm kiếm những người tài cống hiến cho tổ quốc ra đời. Đặc biệt là dưới triều đại nhà Lê, thi cử được chú trọng nên mở rất nhiều khoa thi, có tới 1780 tiến sĩ, và 27 trạng nguyên. Tiếp đến những tháng ngày đất nước chìm trong bóng tối, bóng tối của sự đói nghèo, của sự áp bức đô hộ của thế lực bên ngoài, thế nhưng con người Việt Nam không ngừng phấn đấu cố gắng hết mình học tập và rèn luyện. Những năm đói nghèo nhất của lịch sử, Bác Hồ đã kêu gọi, cùng toàn dân chống giặc dốt giặc đói. Bác hiểu được rằng cái chữ, cái học quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của người dân. Đất nước nghèo nàn,lạc hậu nên nếu các bạn nước khác cố gắng một thì học sinh-sinh viên Việt Nam phải cố gấp hai ba lần để bù đắp những thiếu hụt ,thiệt thòi về điều kiện học tập. Dường như chính sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước đã hun đúc ý chí tìm tòi, sáng tạo của học sinh Việt Nam. Hiếu học giúp đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực tài năng sáng tạo. Hiếu học, học tập những tri thi của nhân loại áp dụng vào thực tiễn phát triển đất nước toàn diện, sánh vai cường quốc năm châu, tự hào bạn bè quốc tế.
Trong cuộc sống chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những câu chuyện về lòng hiếu học. Nếu nhắc đến tâm gương xa xưa, chúng ta không thể không nhắc đến Nguyễn Hiền- cậu học trò nhỏ hiếu học trở thành trạng nguyên khi mới 13 tuổi, hay như Cao Bá Quát, Lương Thế Vinh. Hay như ngày nay chúng ta có thể biết đến rất nhiều như cậu bé thần đồng Nguyễn Ngọc Nam mới 13 tuổi, thành tích của Nhật Nam đạt được vượt xa khả năng của người lớn. Em là tác giả, dịch giả trẻ tuổi nhất Việt Nam với nhiều tác phẩm như: Tớ đã học tiếng Anh như thế nào, Tôi tư duy, tôi thành đạt, Những con chữ biết hát. Cậu bé này còn đạt 8.0 IELTS và TOEFL IBT 107/120 điểm.
Trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh Wordstorm, Nhật Nam đã “hạ gục” bốn sinh viên và giành giải nhất.
Bên cạnh những con người hiếu học, cố gắng hết mình đạt được thành công để góp một phần sức lực của mình đối với đất nước, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều những con người lười nhác, chểnh mảng học hành, học như chơi, không nghiêm túc tập trung, dẫn đến kết quả kém, học chống đối, học cho có. Những con người đó cần nhìn lại chính mình, nhìn nhận lại bản thân, và ý nghĩa cuộc sống của mình để có thể hoàn thiện bản thân, cố gắng hết sức mình vì bản thân, gia đình, xã hội
Lòng yêu nước,nỗi khát khao quê hương xứ sở đẹp giàu, là sức mạnh to lớn giúp học sinh -sinh viên Việt Nam đạt tới những chân trời khoa học. Những tấm huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế mà chúng ta có được không chỉ bởi sự nỗ lực của cá nhân mà còn nhờ sự quan tâm chăm sóc của gia đình , của thầy cô và nhất là sự chăm lo của Đảng ,nhà nước đối với tài năng trẻ . Bởi lẽ tự ngàn xưa, người Việt Nam ta đã quan niệm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia ”. Chính vì thế chúng ta cần nỗ lực cố gắng hết mình, ra sức rèn luyện, học tập thật tốt để không phụ sự kì vọng của mọi người, công ơn dạy dỗ thầy cô và hơn hết là chính bản thân mình để bản thân mình có thể cống hiến phần nào vào công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Sự thành công của học sinh -sinh viên Việt Nam đã đem đến cho người Việt Nam và bản thân em lòng tin và niềm tự hào sâu sắc về trí tuệ Việt Nam ,thôi thúc trong em khát vọng được chinh phục những chân trời tri thức. bản thân mình, từ đó góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – Mẫu 2
Trên bản đồ thế giới Việt Nam chỉ có một vị trí rất khiêm tốn, nhưng trong các kỳ thi quốc tế, Việt Nam được biết đến như là quê hương của những người con ưu tú, biết vượt qua khó khăn để làm nên những điều kỳ diệu.
Trải qua hàng nghìn năm phong kiến và hàng trăm năm bắc thuộc, điều kiện kinh tế của Việt Nam hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển vậy mà đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế. Không mấy ai không nhớ lần đầu tiên tham dự thi toán quốc tế năm 1974, Việt Nam đã đoạt liền 4 huy chương vàng. Lần thi Olympic Toán quốc tế tại Anh, Lê Bá Khánh Trình với số điểm tuyệt đối 40/40 đã được nữ hoàng Anh trao giải đặc biệt. Ngay cả trong lĩnh vực mới mẻ là chế tạo Rôbôcon, những chú rôbôt của nhóm FXR-sinh viên Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc vượt trên cả những đất nước tên tuổi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để mang về chiếc cúp vàng cho quê hương Việt Nam…
Những thành tích ấy không chỉ làm rạng danh đất Việt mà còn là sự khẳng định cho sức mạnh của trí tuệ Việt Nam. Tại sao một đất nước nhỏ bé nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam lại có thể sản sinh ra những con người ưu tú đến thế? Câu hỏi ấy không chỉ người Việt Nam mới biết rõ câu trả lời. Suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử, lòng ham hiểu biết, ý chí học tập, tìm tòi, chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức luôn được nung nấu trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Tự thuở xưa, bằng ánh sáng của những con đom đóm, Mạc Đĩnh Chi đã miệt mài học tập để trở thành lưỡng quốc trạng nguyên, Nguyễn Hiền nhờ tự học mà đoạt giải khôi nguyên khi mới 12 tuổi, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh và biết bao người nữa đã làm nên truyền thống hiếu học của nước nhà… Họ đã trở thành tấm gương, thành nội lực tinh thần để học sinh – sinh viên Việt Nam cố gắng hết mình, cần cù say mê học tập.
Đất nước nghèo nàn, lạc hậu nên nếu các bạn nước khác cố gắng một thì học sinh – sinh viên Việt Nam phải cố gấp hai ba lần để bù đắp những thiếu hụt, thiệt thòi vể điều kiện học tập. Dường như chính sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước đã hun đúc ý chí tìm tòi, sáng tạo của học sinh Việt Nam. Lòng yêu nước, nỗi khát khao quê hương xứ sở đẹp giàu, là sức mạnh to lớn giúp học sinh – sinh viên Việt Nam đạt tới những chân trời khoa học.
Những tấm huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế mà chúng ta có được không chỉ bởi sự nỗ lực của cá nhân mà còn nhờ sự quan tâm chăm sóc của gia đình, của thầy cô và nhất là sự chăm lo của Đảng, nhà nước đối với tài năng trẻ. Bởi lẽ tự ngàn xưa, người Việt Nam ta đã quan niệm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Sự thành công của học sinh – sinh viên Việt Nam đã đem đến cho người Việt Nam và bản thân em lòng tin và niềm tự hào sâu sắc về trí tuệ Việt Nam, thôi thúc trong em khát vọng được chinh phục những chân trời tri thức.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – Mẫu 3
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy, ngày nay đất nước Việt Nam tuy điều kiện kinh tế hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, nhưng đã có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng tại các cuộc thi quốc tế. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho lòng say mê, cần cù học tập, năng động, sáng tạo và ý chí vượt lên hoàn cảnh để bước đến thành công.
Nhắc đến thành tích của đội tuyển Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Toán Quốc tế, nhiều người hẳn vẫn chưa quên hình ảnh cậu học sinh Việt Nam nhỏ nhắn, người đã vinh dự được đích thân tổng thống nước Cộng hòa Ru-ma-ni trao huy chương vàng Toán quốc tế lần thứ 40 tổ chức tại Bu-ca-rét năm 1999. Đó là Lê Thái Hoàng, học sinh lớp 12A khối phổ thông chuyên Toán trường Đại học sư phạm Hà Nội. Tại cuộc thi này, Hoàng đã cùng đội tuyển Việt Nam vươn lên đứng hàng thứ hai trên thế giới. Nếu như Lê Thái Hoàng nổi tiếng với tấm huy chương vàng bộ môn Toán, thì Nguyễn Bích Hoàng Anh, sinh viên năm I ngành Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên, đã xuất sắc đem về cho đất nước tấm huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế tại Ba Lan. Và gần đây nhất là sinh viên Đại học Bách Khoa Việt Nam đoạt giải vô địch cuộc thi Robocon châu Á tại Hàn Quốc 2004. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số những gương mặt học sinh, sinh viên Việt Nam tiêu biểu. Chúng ta được biết đến họ qua các phương tiện truyền thông và đều thật sự rất thán phục họ.
Thế nhưng tại sao họ có thể đạt được những kỳ tích vẻ vang như thế? Đó trước hết là nhờ lòng hăng say, miệt mài học tập. Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài là 1% cảm hứng cộng với 99% khổ luyện”. Nếu như bạn không cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi tri thức và đem áp dụng những kiến thức mới đó vào cuộc sống thì liệu bạn có thể nhớ nổi hàng ngàn, hàng vạn kiến thức đã được học hay không? Khi bạn gặp một vấn đề khó thì chớ nên đầu hàng, mà hãy tiếp tục nỗ lực trau dồi, học hỏi để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Luôn có một tinh thần học tập cao thì bạn sẽ thành công. Đó chính là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thiên tài. Ngoài ra, còn một phẩm chất quan trọng nữa cần phải có để học tốt là năng động, sáng tạo.
Khi ta giải quyết được một vấn đề, hầu hết chúng ta đều rất vui mừng. Ít ai còn nghĩ đến việc tìm ra một con đường ngắn hơn, thuận tiện hơn để đạt được mục tiêu đặt ra. Tìm ra những cách giải quyết mới vừa giúp chúng ta trau dồi và bổ sung vốn kiến thức sẵn có của mình, vừa giúp chúng ta có được những kinh nghiệm quý báu để giải quyết những khó khăn khác. Chính óc sáng tạo đã giúp con người Việt Nam tạo nên được những kỳ tích. Trong số những gương mặt tiêu biểu của sinh viên, học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong học tập, có không ít những người hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hoặc bị khuyết tật. Nhưng họ đã xuất sắc vượt qua trở ngại to lớn đó để đem vinh quang về cho đất nước.
Một tấm gương tiêu biểu là bạn Lê Vũ Hoàng. Tuy sống trong một ngôi nhà lá dột nát, sáng cắt rau cho lợn ăn, chiều đánh bắt cá tràu, vừa chăm bà chăm em, vừa chăm mẹ nằm viện,… nhưng Hoàng vẫn đạt được giải Nhất trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Ý chí và nghị lực kiên cường đã giúp những con người ấy vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân. Hơn nữa, sinh viên Việt Nam khi tiếp xúc với các cuộc thi quốc tế thật sự gặp nhiều bất lợi vì họ không có đủ điều kiện để học tập, thực hành nhiều như sinh viên nước ngoài, càng không được nhận một nền giáo dục dân chủ, hiện đại, nhưng họ đã vượt qua hạn chế ấy. Vậy mới biết, bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, không đầu hàng số phận cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành tích cao. Nếu chỉ biết khoang tay đầu hàng trước những khó khăn thì đến bao giờ bản thân mới có thể tiến bộ.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay, khi thế giới vẫn không ngừng thay đổi dù chỉ trong một giây, thì những gương mặt sinh viên, học sinh ưu tú, những tấm huy chương, thành tích cao thật sự là những phương tiện quý giá để đất nước Việt Nam từ một quốc gia lạc hậu vươn lên sánh ngang tầm với thế giới. Để thực hiện điều đó, trước hết, học sinh, sinh viên Việt Nam cần rèn luyện những phẩm chất đã nêu ở trên để vượt qua những giới hạn về vật chất, khắc phục những điểm yếu của bản thân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh hơn.
Tóm lại, học sinh chúng ta cần học tập những tấm gương học sinh, sinh viên Việt Nam tiêu biểu để đạt được thành tích cao, học tập về những phẩm chất như kiên trì, say mê học tập, năng động, sáng tạo, nghị lực vượt lên khó khăn của họ nhằm đạt được thành tích cao trong học tập, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như lời Bác dạy.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – Mẫu 4
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tinh thần hiếu học. Chính vì thế mà trong các cuộc thi trên đấu trường quốc tế dành cho học sinh, sinh viên thì thế hệ trẻ của đất nước đã không làm cho chúng ta thất vọng bởi những gì họ đã làm và những thành tích ấy thật đáng tự hào, đáng được ngợi ca. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này.
Đất nước Việt Nam chúng ta tuy điều kiện kinh tế còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển. Nguyên nhân đó là do chúng ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh thiệt hại về người và tài sản. Nó còn do nước ta là một nước phát triển ngành nông nghiệp là chính với cây lúa nước, sức lực bỏ ra thì nhiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp, giá trị sản phẩm rẻ. Bởi do thiên tai, bão lũ, hạn hán mà làm cho đời sống của người dân cũng khó khăn làm cho kinh tế đất nước khó phát triển.
Thế nhưng trong các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh phổ thông trung học hằng năm thì học sinh Việt Nam đoạt rất nhiều huy chương vàng trong các bộ môn Toán, Vật lí. Tiêu biểu là bạn Đinh Thị Hương Thảo học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đã xuất sắc giành được huy chương Vàng Vật Lí trên thế giới. Đó là một niềm vinh dự khi lá cờ Việt Nam được bay cao trên đấu trường quốc tế. Và điều đó cũng khẳng định tuy chúng ta không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng với tài năng, ý chí và lòng quyết tâm thi không có gì khó cả. Hay cuộc thi Robocon châu Á dành cho sinh viên từ năm 2004 chúng ta đã có những đội thi Robocon đại diện cho sinh viên các trường trong cả nước để thi đấu với các nước bạn và chúng ta đã giành giải vô địch.
Các thành tích nổi bật đó phải công nhận rằng học sinh, sinh viên Việt Nam rất tài giỏi, thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi và rất năng động sáng tạo.
Chính nhờ những điều đó mà họ đã đoạt được những thành tích cao với tấm huy chương vàng, chương bạc và cả chức vô địch. Có thể nói rằng những thành tích đó mà học sinh, sinh viên Việt Nam đoạt được trong cuộc thi trên trường quốc tế là một niềm tự hào không những cho bản thân mà cho cả đất nước khi ta tưởng tượng lá cờ Việt Nam tung bay ngang hàng với các nước bạn. Họ là những tấm gương sáng để học sinh, sinh viên cả nước noi theo và để phát huy truyền thống vẻ vang ấy. Mặc dù Việt Nam là một đất nước nhỏ bé, điều kiện cơ sở vật chất chưa phát triển thế nhưng thế hệ trẻ tham gia cuộc thi quốc tế đó là một điều chứng minh chúng ta không thua kém với bạn bè năm châu mà cũng có thể sánh ngang được.
Làm được điều đó chứng tỏ thế hệ học sinh, sinh viên đã thực hiện đúng lời Bác dạy đưa non sông Việt Nam ta sánh cùng bạn bè trên thế giới.
Đất nước ta ngày nay đang trên con đường phát triển và hội nhập đang tiếp cận nền công nghệ tiên tiến trên thế giới, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện đó là điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ phát triển tài năng của mình tham gia các cuộc thi về văn hóa, khoa học và cả trong thể thao.
Có thể nói rằng thế hệ trẻ Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tích trong các cuộc thi quốc tế. Chúng ta thật đáng tự hào và khâm phục, phải lấy họ làm tấm gương để học tập và noi theo. Em xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể giống như các anh chị mang niềm tự hào về cho quê hương mình.
Bài viết số 5 lớp 9 đề 3 – Mẫu 5
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn có nhiều truyền thống tốt đẹp được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Mặc dù điều kiện kinh tế còn hạn chế nhưng điều đó không hề cản trở chúng ta vươn lên và đoạt nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi tầm thế giới.
Đạt được nhiều thành tựu to lớn như ngày hôm nay một phần là do truyền thống hiếu học đã có từ lâu đời của nhân dân ta. Khi xưa, các trạng nguyên nổi tiếng cũng đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Nguyễn Hiền phải đi chăn trâu từ nhỏ, lén đứng ngoài cửa lớp nghe thầy giảng bài, phải viết trên lá chuối khô và bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn. Trong dân gian cũng lưu truyền câu chuyện về ông trạng nồi vì miệt mài đèn sách mà quên cả ăn, đến bữa cơm, chàng đợi nhà hàng xóm vừa xong là sang mượn nồi ngay.
Ngày nay, truyền thống vượt khó, cần cù, ham học đã được giữ gìn và phát huy ở những người trẻ. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, cuối cùng chúng ta đã thu được trái ngọt. Trong các cuộc thi olympic toán, vật lí, hóa học quốc tế, đoàn Việt Nam đều xuất sắc giành được những giải thưởng cao, lá cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường quốc tế tràn đầy niềm tự hào và kiêu hãnh. Lại nhớ năm xưa Bác Hồ từng dặn: “Non sông việt nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”. Điều kiện kinh tế còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nghèo nàn nhưng điều đó không thể cản trở chúng ta trên con đường làm rạng danh đất nước Việt Nam và khẳng định những phẩm chất của con người Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế. Những thành tích đạt được đã chứng minh học sinh Việt Nam vô cùng thông minh, chăm chỉ, không ngại khổ, ngại khó, có ý chí, quyết tâm mãnh liệt.
Đất nước chúng ta đang trên con đường hội nhập, cơ hội giao lưu, kết nối toàn cầu vì thế mà cũng ngày càng rộng mở. Điều này giúp chúng ta có thể tiếp cận nhiều hơn với các tiến bộ khoa học kĩ thuật nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Là thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Bằng cách học tập thật tốt, đưa tên tuổi Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu, người học sinh đang thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Vậy nên, những người học sinh ấy chính là một lực lượng nòng cốt để giúp đất nước phát triển. Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh chưa hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, lười biếng, ăn chơi đua đòi, không cố gắng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Nếu họ không sớm thay đổi thì sẽ không thể phát huy được thực lực của bản thân, sau này sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Là một người học sinh, em sẽ cố gắng thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, tích cực trong các phong trào học tập, rèn luyện đạo đức, phấn đấu làm theo những điều Bác Hồ dạy, góp một phần công sức nhỏ bé của mình làm rạng danh đất nước Việt Nam.
Thế hệ trẻ Việt Nam đang từng bước thực hiện lời Bác Hồ dặn năm xưa. Họ xứng đáng là những tấm gương mẫu mực để chúng ta học tập và noi theo.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài viết số 5 lớp 9 đề 3: Suy nghĩ về hiện tượng Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế Dàn ý & 5 mẫu bài viết số 5 lớp 9 đề 3 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.