Ngôi sao được gọi là WR 124 nằm cách chúng ta khoảng 15.000 năm ánh sáng trong chòm sao Nhân Mã. Nó nặng gấp 30 lần Mặt Trời và đã phóng ra một lượng khí bụi tương đương 10 Mặt Trời cho đến thời điểm quan sát.
Trong bức ảnh tuyệt đẹp được NASA công bố hôm 14/3, chụp bởi Camera Cận hồng ngoại (NIRCam) và Thiết bị Hồng ngoại Tầm trung (MIRI) trên kính viễn vọng không gian James Webb, WR 124 hiện lên nổi bật ở trung tâm và được bao quanh bởi mây khí bụi hay tinh vân có đường kính lên tới 10 năm ánh sáng.
Những đám mây khổng lồ này là vật chất thoát ra từ ngôi sao già cỗi trong các vụ phóng hỗn loạn và ngẫu nhiên. Đây là dấu hiệu cho thấy ngôi sao đang ở trong giai đoạn mất khối lượng, trước khi biến thành siêu tân tinh. Đó là lúc phản ứng tổng hợp hạt nhân trong lõi của ngôi sao dừng lại và áp lực của trọng lực khiến nó tự sụp đổ và phát nổ.
Ảnh chụp chi tiết chưa từng có về WR 124 mang đến một cơ hội lý tưởng để nghiên cứu bụi vũ trụ, thứ được quan sát rõ ràng nhất ở bước sóng ánh sáng hồng ngoại. NIRCam của Webb giúp cân bằng độ sáng của lõi sao và các chi tiết trong lớp khí mờ hơn ở xung quanh, trong khi MIRI cho thấy cấu trúc vón cục của tinh vân bao quanh ngôi sao.
WR 124 cũng góp phần giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về lịch sử ban đầu của vũ trụ. Những ngôi sao sắp chết tương tự đã “gieo mầm” cho vũ trụ sơ khai bằng những nguyên tố nặng được tôi luyện trong lõi của chúng. Những nguyên tố này rất phổ biến trong vũ trụ hiện tại, bao gồm cả trên Trái Đất.
Đoàn Dương (Theo NASA)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/anh-chup-sao-quai-vat-sap-phat-no-thanh-sieu-tan-tinh-4581417.html