Bạn đang xem bài viết Ba mẹ cần biết gì về cơn đau chân do tăng trưởng của con? tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Trẻ bị đau chân về chiều tối và đêm là vấn đề khá phổ biến ở những trẻ đang phát triển, đặc biệt là sau một ngày hoạt động và vui chơi các môn thể thao. Chúng được gọi là đau nhức xương tăng trưởng và không đáng lo ngại. Cùng Pgdphurieng.edu.vn tìm hiểu kỹ hơn tình trạng này qua bài viết sau theo tham vấn của Thạc sĩ – Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu, Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh.
Bạn cần biết gì về cơn đau chân do tăng trưởng?
Khi bé bị đau nhức chân về đêm hoặc vào buổi chiều tối thì hiện tượng này gọi là đau nhức xương do tăng trưởng (growing pain).
Cơn đau chân này thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 12 tuổi và không đáng lo ngại. Về cơ bản, đau tăng trưởng ở trẻ thường có những triệu chứng, đặc điểm sau đây mà bạn cần biết:
- Các cơn đau tăng trưởng thường gây ra cảm giác đau nhức hoặc nhói ở chân, thường xuất hiện ở phía trước đùi, bắp chân hoặc sau đầu gối và có thể kéo dài khoảng 10 đến 30 phút.
- Đối với tình trạng đau chân có liên quan đến sự phát triển xương, trẻ thường đau ở cả hai chân. Ngoài đau chân, trẻ cũng có thể bị đau ở cánh tay, đau đầu và đau bụng. Tuy là đau tăng trưởng có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm nhưng các cơn đau không xảy ra hàng ngày. Thay vào đó, các cơn đau thường xuất hiện rồi biến mất với khoảng cách giữa các đợt “bùng phát”, có thể là vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.
- Những cơn đau tăng trưởng thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc tối rồi biến mất vào buổi sáng. Tuy nhiên, đôi khi trẻ bị đau nhức chân về đêm có thể gây khó chịu, khiến trẻ thức giấc lúc nửa đêm, chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Đau nhức chân về đêm có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe hay không?
Trẻ bị đau nhức chân về đêm có thể liên quan đến hiện tượng đau xương tăng trưởng hoặc không?
Trẻ bị đau nhức chân về đêm hoặc vào buổi chiều liên quan đến đau tăng trưởng
Đau tăng trưởng ở trẻ có thể xảy ra ở cả nam và nữ với khoảng 10% trẻ khỏe mạnh được ghi nhận là trải qua hiện tượng này. Cơn đau xảy ra vào chiều tối và thường vô hại. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của tình trạng này.
Một số giả thuyết cho rằng việc trẻ bị đau nhức chân về đêm là do trẻ chạy nhảy, leo trèo và vận động nhiều trong ngày. Những hoạt động này có thể gây ảnh hưởng đến hệ xương đang phát triển của trẻ.
Trường hợp trẻ bị đau nhức chân là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân gây đau nhức chân ở trẻ. Ngoài đau do tăng trưởng thì các nguyên nhân do chấn thương, một vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào đó cũng có thể xảy ra.
- Chuột rút bắp chân: Đây là tình trạng co thắt cơ (chuột rút) gây ra những cơn đau ngắn kéo dài từ 1 đến 15 phút. Chúng là kết quả của hoạt động nặng hoặc chơi thể thao. Nếu tình trạng này xảy ra ban đêm cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
- Căng cơ: Đây là tình trạng cơ bắp bị kéo giãn quá mức, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Trẻ bị căng cơ có thể là do hoạt động, chơi thể thao, chạy nhảy quá nhiều trong ngày. Đau chân do căng cơ có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.
- Thiếu hụt canxi hoặc vitamin D: Mức canxi hoặc vitamin D thấp có thể gây ra các cơn đau nhẹ ở xương. Cơn đau này xảy ra chủ yếu ở chân và xương sườn. Theo đó, trẻ em theo chế độ ăn uống không có sữa là đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng này.
- Bệnh Osgood-Schlatter (Viêm lồi củ trước xương chày): Triệu chứng của bệnh là đau, sưng và căng vùng phía trên lồi củ chày tại vị trí bám vào gân của xương bánh chè. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang phát triển. Nguyên nhân thường là do chấn thương khi trẻ vận động, chơi thể thao. Viêm lồi củ trước xương chày thường không để lại biến chứng và không ảnh hưởng đến chức năng của đầu gối.
- Trẻ bị cúm: Đau nhức cơ bắp ở chân nói riêng và đau cơ nói chung cũng là một triệu chứng điển hình khi trẻ bị nhiễm cúm.
- Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua (toxic synovitis of the hip): Đây là tình trạng viêm khu trú ở màng hoạt dịch khớp háng một bên với tính chất khởi phát đột ngột. Tuy nhiên, bệnh thường khỏi nhanh chóng trong vòng 7 đến 10 ngày và không để lại di chứng. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 10 tuổi, đặc biệt là ở trẻ mới biết đi do chạy nhảy quá nhiều. Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau tại khớp háng hoặc đôi khi đau ở đùi, khớp gối ở bên bị viêm. Đối với trẻ nhỏ chưa có khả năng mô tả triệu chứng, bạn có thể nhận thấy trẻ đi khập khiễng hoặc bò một cách bất thường. Tuy nhiên, bệnh thường không gây sốt.
- Các nguyên nhân nghiêm trọng khác: Trong một số trường hợp, trẻ bị đau nhức chân có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nghiêm trọng hơn như gãy xương, huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông ở chân), viêm khớp…
Biện pháp xử lý khi trẻ bị đau nhức chân về đêm
- Xoa bóp chân cho trẻ: Nhẹ nhàng xoa bóp chân cho trẻ thường giúp ích cho việc giảm đau. Một số trẻ cũng có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi được ba mẹ ôm ấp, vỗ về.
- Chườm nóng chân: Sử dụng túi chườm hoặc chai nước ấm nóng (đã được đậy nắp) đặt lên vùng chân bị đau để giúp giảm đau.
- Dùng thuốc: Cho trẻ uống thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen nếu cần thiết. Tuyệt đối không được cho trẻ nhỏ dùng aspirin vì nguy cơ gây ra hội chứng Reye.
- Các giải pháp khác: Cho trẻ tắm nước ấm trước khi đi ngủ, khuyến khích trẻ dùng các loại giày phù hợp khi vận động, chơi thể thao…
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Sau đây là một số trường hợp bạn cần lưu ý để đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ kịp thời:
- Cơn đau chân không thuyên giảm khi xoa bóp, chườm nóng và dùng thuốc giảm đau
- Trẻ bị đau ở một bên chân, trường hợp này có thể đau do chấn thương
- Cơn đau của trẻ xảy ra ở các khớp, chẳng hạn như đầu gối hoặc mắt cá chân
- Trẻ có triệu chứng sưng tấy, đỏ da hoặc bầm tím bất thường trên chân
- Trẻ đau chân kèm theo sốt, chán ăn hoặc sụt cân
- Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng khiến trẻ đi khập khiễng. Trẻ bị đau nhức chân về đêm và kéo dài đến sáng hôm sau hoặc lâu hơn.
Tóm lại thì tình trang đau chân do tăng trưởng ở trẻ không đáng lo ngại. Tuy vậy nếu cơn đau kéo dài và các biện pháp xử lý tại nhà không làm cơn đau thuyên giảm thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị bạn nhé!
Nguồn: hellobacsi
Pgdphurieng.edu.vn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ba mẹ cần biết gì về cơn đau chân do tăng trưởng của con? tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.