Bài tập Trạng ngữ là tài liệu được Pgdphurieng.edu.vn cung cấp đến các bạn học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn.
Với tài liệu này, học sinh có thể củng cố kiến thức về trạng ngữ, đồng thời có thêm bài tập để ôn luyện.
I. Trạng ngữ là gì?
– Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung ý nghĩa cho thành phần chính trong câu.
– Ví dụ:
- Hằng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh. (Trạng ngữ: Hằng năm)
- Ở trường, tớ chơi thân nhất với bạn Mai. (Trạng ngữ: Ở trường)
II. Các loại trạng ngữ
1. Trạng ngữ chỉ thời gian
- Trạng ngữ chỉ thời gian được sử dụng để xác định thời gian xảy ra sự việc được đề cập trong câu.
- Câu hỏi để hỏi về trạng từ chỉ thời gian: Khi nào? Bao giờ? Mấy giờ?
- Ví dụ: Mùa hè, hoa phượng nở rực rỡ
2. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
- Trạng ngữ chỉ nơi chốn xác định địa điểm, vị trí xảy ra sự việc được đề cập trong câu.
- Câu hỏi để hỏi về trạng từ chỉ nơi chốn: Ở đâu?
- Ví dụ: Trong vườn, cây cối cùng nhau chung sống rất vui vẻ.
3. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân sử dụng với mục định xác định lý do xảy ra sự việc được đề cập trong câu.
- Câu hỏi để hỏi về trạng ngữ chỉ nguyên nhân: Vì sao? Do đâu? Tại đâu?
- Ví dụ: Vì ô nhiễm môi trường, nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt.
4. Trạng ngữ chỉ mục đích
- Trạng từ chỉ mục đích là những trạng từ chỉ mục tiêu hướng tới.
- Câu hỏi để hỏi về trạng ngữ chỉ mục đích: Để làm gì? Nhằm mục đích gì? Vì điều gì?
- Ví dụ: Để trở thành học sinh giỏi, Nam phải chăm chỉ học tập.
5. Trạng ngữ chỉ phương tiện, cách thức
- Trạng ngữ chỉ phương tiện, cách thức sử dụng để xác định phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong đoạn hội thoại hoặc trong câu.
- Câu hỏi để hỏi trạng ngữ chỉ phương tiện: Bằng cái gì? Với cái gì?
- Ví dụ: Tôi đi học bằng xe đạp.
III. Bài tập về trạng ngữ
Câu 1. Tìm và xác định loại trạng ngữ trong các câu sau:
a. Ngày mai, tôi sẽ vào Sài Gòn.
b. Trong thôn, ai cũng háo hức đón Tết.
c. Để trở thành một bác sĩ, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ học tập.
d. Hằng ngày, bố đèo tôi đến trường bằng xe máy.
Gợi ý:
a. Ngày mai: thời gian
b. Trong thôn: nơi chốn
c. Để trở thành một bác sĩ: mục đích
d.
- Hằng ngày: thời gian
- bằng xe máy: phương tiện
Câu 2. Điền trạng ngữ thích hợp vào chỗ trống, xác định loại trạng ngữ:
a. …, chúng em không thể đi tham quan.
b. …, kết quả của em luôn đứng nhất toàn trường.
c. …, anh Hoàng sẽ về thăm gia đình.
d. …, lá vàng rụng đầy sân.
Gợi ý:
a. Vì cơn bão, chúng em không thể đi tham quan. (Nguyên nhân)
b. Nhờ học tập chăm chỉ, kết quả của em luôn đứng nhất toàn trường. (Nguyên nhân)
c. Cuối tuần, anh Hoàng sẽ về thăm gia đình.
d. Mùa thu sang, lá vàng rụng đầy sân.
Câu 3. Viết một đoạn văn với chủ đề tự chọn có sử dụng trạng ngữ.
Gợi ý:
Mỗi lần về quê chơi, tôi lại ra thăm khu vườn của ông nội. Trong vườn, cây cối cùng nhau chung sống rất vui vẻ. Mấy chị hoa hồng khoe sắc với đủ các màu sắc nào vàng, đỏ, cam. Mấy cô hoa đồng tiền rung rinh trong gió như đang mỉm cười với tôi. Mấy chậu hoa mười giờ vẫn còn lười biếng chưa chịu tỉnh giấc. Anh hồng xiêm cao lớn nhất khu vườn đang vươn mình ra đón lấy ánh nắng mai để nuôi dưỡng những trái hồng đang trĩu nặng trên những cành cây. Bác ổi gần đó dường như sau một đêm đã trưởng thành hơn để có thể nâng niu được những trái ổi to lớn. Một vài chú chim nhỏ nhảy nhót trên cành của cây, khẽ kêu lên những tiếng ríu rít vang vọng tận đến trời xanh. Mỗi loại cây đều được ông nội chăm sóc vô cùng cẩn thận. Mùa nào quả đó, tôi cảm thấy vô cùng yêu thích khu vườn này.
Trạng ngữ: Trong vườn
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài tập Trạng ngữ Thực hành tiếng Việt 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.