“Đó không phải lần đầu tiên mình bị chị đó đánh”, Hạnh, 29 tuổi, kể về ký ức tồi tệ khi còn là học sinh lớp 7 một trường THCS ở Phú Thọ.
Hạnh khi đó là học sinh khá, gia đình khá giả, luôn mặc đồng phục, hoà đồng với bạn bè. Từ đầu năm lớp 7, Hạnh bị một học sinh lớp 9, có tiếng là “chị đại”, ngay cạnh lớp để ý. Sau một lần bị chị này hỏi “Sao mày điệu chảy nước thế” mà không trả lời, Hạnh bị gọi ra hành lang, bị giáng một cái tát.
Dù rất đau, nữ sinh khi đó không dám phản kháng. “Mình từng chứng kiến bạn khác bị đánh. Càng nói nhiều càng bị đánh đau hơn. Mình cảm thấy thực sự yếu thế, sợ đến mức không biết phải làm gì hơn ngoài xin lỗi rồi cúi gằm để né ánh mắt của chị đó”, Hạnh kể.
Được tha cho vào lớp, Hạnh vẫn không dám ngẩng đầu lên. Bạn bè xung quanh im lặng, không ai đến gần hỏi han.
Sau đó, Hạnh không ít lần bị doạ dẫm và xúc phạm với đủ lý do, từ “không thích tóc mày”, đến “thích lườm không?”. Cô không dám nói với thầy cô hay gia đình vì đối phương doạ “sẽ đánh ác hơn”.
Đến hè lên lớp 8, Hạnh xin chuyển trường, dù khi đó, “đàn chị” đã tốt nghiệp.
Ảnh hưởng thể chất trong thời gian ngắn nhưng Hạnh và những nạn nhân của bắt nạt học đường phải chịu tổn hại nghiêm trọng, lâu dài về tinh thần.
Có 386 vụ bạo lực học đường trong năm vừa qua, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành. Song Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá con số thực tế lớn hơn rất nhiều với ít nhất gần 7.100 người có nguy cơ liên quan.
Bắt nạt học đường có nhiều hình thức như bắt nạt vật chất, thể chất và tinh thần. Trong đó, bắt nạt tinh thần là dạng tinh vi nhất.
Thùy Dung, học sinh lớp 12 tại Quảng Ninh, bị bắt nạt tinh thần ba năm trước, khi học lớp 9. Khi đó, Dung làm cán bộ lớp, ít nói, nên “trông mặt lúc nào cũng nghiêm túc, chỉn chu”. Một vài người bạn trong nhóm chơi chung bắt đầu mỉa mai Dung khi em không bao che cho họ lỗi thiếu bài, trốn học, dần dần bắt Dung mua đồ ăn cho cả nhóm.
Đỉnh điểm, trong một lần thu quỹ lớp, Dung bị vu ăn chặn tiền. Một thành viên trong nhóm chưa nộp tiền nhưng nói đã nộp. Dung đưa ra danh sách ký tên khi nộp tiền và được giáo viên tin tưởng, nhưng việc này càng khiến nhóm bắt nạt nói bóng gió, dằn vặt.
“Tình trạng bắt nạt kéo dài trong nhiều tháng. Vì quá mệt mỏi và bắt đầu sợ, em nói với mẹ”, Dung nhớ lại.
Do sắp thi vào lớp 10, gia đình Dung không muốn chuyển lớp hay trường, sợ làm xáo trộn việc học. Mẹ Dung lên gặp giáo viên chủ nhiệm, phản ánh sự việc. Cô giáo yêu cầu nhóm bắt nạt viết bản kiểm điểm, tất cả xin lỗi Dung và biện minh do không kiểm soát được hành vi. Tuy nhiên sau đó tình trạng bắt nạt vẫn tiếp diễn, dù gia đình Dung thêm một lần tới gặp hiệu trưởng.
Cho rằng nói lý lẽ “không ăn thua”, Quỳnh, chị gái hơn Dung 8 tuổi, đến gặp một thành viên nhóm bắt nạt. Ngoài doạ bằng giọng “hổ báo”, Quỳnh nói đang quản lý một diễn đàn học sinh với gần 100.000 thành viên và sẽ đăng tải hành vi của nhóm. Đến lúc đó, mọi việc mới dừng lại.
Còn Hạnh, sau nhiều năm, không dứt được cảm giác nặng nề ám ảnh mỗi khi đọc tin tức về bạo lực học đường, nhưng cô cảm thấy “vẫn còn may” vì mạng xã hội thời đó chưa phổ biến.
“Mình không biết liệu có thể đối diện với cuộc sống hay không, bố mẹ mình sẽ ra sao khi chuyện bị đưa lên mạng để mọi người bàn ra tán vào như bây giờ”, Hạnh nói.
Chuyên gia tâm lý học đường Tô Thị Hoan cho rằng ở thời đại công nghệ phát triển, những hệ quả từ bạo lực học đường nghiêm trọng hơn khi học sinh không chỉ dừng lại ở đánh nhau mà còn quay video, tung lên mạng xã hội. Trong khi đó, video đã đăng tải có thể tồn tại vĩnh viễn, rất khó để xoá dấu vết.
Là bố của một nữ sinh lớp 8 bị bạo lực học đường, ông Hoàng Văn Đăng, 43 tuổi, sống tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, thấm thía hơn ai hết hậu quả của việc bị bắt nạt, quay video và đăng mạng xã hội.
Trong video ghi lại sự việc vào cuối tháng 4, nhóm học sinh bắt con gái ông Đăng quỳ, thay nhau túm tóc giật ngược ra sau, vừa chửi bới vừa tát, dùng chân đá, thậm chí dùng mũ bảo hiểm quật vào mặt em này. Sau đó, khoảng 3-4 em đè nạn nhân xuống nền nhà, vừa đánh vừa lột áo.
“Xem video mà tôi còn sợ và ớn lạnh, nói gì chính bản thân cháu”, ông Đăng nói. “Những vết thương thể chất rồi sẽ lành. Nhưng biết đến khi nào cháu mới vượt qua được vết thương tinh thần?”.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chuyên gia tâm lý giáo dục, cho rằng nạn nhân của bạo lực học đường, quay video đăng lên mạng phải chịu tổn hại tâm lý rất lớn.
“Những đứa trẻ đó trở nên không tự tin, xa lánh mọi người, không có niềm tin vào cuộc sống”, ông Lâm nói.
Trước khi bị đánh và tung video lên mạng, ông Đăng nhận xét con gái là người hòa đồng, thường tham gia các sự kiện văn nghệ của trường. Nhưng giờ, em sợ đi học, không dám lên mạng và hễ gặp người lạ là trốn. Ông cũng lo lắng, sau này khi tình cờ xem lại được clip trên mạng, con gái sẽ bị ảnh hưởng tinh thần một lần nữa.
Dung giờ đây “mệt mỏi khi nhắc đến” chuyện bị bắt nạt vào ba năm trước. Nữ sinh cho rằng phải mất thời gian dài mới có thể đối diện một cách bình thản với những người từng bắt nạt mình.
“Đấy là thứ ám ảnh, em không bao giờ muốn nhớ lại”, Dung nói.
Dương Tâm – Thanh Hằng
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/am-anh-khon-nguoi-khi-bi-ban-hoc-danh-4602680.html