“Sao nhiều bài thế cô?”, chị Nguyễn Mai, 45 tuổi, sống tại Hà Nam, giật mình hỏi lại giáo viên của con khi nhìn file bài tập hơn 7.400 chữ. Nhận câu trả lời “trắc nghiệm ấy mà, làm nhanh thôi”, chị Mai bức xúc. “Trẻ con không thể đọc nhanh như người lớn, chưa kể kiến thức được hỏi trong bài rất rộng, các con cũng phải đọc lại sách chứ không thể cứ vậy mà khoanh đáp án luôn”, chị nói.
Năm nay, học sinh Hà Nam được nghỉ Tết từ 20 đến hết 29/1 (29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), tổng 10 ngày. Ở trang cuối của file bài tập Tiếng Việt, cô giáo ghi chú thích in hoa bằng mực đỏ “nhờ phụ huynh nhắc con hoàn thiện bài trong dịp Tết, các con sẽ nộp bài vào buổi học đầu tiên của năm mới”.
“Đây mới là một môn, còn Toán và Tiếng Anh nữa. Thế này đâu gọi là nghỉ Tết”, chị Mai ngao ngán.
Hơn 30 năm trong nghề, cô Thanh Hải, 52 tuổi, giáo viên tiểu học ở Hà Nam, cho biết vẫn thường giao bài tập vào dịp Tết Nguyên đán cho học sinh. Kỳ nghỉ dài 7-10 ngày, lượng bài khoảng 40, tổng các môn Toán, Tiếng Việt và Tập làm văn. “Giao bài để học sinh không quên kiến thức”, cô Hải lý giải và cho biết nhiều giáo viên khác trong trường cũng làm việc này. Cô nói nếu tập trung, học sinh chỉ mất 2-3 ngày là giải quyết xong bài tập, không phải kéo dài suốt kỳ nghỉ.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằngnên để Tết đúng nghĩa là dịp nghỉ ngơi, tránh khiến học sinh áp lực với khối lượng bài tập lớn.
Với học sinh cuối cấp như lớp 9, 12, ông Điệp nhận định “có thể cho các em vài bài để duy trì nhịp độ học”. Riêng với học sinh cấp tiểu học hay THCS, ông Điệp phản đối giao bài tập dịp Tết. Ông cho rằng việc nhớ hay quên kiến thức là một quá trình, nghỉ Tết 7-14 ngày không phải nguyên nhân, cũng không thể biến một đứa trẻ từ giỏi thành dốt hoặc ngược lại.
Thường xuyên chủ nhiệm học sinh lớp 1, 2, cô Hoàng Quỳnh Anh, trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết trẻ quên kiến thức, cách viết một vài chữ sau kỳ nghỉ Tết là chuyện thường gặp, nhưng không đáng ngại. “Trẻ con quên nhanh nhưng nhớ cũng rất nhanh. Chỉ cần 1-2 buổi nhắc lại kiến thức, cho các bạn luyện tập là mọi thứ sẽ ổn”, cô nói.
Ngoài ra, theo ông Điệp, nếu giao quá nhiều bài, giáo viên cũng khó kiểm tra, chấm và chữa tất cả. “Nhiều khi giao bài chỉ để học sinh dành thời gian làm, chứ các em làm hết hay không, đúng hay sai thầy cô cũng không biết”, ông nói.
Nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng việc giao bài tập để học sinh ôn luyện chỉ phù hợp với những kỳ nghỉ dài 2-3 tháng. Theo bà Phương, Tết là dịp nghỉ ngơi sau một kỳ học, giúp các em kết nối với các thành viên trong gia đình. “Bài tập Tết không giúp ích cho việc học ở trường hay giáo dục nói chung, trái lại làm học sinh mất thời gian thư giãn, khám phá lễ hội, phong tục”, bà Uyên nói.
Trước đó vào giữa tháng 1, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết đã yêu cầu các trường không giao bài tập để học sinh được tận hưởng không khí ngày Tết, vui chơi trọn vẹn. Học sinh không học qua sách vở nhưng sẽ học được những kỹ năng, phẩm chất khác thông qua chất liệu cuộc sống như trò chuyện, chúc Tết gia đình, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
Từ năm 2014, với bậc tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày. Năm 2020, khi triển khai chương trình phổ thông mới, điều này được Bộ nhắc lại. Dù vậy, tình trạng giao bài tập về nhà, hay giao bài tập Tết cho học sinh hiện vẫn còn phổ biến.
Thạc sĩ tâm lý Giang Thanh Vũ, trường Đại học Sư phạm TP HCM, nhận định bài tập Tết là câu chuyện đã gây tranh cãi nhiều năm, áp lực từ bài vở có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần học sinh. Theo ông Vũ, không có câu trả lời rõ ràng về việc có nên giao bài tập Tết hay không, bởi điều này phụ thuộc vào bối cảnh, chương trình của trường và suy nghĩ, mức độ chịu áp lực của học sinh. Nếu bài tập Tết hướng đến việc ôn tập, giúp học sinh dễ bắt nhịp với học kỳ II, và các em hiểu được mục đích này, nỗ lực hoàn thành thì khi đó, bài tập Tết mang đến hiệu quả tích cực, còn ngược lại là gánh nặng.
Với chị Mai, bài tập Tết của con gái là “cơn ác mộng”. Sau hai ngày, con chị mới làm gần xong ba mặt đề tiếng Anh, chưa động tới 100 câu trắc nghiệm tiếng Việt. “Tôi định để con làm được bao nhiêu thì làm, gần hết kỳ nghỉ mà không xong thì bà và mẹ sẽ làm cùng”, người mẹ nói.
Chuyên gia Nguyễn Thúy Uyên Phương khuyên giáo viên giao bài tập gắn với mục tiêu, các hoạt động thường diễn ra trong dịp Tết như kết nối gia đình, khám phá văn hóa, thay vì những bài tính toán nặng kiến thức. “Những dạng bài tập này giúp học trò rèn sự quan sát, thấu cảm, mở rộng hiểu biết và cải thiện nhiều kỹ năng mềm khác”, bà Phương nói.
Nhiều năm qua, cô Quỳnh Anh đã giao các bài tập Tết đặc biệt cho học trò. Năm ngoái khi chủ nhiệm lớp 1, bài tập Tết của cô gồm cho học sinh tham gia làm phong bao lì xì, cùng dọn nhà và gói bánh chưng. Bên trong những bao lì xì mà các em gửi ông bà, bố mẹ chứa những “voucher” đặc biệt như “được đấm lưng”, “được con rửa bát”.
Năm nay, là chủ nhiệm lớp 3, cô Quỳnh Anh để học sinh tự thiết kế lì xì và tính điểm các việc tốt đã hoàn thành trong dịp Tết. Trong buổi học đầu tiên của năm mới, cô sẽ tặng quà cho những bạn làm được nhiều việc tốt, ý nghĩa. Ngoài ra, cô khuyến khích mỗi học sinh mua một quyển sách mới từ tiền lì xì. Sau khi đọc xong, các em sẽ mang đến thư viện của lớp để các bạn khác cùng được đọc và mượn lẫn của nhau. “Không chỉ phụ huynh mà cả các bé đều rất thích thú”, cô Quỳnh Anh nói.
Còn với cô Thanh Hải, năm nay lần đầu tiên nữ giáo viên quyết định cho học sinh tận hưởng trọn vẹn 10 ngày nghỉ Tết mà không giao bài tập. “Tôi có gợi ý một số bài ôn tập, học sinh nào muốn duy trì nếp học có thể làm, không cũng không sao, tôi để các em chủ động”, cô nói.
Thanh Hiếu, lớp 12, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), cũng không có bài tập Tết năm nay, dù em đã nghĩ “chắc thầy cô sẽ giao rất nhiều cho học sinh cuối cấp”. Hiếu và các bạn được báo chủ động ôn tập, theo mong muốn của mình.
Nữ sinh dự định dành 1-2 ngày đi thăm, chúc Tết ông bà, họ hàng, còn lại dành cho việc học, bởi ba kỳ thi (giữa kỳ, học sinh giỏi thành phố và đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP HCM) đang đợi Hiếu sau Tết. “Dù Tết này không được vui chơi nhiều nhưng em thấy thoải mái khi chính mình lập ra kế hoạch ôn luyện, làm bài tập, không phải bị bắt ép”, Hiếu nói.
Thanh Hằng – Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ap-luc-vi-bai-tap-tet-cua-hoc-sinh-4561418.html