“ASEAN mạnh mẽ lên án cuộc không kích do lực lượng vũ trang Myanmar thực hiện gần đây ở làng Pa Zi Gyi, huyện Kanbalu, vùng Sagaing, được cho là khiến ít nhất hàng chục người thiệt mạng”, Indonesia, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, ngày 13/4 ra tuyên bố cho hay.
“Tất cả hình thức bạo lực phải chấm dứt ngay lập tức, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực với dân thường”, tuyên bố nêu thêm. “Đây là cách duy nhất để tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại quốc gia toàn diện nhằm tìm ra giải pháp hòa bình bền vững ở Myanmar”.
Tuyên bố được nước Chủ tịch ASEAN đưa ra sau khi phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun xác nhận quân đội nước này đã tiến hành cuộc không kích vào làng Pa Zi Gyi ở tây bắc Myanmar hôm 11/4.
Ông Zaw Min Tun cho biết cuộc không kích nhắm vào buổi lễ do “chính phủ đoàn kết dân tộc” (NUG) tổ chức cho “Lực lượng Phòng vệ Nhân dân” (PDF) có vũ trang của họ, và nhằm khôi phục hòa bình, ổn định trong khu vực.
“Những người bị tiêu diệt là thành viên PDF. Họ chống đối chính quyền và người dân”, Zaw Min Tun nói. “Chúng tôi đã tấn công nơi họ cất giữ vũ khí, khiến nơi đó phát nổ và nhiều người thiệt mạng”.
Đề cập những cáo buộc về dân thường thương vong trong vụ không kích, Zaw Min Tun nói “một số người mặc thường phục bị ép buộc phải hỗ trợ họ có lẽ cũng đã chết”. Theo ông, vụ không kích được tiến hành sau khi quân đội nhận được tin báo từ người dân địa phương.
NUG do các cựu nghị sĩ Myanmar, chủ yếu từ đảng của bà Aung San Suu Kyi, cùng một số chính trị gia các nhóm dân tộc thiểu số, thành lập tháng 4/2021, sau khi quân đội nước này tiến hành đảo chính.
Vụ không kích ở Sagaing được cho là gây thương vong lớn nhất trong loạt vụ không kích gần đây. Theo một thành viên PDF giấu tên, khoảng 100 thi thể thiệt mạng trong vụ tấn công đã được hỏa táng. “Số người chết vẫn chưa rõ ràng vì thi thể nằm rải rác khắp nơi”, người này cho hay.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án vụ không kích và kêu gọi những người liên quan phải chịu trách nhiệm, đồng thời “nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt chiến dịch bạo lực đối với người dân”.
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2/2021.
ASEAN đã nỗ lực thực hiện vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng Myanmar. Khối đạt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục ổn định cho Myanmar vào tháng 4/2021, nhưng chính quyền quân sự nước này được cho là chưa nghiêm túc thực thi thỏa thuận.
Indonesia đầu năm nay công bố kế hoạch thành lập văn phòng đặc phái viên trực thuộc Bộ Ngoại giao để thiết lập đối thoại cấp thấp với chính quyền quân sự Myanmar, trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/asean-chi-trich-vu-khong-kich-cua-quan-doi-myanmar-4592919.html