Mang thai là hành trình dài và nhiều nguy cơ không thể tiên lượng. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chỉ ra một số dấu hiệu bất thường, giúp mẹ bầu sớm phát hiện rủi ro, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
Ra máu âm đạo
Ra máu âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng thai bệnh lý như thai ngoài tử cung, chửa trứng, thai lưu, sảy thai, rau tiền đạo, rau bong non. Khi ra máu âm đạo, thai phụ cần nhập viện ngay để bác sĩ kiểm tra, phòng tránh bất thường.
Đau bụng
Nếu bạn thấy mình đau bụng từng cơn, tăng dần có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, hoặc dọa sảy thai, sinh non.
Sốt cao trên 38,5
Nếu sốt kèm theo ra nước âm đạo trên 6 tiếng có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại virus như cúm, rubella, zika có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ, tuyệt đối không được chủ quan.
Ra nước ở âm đạo
Nếu ra nước ở âm đạo trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, có thể bạn đang bị rỉ ối.
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
Đau đầu, nhìn mờ, có khi xuất hiện buồn nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn sẽ là sản giật dẫn đến co giật toàn thân. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng, dẫn đến cơn co giật nặng hoặc hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. Sản phụ bị sản giật thường đau đầu, huyết áp cao, sưng phù mặt, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đặc biệt là co giật. Cơn co giật có thể xảy ra trước sinh (khi thai kỳ được 20 tuần), trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu tiền sản giật.
Phù
Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, cần đến ngay bệnh viện kiểm tra, phòng ngừa dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.
Không thấy thai cử động
Người mẹ nên tự kiểm tra sự phát triển của thai nhi một vài lần trong một ngày. Bé ít nhất có khoảng 10 động tác trong vòng 10 phút. Từ tuần thứ 32 của thai kỳ, toàn bộ giác quan của thai nhi đã hoàn thiện và có thể cảm nhận được mọi cử động của mẹ.
Nếu người mẹ không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào của bé thì nên uống một ly nước trái cây, sau đó nằm nghiêng bên trái trong một căn phòng yên tĩnh khoảng 30 phút. Sau lần thử thứ hai, mẹ vẫn không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào thì nên nhanh chóng nhập viện.
Trường hợp thai đạp yếu hoặc không có cử động, cũng như không thấy bụng to dần lên, có thể nghĩ đến thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối.
Đi tiểu dắt và đau buốt
Đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phổ biến trong quá trình mang thai do thai nhi ngày một lớn và di chuyển xuống dưới chèn ép bàng quang. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu tiểu rắt và đau buốt ở bàng quang, niệu đạo thì đó là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nguy hiểm, ảnh hưởng thận, thậm chí gây sinh non hoặc trẻ thiếu cân.
Để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho đến khi mẹ tròn con vuông, người mẹ nên khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh. Quan tâm đến biểu hiện cơ thể, quan sát cử động thai nhi hàng ngày để nhanh chóng phát hiện bất thường.
Những người mẹ có nguy cơ trước đó cần phải trao đổi với bác sĩ sản khoa để có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xấu nhất.
Minh An
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/8-dau-hieu-bat-thuong-khi-mang-thai-4590812.html