“Việc sản xuất thiết bị điện tử khó có thể đưa về Mỹ. Đó là nhiệm vụ bất khả thi”, Steve Jobs nói trong một sự kiện truyền hình từ năm 2010. Apple buộc phải để phần lớn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc vì “không thể tìm được 30.000 kỹ sư có thể thực hiện một công việc cần hoàn thành” ở những nơi khác.
Hơn một thập kỷ sau, ý kiến của Jobs vẫn đúng khi việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc khó khăn hơn tưởng tượng.
Vị thế của Trung Quốc
Doanh nghiệp Mỹ đã đến Trung Quốc từ những năm 1980 để tận dụng lao động giá rẻ và cơ hội tối đa lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, các nhà máy mọc lên giúp người dân thoát nghèo với hàng nghìn công việc mới được tạo ra.
Nhưng sau năm 2000, Trung Quốc nhận thấy họ có thể tận dụng tiềm năng để tự xây dựng một hệ sinh thái và chuỗi cung ứng riêng. Không còn làm nhiệm vụ gia công, họ bắt đầu sản xuất thành phần linh kiện, tạo giải pháp phần mềm và nhiều thứ liên quan khác thay vì nhập khẩu.
“Chiến lược tạo hệ sinh thái giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành một quốc gia có thể tự sản xuất hàng hóa, không chỉ là điểm đến gia công như trước”, GizChina bình luận.
Lĩnh vực sản xuất công nghệ, như smartphone, máy tính và thiết bị điện tử tiên tiến khác, cũng áp dụng chiến lược này. Chính quyền thúc đẩy việc tạo chuỗi cung ứng phụ thuộc lẫn nhau, kết hợp sản xuất tất cả thành phần cần thiết trong khu vực nhất định nhằm hạ chi phí xuống thấp nhất có thể.
Một ví dụ điển hình là thành phố Thâm Quyến. Cuối những năm 1970, đây là một làng chài với dân số khoảng 30.000 người. 30 năm sau, nơi này biến thành một trong những khu vực sản xuất hiện đại bậc nhất Trung Quốc, tập hợp các công ty công nghệ lớn, còn dân số vượt 10 triệu người.
“Sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ mang lại cảm giác chắc chắn cho các công ty đa quốc gia như Apple, cũng như cho chuỗi cung ứng của thế giới”, People’s Daily nhận định.
Nhưng năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump áp đặt thuế quan đối với một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Một trong những mục tiêu ở đây là buộc các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất về nước. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, mục tiêu đó khó diễn ra với tốc độ mà chính quyền Mỹ muốn thấy.
Ấn Độ là điểm đến khả thi?
Trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất, Apple tìm đến các nước châu Á khác, trong đó có Ấn Độ – quốc gia có dân số tương đương Trung Quốc nhưng giá nhân công rẻ hơn. Theo Business Insider, công ty iPhone đang cố gắng biến nơi đây thành trung tâm sản xuất mới.
Apple không giấu tham vọng chinh phục thị trường Ấn Độ. CEO Tim Cook đã đến thăm nước này vào tháng 4, mở Apple Store đầu tiên cũng như đàm phán với tập đoàn địa phương Tata Group để xây nhà máy sản xuất iPhone trị giá 600 triệu USD.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Ấn Độ đang bị nghi ngờ nghiêm trọng, nhất là sau khi Foxconn bất ngờ rút khỏi liên doanh bán dẫn trị giá 19,5 tỷ USD với tập đoàn Vedanta, khiến mục tiêu gia nhập ngành chip của Ấn Độ trở nên khó khăn. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng gọi đây là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy tham vọng sản xuất chip của nước này.
Theo nhà phân tích Neil Shah từ hãng nghiên cứu Counterpoint, hợp tác không thành công của liên doanh sẽ là trở ngại lớn trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ nói chung, đặc biệt là cho nỗ lực chip “Make in India”.
Quá lớn để dịch chuyển
Trung Quốc thực tế đang đảm nhận gần như toàn bộ việc sản xuất điện thoại di động của hầu hết thương hiệu lớn trên toàn cầu. Các siêu nhà máy như Foxconn và Pegatron chủ yếu đặt tại đất nước tỷ dân, lắp ráp điện thoại cho một số công ty thậm chí không bán sản phẩm ở Trung Quốc.
Trước đây, các công ty như Nokia, Ericsson, Motorola hay BlackBerry vẫn sản xuất tại quê nhà của họ, nhưng đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc được cho là xuất hiện đúng lúc để thu hút việc sản xuất từ các công ty này, sau đó tự mình tạo ra những sản phẩm riêng.
Đến nay, không chỉ điện thoại, tất cả các ngành công nghiệp hỗ trợ đều nằm ở châu Á. “Nghĩa là, bất kỳ nỗ lực nào để di chuyển chúng qua Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương sẽ tạo ra lượng chi phí khổng lồ, đến mức không thể chấp nhận được”, GizChina cho hay. “Ngoài sản xuất điện thoại, toàn bộ ngành công nghiệp phụ trợ cũng nên được di dời”.
Theo trang này, trong quá trình di chuyển toàn bộ ngành công nghiệp, nhiều công ty sẽ phá sản. Một số doanh nghiệp có thể sống sót nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng câu hỏi đặt ra là phương Tây có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ như vậy hay không và bằng cách nào.
“Các công ty không thể chấp nhận rủi ro nguồn cung bị gián đoạn, điều có thể tác động đến khả năng phục vụ khách hàng của họ trong tương lai”, Lisa Anderson, CEO công ty về chuỗi cung ứng LMA Consulting Group, nói với CNN. “Để tạo nên hệ thống có quy mô như ở Trung Quốc không dễ. Quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian và cần đầu tư lớn”.
Vấn đề thời gian cũng được tính tới. Chẳng hạn, Apple phải mất hơn 20 năm để trở nên độc lập với ngành công nghiệp Trung Quốc, nhưng chỉ chuyển một phần dây chuyền iPhone sang Ấn Độ và các nước láng giềng.
Theo ước tính của JP Morgan, 25% sản phẩm Apple có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025, tăng so với mức 5% năm ngoái. Tuy vậy, con số trên cũng cho thấy việc sản xuất tại Trung Quốc vẫn áp đảo vài năm tới. Theo giới chuyên gia, bất kỳ nỗ lực nào trong việc chuyển đi nơi khác đều có thể dễ dàng thất bại.
Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn chiến lược Dentons Global Advisors, cho rằng một số công ty sẽ phải đa dạng hóa địa điểm sản xuất, nhưng vị thế Trung Quốc rất khó bị thay đổi trong tương lai gần.
“Phải nói ở giai đoạn này, ngoài Trung Quốc không thể tìm được nơi cung cấp đủ những thứ mà các công ty như Apple cần”, Triolo nói.
Bảo Lâm
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/apple-kho-giam-phu-thuoc-nha-may-trung-quoc-4623566.html