Cô Moon Nguyen, giáo viên tiếng Anh 15 năm kinh nghiệm nói về ba lợi ích của việc học phát âm theo IPA.
Thời đại học, một người bạn rủ tôi đi học phát âm tiếng Anh, nhưng thấy học phí đắt quá, tôi bảo bạn “Cái đó ngày xưa mình học rồi, cũng không thấy quan trọng lắm”.
Chuyện là ngày trước, khi ôn thi đại học, tôi và cả lớp được thầy giáo dạy bảng ký tự phiên âm quốc tế (IPA). Thầy đọc các âm, rồi cho ví dụ, thế là tôi nghĩ mình đã hiểu về phát âm. Khi đó, tôi học phát âm như sau: nhìn vào âm /i/, tôi bảo âm này đọc ngắn, còn /i:/ đọc dài hơn, mà không biết cách học như thế tai hại thế nào.
Ra trường, đi làm, tôi thấy trình độ nghe tiếng Anh của mình chỉ ở mức trung bình, nghe CNN vẫn như vịt nghe sấm, nghe phim Mỹ gần như “điếc”, dù đã nói chuyện khá nhiều với người nước ngoài. Tôi cảm thấy người khác nói tiếng Anh trôi chảy, tự nhiên, còn mình sao cứ “quê quê” khó tả. Tôi đã tự hỏi mình “Tại sao thế nhỉ?”.
Một buổi chiều, tôi hỏi bác Peter, cấp trên của tôi và là người Anh: “What do you think about my English?” (Bác nghĩ thế nào về tiếng Anh của cháu?).
Bác Peter bảo “Your English is good, however, you don’t seem to produce final sounds” (Tiếng Anh của cháu tốt, nhưng cháu có vẻ không phát âm đúng âm cuối). Tôi giật mình hỏi lại: “Final sounds” (Âm cuối?). Bác ấy bảo tôi nói thử từ “wolf” (con sói) đi. Tôi nói nhiều lần nhưng bác đều nói chưa được, tôi cũng không hiểu tại sao.
Đó là câu chuyện của quá khứ, khi tôi chẳng hiểu gì về phát âm. Sau này, khi tìm hiểu về phát âm và hiểu hết giá trị của nó, việc học tiếng Anh của tôi đã khởi sắc hơn nhiều.
Thứ nhất, tôi biết cách nói để ai cũng hiểu. Năm 2018, khi nói chuyện với giám đốc ELS (cơ quan tổ chức thi TOEFL iBT) tại Đại học Grand Valley State – nơi tôi theo học ở Mỹ, bà đã nghĩ rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ngạc nhiên khi biết rằng tôi dành phần lớn thời gian học tiếng Anh ở Việt Nam. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất thực ra không phải là “nói giống người Mỹ”, mà là tôi có thể tự tin giao tiếp và biết chắc chắn rằng ai cũng có thể hiểu được mình khi nói tiếng Anh.
Thứ hai, tôi biết tự sửa lỗi sai. Hồi tập với bác Peter, tôi nói sai nhưng bác ấy không thể chỉ cho tôi cách sửa. Từ ngày học phát âm đúng, tôi biết cách tự sửa lỗi, cảm giác như được khai sáng.
Thứ ba, tôi nghe tốt hơn hẳn. Ngày xưa, tôi nghe từ “lift” (nâng lên) thấy chẳng khác gì với “lip” (môi), hay “live” (sống) hay “leave” (rời đi), nhưng giờ nghe từ nào là tôi có thể đoán được các âm của từ, kể cả các từ mới, và đoán luôn được cách viết. Cũng nhờ học phát âm đúng cách, đặc biệt hiểu về nối, giảm âm và cách nhấn từ trong tiếng Anh, tôi có thể nghe tiếng Anh gần như tiếng Việt vậy.
Nói chung, học phát âm là nền tảng, nhưng không có nghĩa chỉ người kém, “mất gốc” mới nên học. Những người hay dùng tiếng Anh, trình độ khá rồi, khi học phát âm mới càng thấy thấm thía những lợi ích của nó.
Moon Nguyen
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ba-loi-ich-khi-hoc-phat-am-tieng-anh-4564154.html