Theo dữ liệu được Bộ Y tế công bố ngày 11/4, Ấn Độ ghi nhận gần 5.900 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số đang điều trị lên 35.000. Trong đó, 14 người tử vong, nâng tổng số trường hợp qua đời vì Covid ở nước này lên hơn 530.000. Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Đông Nam Á, nói Ấn Độ đang ghi nhận dịch bệnh gia tăng ở mức độ tương tự làn sóng Omicron cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia, ba nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng là miễn dịch người dân suy yếu, biến chủng mới lây lan và tỷ lệ tiêm chủng liều thứ ba, tư thấp.
Tiến sĩ Singh cho biết hệ miễn dịch sau khi nhiễm nCoV sẽ ghi nhớ virus, bảo vệ con người khỏi những lần tiếp xúc trong tương lai. Tuy nhiên, khác với các căn bệnh như sởi, thủy đậu, trí nhớ miễn dịch sau mắc Covid-19 không kéo dài vĩnh viễn.
Theo nghiên cứu vào tháng 10/2021 của Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), người đã khỏi Covid-19 có khả năng tái nhiễm sau 5 đến 8 tháng. Các chuyên gia kết luận tái nhiễm nCoV tương tự nhiễm virus cảm lạnh thông thường, có thể xảy ra từ năm này qua năm khác.
Đối với vaccine Covid-19, dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng của các liều tăng cường kéo dài khoảng 4 tháng. Mức độ bảo vệ khác nhau tùy thuộc và từng loại. Vaccine Pfizer hiệu quả ít nhất 91% trong việc ngăn ngừa triệu chứng Covid-19 trong vòng 6 tháng, tương tự vaccine Moderna. Hiệu quả của AstraZeneca ngắn hơn.
Ấn Độ hiện đã tiêm hơn 2,2 tỷ liều vaccine. Tiến sĩ Singh coi đây là thành tích ấn tượng so với quy mô của đất nước. Dù vậy, ông nhận định việc triển khai tiêm chủng trở nên chậm hơn trong thời gian gần đây.
Bên cạnh miễn dịch suy yếu và tốc độ tiêm chủng chững lại, biến chủng mới cũng khiến số ca Covid-19 của Ấn Độ gia tăng. Hôm 3/4, WHO cho biết đang theo dõi biến chủng phụ XBB.1.16 của Omicron, đã xuất hiện ở khoảng 20 quốc gia kể từ tháng 1.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về phản ứng với Covid-19 tại WHO, cho biết: “Hầu hết trình tự gene của XBB.1.16 là từ Ấn Độ. Nó đã thay thế các biến chủng khác đang lưu hành. Vì vậy, đây là biến chủng đáng được lưu tâm”.
Dù góp phần làm tăng đột biến số ca mắc mới, biến chủng không làm gia tăng số người chết, WHO báo cáo. Thực tế, các trường hợp tử vong đã giảm 6% trong 4 tuần qua.
“Báo cáo đến nay cho thấy số ca nhập viện, vào phòng hồi sức tích cực (ICU) hoặc tử vong do XBB.1.16 không tăng. Hơn nữa, chưa có nghiên cứu cho thấy XBB.1.16 khiến bệnh nghiêm trọng hơn”, WHO cho biết.
Một số nhà khoa học nhận định số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ gia tăng là dấu hiệu cho thấy virus đang chuyển dần sang trạng thái đặc hữu như cúm mùa.
Các ca nhiễm tại Ấn Độ hiện nay có triệu chứng nhẹ, được điều trị ngoại trú. Bệnh nhân nhập viện đều là người già hoặc có bệnh nền. Các dấu hiệu tập trung ở đường hô hấp trên như đau họng, chảy nước mũi, sốt và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, tại các khoa cấp cứu hồi sức ở những bệnh viện lớn, bệnh nhân buộc phải xét nghiệm Covid, ngăn ngừa virus có thể lây lan, gây nguy hiểm cho người mắc bệnh nặng.
“Hầu như chúng ta đều đã nhiễm bệnh, dù có biết hay không. Virus này hoạt động giống với các chủng bệnh họ corona khác, gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường, có thể tái nhiễm trong tương lai”, Gautam I. Menon, trưởng khoa nghiên cứu, giáo sư khoa Vật lý và Sinh học tại Đại học Ashoka, cho biết.
Thục Linh (Theo Bloomberg, Shillong Times, Siasat Daily)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/an-do-doi-mat-lan-song-covid-19-moi-4592628.html