Du khách đến Amsterdam và ở lại đang chịu hai mức thuế: 7% giá phòng và 3 euro một người cho một đêm. Nếu hai người ở chung một phòng, công thức là 7% và 6 euro. Số tiền này được trả khi thanh toán tiền phòng.
Cụ thể, khách sạn 1 sao Rembrandt Square từ 28/3/2020 bắt đầu bán phòng với giá 132 euro trên Booking. Và số tiền thực tế khách phải trả khoảng 147 euro (trong đó, 15 euro phát sinh gồm 7% thuế du lịch và 6 euro cho hai người ở).
Theo CNN, với chính sách thuế này, một đêm nghỉ ở khách sạn 1 sao tại Amsterdam “gần như chắc chắn có mức thuế cao hơn hầu hết khách sạn 5 sao ở các thủ đô lớn cùng châu lục”.
Tim Fairhurst, Giám đốc Chính sách của Hiệp hội Du lịch châu Âu (ETOA), cũng cho hay: “Tính trung bình, mức áp dụng hiện nay khiến Amsterdam có thuế qua đêm cao nhất châu Âu”. Số tiền thuế 3 euro một khách bắt đầu được tính từ 2020, trước đó khách chỉ phải trả thuế du lịch 7% giá phòng.
Rome (Italy), thành phố thu thuế theo giá cố định cao nhất châu Âu, ở mức 7 euro một đêm một khách với khách sạn 5 sao. Dù khách có ở phòng với mức giá đắt đỏ, lên đến 815 euro tại Hotel de Russie, mức thuế phải chịu (14 euro) vẫn thấp hơn khách sạn một sao ở Amsterdam. Tại Berlin (Đức), nơi thuế du lịch là 5%, khách sạn Adlon Kempinski từng đón Barack Obama, Angelina Jolie và Michael Jackson có giá gần 250 euro một phòng, thuế du lịch gần 12 euro.
Mùa thấp điểm, một đêm tại khách sạn một sao ở Amsterdam khách cũng bị đánh thuế du lịch cao hơn nhiều khách sạn cao cấp khác tại Paris. Giá phòng của Hotel International khoảng 62 euro cùng 10 euro tiền thuế. Trong khi đó, Mandarin Oriental Paris, giá phòng hơn 1.400 euro nhưng thuế du lịch cũng chỉ 10 euro.
Trẻ dưới 16 tuổi được miễn thuế mới của Amsterdam. Các khu cắm trại chỉ tính phí 7% giá phòng và 1 euro cho mỗi người lớn. Nếu ở Airbnb hoặc căn hộ, tiền thuế tăng lên 10% (thay cho 3 euro một người), chưa kể VAT và thuế du lịch.
Đại diện hội đồng thành phốkhông cho rằng việc tăng thuế làm giảm khách ghé thăm. Thay vào đó, số tiền này nhằm “giữ cho thành phố an toàn, sạch sẽ cũng như không gian công cộng như vỉa hè, bến cảng, cầu và đường phố ở trong trạng thái tốt”. Ngoài ra, thành phố cũng áp dụng thuế nhập cảnh 8 euro với khách đến bằng du thuyền (khách đến trong ngày) và 0,66 euro với hành khách đi thuyền, xe buýt tham quan thành phố.
Các cơ sở lưu trú sau khi đăng ký nộp thuế du lịchcần kê khai số tiền kiếm được thông qua du lịch mỗi năm. Các công ty du thuyền phải trả thuế cho hành khách, theo Amsterdam.nl.
Justin Francis, CEO tổ chức Du lịch có trách nhiệm, ca ngợi việc thu thuế mới là “bước tích cực”. Francis cho rằng người dân địa phương được quyền tận hưởng cuộc sống yên bình bên ngôi nhà của họ, cũng như bảo tồn môi trường họ đang sống. Việc đi lại, tham quan của du khách đặt dưới quyền lợi của người dân địa phương. Thuế du lịch cần phải đánh ở mức này mới đủ sức tác động.
Tim Fairhurst cho biết mức tăng thuế hàng năm của chính quyền không phải điều mới. Nhưng việc tăng thuế không ngừng khiến ngành du lịch e ngại. Fairhurst cho rằng việc tăng thuế cần có thời gian để mọi người thích nghi, điều chỉnh công việc kinh doanh, thay vì nói tăng là tăng luôn trong thời gian ngắn.
Anh Minh (Theo CNN, Lonely Planet)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/amsterdam-danh-thue-du-khach-qua-dem-cao-nhat-chau-au-4591452.html