Muốn làm văn hay, cần phải có dẫn chứng. Dẫn chứng hay, tiêu biểu, mang tính thời sự giống như nụ cười làm sáng bừng khuôn mặt, tô điểm ấn tượng và đạt điểm cao hơn. Trong bài văn nghị luận xã hội nên hạn chế lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học. Thiếu dẫn chứng bài văn nghị luận sẽ khô khan, không thuyết phục, lập luận không chặt chẽ, bài làm đạt điểm không cao, do đó dẫn chứng rất cần thiết cho bài làm văn nghị luận. Dưới đây chúng mình chia sẻ cho các bạn một số dẫn chứng hay giúp tăng giá trị cho bài văn nghị luận xã hội. Các bạn có thể chọn 1 số dẫn chứng dễ nhớ áp dụng khi làm bài thi tốt nghiệp THPT nhé!
Hoa hậu H’Hen Niê – tình nguyện tham gia chống dịch Covid 19
Chắc hẳn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chẳng thể quên được những ngày gồng mình “chiến đấu” với đại dịch Covid-19. Có rất nhiều người đã tình nguyện chống dịch tuyến đầu, hỗ trợ một phần nào đó cho đội ngũ y bác sĩ và Hoa hậu H’Hen Niê cũng không đứng ngoài lề.
H’Hen Niê cho biết, Sài Gòn là nơi thay đổi và cho cô quá nhiều cơ hội để hoàn thiện mình như ngày hôm nay. Trong suy nghĩ của Hen, Sài Gòn là một thành phố tươi đẹp nhộn nhịp và là miền đất hứa hẹn bao sự khao khát đổi đời từ những người con xa quê lẫn những người con trên mảnh đất tuyệt vời này. Vậy mà bây giờ mỗi ngày đi làm tình nguyện về thấy Sài Gòn lặng lẽ, vắng vẻ và dịch bệnh nên Hen thực sự rất là thương và đau lòng. Đây cũng là động lực để Hen tham gia tình nguyện một cách tích cực nhất, để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch và trở về cuộc sống như xưa.
Để nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp, Trung ương Đoàn và Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm với chủ đề: “Sự tham gia của thanh niên: Sức trẻ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Buổi lễ kết nối trực tiếp với nhiều bạn trẻ truyền cảm hứng. Trong chương trình, câu chuyện của Hoa hậu H’Hen Niê trở thành tình nguyện viên xung phong hỗ trợ tuyến đầu chống dịch cũng khiến rất nhiều bạn trẻ xúc động.
Cũng như bao người khác, H’Hen Niê là một tình nguyện viên, và khi khoác áo này thì cô không còn là Hoa hậu và cũng không phải là người nổi tiếng. H’ Hen Niê hết lòng tham gia các hoạt động tình nguyện bất kể công việc gì và dù có vất vả tới đâu. So với những khó nhọc của các y, bác sĩ đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch thì sự mệt nhọc một chút hành động san sẻ thật đáng quý.
Hoa hậu H’Hen Niê – tình nguyện tham gia chống dịch Covid 19
Hoa hậu H’Hen Niê – tình nguyện tham gia chống dịch Covid 19
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup
Trước khi trở thành tỷ phú thế giới – người giàu nhất Việt Nam, Ông Phạm Nhật Vượng đã có cuộc sống tuổi thơ khó khăn, vất vả nhưng không vì thế khiến ông nhụt trí. Ông đã quyết chí học hành và sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhờ những thành tích học tập xuất sắc đó, ông được chọn sang du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất và theo học ngành kinh tế địa chất.
Ông Phạm Nhật Vượng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine. Là người đi lên từ bàn tay trắng, ông đã làm được những điều không ai tin là có thể. Từ một công ti thực phẩm phải vay vốn để gây dựng đến một tập đoàn đa ngành lớn mạnh có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc như VinGroup. Tập đoàn Vingroup luôn được đánh giá là thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị VinGroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế nước nhà.Bên cạnh việc kinh doanh giỏi, giúp phát triển kinh tế người nhà thì ông còn có tâm sáng vì cộng đồng. Ông đã sáng lập Quỹ Thiện Tâm – ở đây ông và gia đình, cũng như các cán bộ, nhân viên Vingroup dành ngân khoản không nhỏ để thành lập và đóng góp. Nhiều năm liền Quỹ Thiện Tâm tới các vùng đất nghèo khó trên cả nước để trao cho những học sinh nghèo học giỏi những món quà nặng ân tình, những phòng học máy tính giúp thắp sáng ước mơ của những trẻ em nghèo.
Hàng vạn con bê giống cũng đã được trao cho nông dân ở Ninh Bình và Hà Tĩnh. Cả vạn ngôi nhà tình nghĩa cũng đã được xây dựng cho những gia đình có công. Hàng chục ngàn suất học bổng đã được trao tận tay tới các cháu học trò nghèo yêu thương. Tháp chuông Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi tri ân những Anh hùng Liệt sỹ ở vùng đất đạn bom năm nào, do Báo Đầu tư và Báo Lao Động vận động xây dựng, cũng có công đóng góp lớn từ Quỹ Thiện Tâm. Rồi còn hàng loạt hoạt động từ thiện khác… Những món quà nặng ân tình. Và đó có lẽ chính là điều đáng quý nhất ở vị tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam – Phạm Nhật Vượng.
Tất cả những thành tựu hôm nay đều được ông gây dựng nên nhờ những kinh nghiệm, niềm đam mê và quyết tâm làm việc đến cùng của vị doanh nhân tài năng này. Bên cạnh đó, vị tỉ phú này còn khiến mọi người mến phục bởi quan điểm kinh doanh hướng đến phát triển đất nước của mình. “Thế giới không chỉ biết đến một Việt Nam anh hùng, mà phải biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp”. Đó là mong muốn của ông. Chính vì vậy ông liên tục ươm mầm cho tương lai, thể hiện qua những dự án không ai ngờ với tầm vóc vượt trội. Câu nói truyền cảm hứng: “Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được.”
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup
Phạm Trọng Đạt – Em bé dọn rác trên đường đi học về
Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ đoạn video quay cảnh em Phạm Trọng Đạt – học sinh lớp 6/1, trường THCS Long An – nhặt rác thông miệng cống thoát nước ở xã Long An (Long Thành, Đồng Nai).
Không ai yêu cầu, cũng chẳng biết có camera ghi lại hình ảnh, cậu bé vẫn quyết định dừng xe, dành chút thời gian làm điều tử tế này dưới cơn mưa nặng hạt. Xong đâu đấy, em lại lên xe, thong dong đạp đi. Nhìn cảnh cậu học trò không mũ nón, áo mưa, tự nguyện làm một việc mà không đợi ai khen ngợi, nhiều người bỗng nở nụ cười trước một nhân cách dễ thương.
Khi được hỏi về việc làm của mình chiều 16/6, Đạt nói: “Chiều hôm đó em móc được khoảng 10 cái miệng cống đầy rác. Em tiện tay làm sạch thôi”. Cậu học sinh còn tiết lộ, trước đây, mỗi khi gặp trời mưa mà thấy miệng cống nào bị tắc em cũng thường dừng lại và làm như vậy. Đây là một trong những việc làm nhỏ nhưng lại khiến cho rất nhiều người cảm phục về thái độ và hành động của em trước trách nhiệm với cộng đồng cùng những việc làm thầm lặng không cần được khen thưởng, tuyên dương.
Phạm Trọng Đạt – Em bé dọn rác trên đường đi học về
Phạm Trọng Đạt – Em bé dọn rác trên đường đi học về
Cụ Đỗ Thị Mơ – Quyết xin thoát nghèo
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) câu chuyện về cụ bà 83 tuổi, tha thiết xin được thoát nghèo nhận được sự quan tâm và nể phục của nhiều người. Câu chuyện của cụ đang trở thành nguồn cảm hứng, là tấm gương về tinh thần, ý chí quyết tâm, lòng tự trọng.
Cách đây 1 năm, cụ xin chính quyền xã gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng đến nay xã vẫn chưa thực hiện. Vì thế, mới đây, cụ tiếp tục đạp xe lên xã để thắc mắc và xin cho ra khỏi hộ nghèo. Cụ Mơ giãi bày, hiện cụ thấy mình không còn nghèo nữa mà ngược lại còn giúp được nhiều người khó khăn khác. Hơn nữa, cụ muốn thoát nghèo để làm gương cho những người khác ở địa phương noi theo.
Theo cụ giãi bày “Chế độ chính sách đối với người nghèo là sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và cần thiết, đó là chính sách nhân văn cao cả phát huy truyền thống một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tuy nhiên, tôi xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nhường xuất cho những hộ khó khăn hơn. Không phải giàu có gì, nhưng tôi có thể tự nuôi bản thân và cũng đang giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cái gì xứng đáng thì mình nhận”.
Nói về cụ Mơ, nhiều người ngưỡng mộ bởi trường hợp như cụ quả là xưa nay hiếm. Hành động đẹp của cụ thật đáng trân trọng và nể phục, khiến chính những người trẻ hơn tự cảm thấy xấu hổ. Bởi lẽ, có nhiều hộ gia đình dù có nhiều người còn ở độ tuổi lao động nhưng không chịu làm ăn mà lại xung phong vào hộ nghèo. Tấm gương của cụ về lòng tự trọng thật xứng đáng để nhiều người noi theo.
Ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: “Hiện cụ đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Đây là lần thứ hai cụ đặt vấn đề xin thoát nghèo. Lần đầu vào năm 2018, lúc đó xét thấy vẫn còn khó khăn nên xã chưa giải quyết. Lần này căn cứ vào điều kiện thực tế, thu nhập hàng tháng và nguyện vọng của cụ, hết năm 2019 xã sẽ làm thủ tục để cụ thoát nghèo. Nguyện vọng xin ra khỏi hộ nghèo là hành động đẹp. Qua đây chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhân rộng trưởng hợp cụ Mơ là tấm gương luôn phấn đấu, lao động, không ỷ lại, trông chờ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước”, ông Thiêm nói.
Cụ Đỗ Thị Mơ – Quyết xin thoát nghèo
Cụ Đỗ Thị Mơ – Quyết xin thoát nghèo
Anh Trần Phước Hòa – quán cơm chay 5000 đồng
Anh Trần Phước Hòa là chủ quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11, TP HCM. Gần 20 năm trước, anh Hòa cũng như bao người dân lao động nghèo khác, từng bôn ba khắp nơi để kiếm kế sinh nhai và cuối cùng anh đã chọn dừng chân ở Sài Gòn. Từng làm đủ thứ nghề lao động tay chân, khốn khó trăm bề để gây dựng cơ nghiệp, đến nay anh Hòa đã sở hữu một cơ sở kinh doanh chuối chiên có tiếng trong thành phố với mức thu nhập có thể xem là tạm ổn. Dư dả chẳng bao nhiêu nhưng anh Hòa vẫn dốc tâm mở tiệm cơm chay Thiên Phước như một lời cảm ơn những điều tốt đẹp mà Sài Gòn đã đem đến cho mình.
Quán cơm chay từ thiện đầu tiên mở năm 2013, đến nay, vẫn hoạt động, anh Trần Phước Hòa – Ông chủ quán cơm chay 5.000 đồng Thiên Phước đã mở được 4 quán cơm chay nghĩa tình ở TP.HCM và Bến Tre. Với anh động lực giúp anh làm được nhiều điều cho người khác như vậy rất giản dị. Anh thích cảm giác nhẹ nhõm khi ngả lưng mỗi tối, nhớ lại trong ngày mình đã làm được điều tốt.
Anh là một tấm gương cho giới trẻ bởi sự san sẻ nỗi khó khăn của người khác và lấy “sự no bụng” của kẻ khác làm niềm vui sống cho chính mình.
Anh Trần Phước Hòa – quán cơm chay 5000 đồng
Anh Trần Phước Hòa – quán cơm chay 5000 đồng
Khang A Tủa – Chàng trai từ Mù Cang Chải đến trường đại học nổi tiếng của Mỹ
Khang A Tủa sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc H’Mông tại bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tủa là con cả trong gia đình có 5 con, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Nhà xa trường nên ngay từ năm học lớp 3, Tủa đã phải xa nhà đi học. Không có tiền thuê nhà trọ, Tủa và em trai đã sinh sống trong một chiếc lều dựng gần trường học. Tủa tâm sự: “Thời điểm đó, gia đình em rất nghèo, bố mẹ chỉ có thể cho hai anh em 5.000 đồng/1 tuần để mua thức ăn, vì vậy bữa cơm của anh em em chủ yếu là gạo trắng và rau má. Nhiều lúc chán nản muốn bỏ học, nhưng được thầy cô động viên, em lại tiếp tục đến trường”.
Bằng ý chí quyết tâm học tập, Tủa đỗ và theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngày nhập học, Tủa chỉ có vẻn vẹn số tiền 3 triệu đồng vay từ ngân hàng. Kể từ đó, để có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt, Tủa quyết định đi bán mì tôm dạo vào các buổi tối trong ngày. Dù đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, song Khang A Tủa lại lựa chọn một quyết định khiến nhiều người bất ngờ: bỏ học đại học, dành thời gian thực hiện ước mơ của mình là lưu giữ lại văn hóa người Mông.Ngày Tủa quyết định thông báo với bố về sự lựa chọn của mình, Tủa nói: “Con bỏ học ở đây vì con thấy ở đây không có cái mà con muốn học. Nhưng không có nghĩa là con sẽ bỏ học vĩnh viễn. Con sẽ học ở ngoài đời, ở những công việc xã hội mà con làm và một ngày nào đó chọn một ngôi trường mà con thích học”.
Bố của Tủa, một người bố đã có lời thề không để con cái của mình thất học, một người bố đã bằng mọi cách để thuyết phục con trai đến trường, sẵn sàng ngồi học cùng con trên lớp, sẵn sàng làm cầu khỉ cho con đi qua những thửa ruộng bậc thang, sẵn sàng làm những công việc có thể phải trả giá bằng tính mạng để nuôi con đi học… vậy mà riêng lần này, ông nói: “Con hãy học theo cách con muốn, lựa chọn điều con nghĩ mình nên làm…””
Trong suốt hơn một năm sau khi nghỉ học, Khang A Tủa cùng những cô bạn, cậu bạn người Mông thành lập dự án “action for Hmong’s Development” – ” Hành động vì sự phát triển của người Hmong”.
Tủa vừa tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn để kiếm sống; vừa dành thời gian đi khắp các vùng núi cao của người Mông để đi sưu tầm lại các câu chuyện cổ tích của người Mông, mang về tập hợp lại nó trong một bộ sách bằng cả tiếng Mông và tiếng Kinh, rồi gửi đến các trường học vùng cao, hy vọng các thầy cô giáo vùng cao sẽ dùng chính những câu chuyện đó để dạy trẻ con người Mông; Tủa làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận như ISEE trong những dự án mà cậu cảm thấy có thể giúp ích cho cộng đồng mình.Một nhà tuyển trạch của Đại học Fulbright Việt Nam đã vô tình bắt gặp Tủa trong một dự án xã hội như thế và khuyến khích Tủa nộp đơn vào Đại học Fulbright Việt Nam. Khi nộp đơn dự tuyển vào Fulbright, vốn Tiếng Anh của Tủa chỉ là thứ Tiếng Anh mà Tủa học mót được khi phục vụ các du khách Tây trong quán ăn.”Để viết bài luận trong hồ sơ dự tuyển, em đã dùng google translate 100%” – Là lời thú nhận thật thà của Tủa. Trong hồ sơ trúng tuyển của Tủa, Hội đồng FUV có ghi rõ: “Tủa được chọn vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ”.
Ở FUV, Tủa rất nổi bật khi đứng giữa các bạn đồng môn với chỏm tóc đuôi gà đặc trưng của người Mông và bộ quần áo dân tộc do chính mẹ Tủa kiên nhẫn từng mũi khâu cả năm trời. “Em không muốn quên mình là ai, mình từ đâu tới” – Tủa giải thích.
Tủa mang trong lòng mình rất nhiều nỗi ưu tư về dân tộc Mông của mình, về gia đình mình, về giáo dục, về tương lai và số phận của người Mông. Và có lẽ đó là lý do Tủa là một trong 54 sinh viên đầu tiên được FUV lựa chọn để cùng “đồng kiến tạo” lên lịch sử và tương lai của ngôi trường này. Tên của Tủa trong tiếng Mông có nghĩa là “sự thay đổi tạo ra những bước ngoặt”. Thật tình cờ, vì cuộc đời Tủa dường như luôn đối diện với những sự thay đổi và những bước ngoặt.
Khang A Tủa – Chàng trai từ Mù Cang Chải đến trường đại học nổi tiếng của Mỹ
Khang A Tủa – Chàng trai từ Mù Cang Chải đến trường đại học nổi tiếng của Mỹ
Lê Thanh Thúy – cô gái ung thư đầy nghị lực, sống có ích
Lê Thanh Thúy mắc chứng bệnh ung thư xương năm em mới 16 tuổi. Thúy là một tấm gương về nghị lực sống phi thường sau khi trải qua hai lần phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ chân phải và được Thành đoàn TNCS TPHCM tuyên dương là 1 trong 5 Công dân trẻ TPHCM từ năm 2006. Là cô gái khiến cho tất cả mọi người nhớ đến bởi sự lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ và sống có ích.
Thúy luôn lạc quan về cuộc sống với phương châm “Trước mặt mình đang là một bức tường và mình phải phá vỡ nó để vượt qua”. Trong suốt giai đoạn điều trị tại bệnh viện, Thúy đã thức hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog “Ứớc mơ của Thúy”, tổ chức các chương trình từ thiện tổ chức các sự kiện trung thu, dã ngoại, phát quà, sinh nhật cho các bệnh nhi ung thư trên thành phố, với hai điểm chính là: Bệnh viện ung Bướu Thành Phố, và Bệnh Viện chấn thương chỉnh hình khoa ung thư…Dù nằm liệt giường, Thúy tiếp tục hoạt động từ thiện và tham gia đêm hội trung thu cho bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh.Điều chị mong ước là đem đến nụ cười, hạnh phúc, niềm tin cho các em trong những ngày chịu đựng căn bệnh quái ác.
Hiện giờ, Lê Thanh Thuý đã vĩnh viễn ra đi, ngẫm lại trong những dòng entry cuối cùng, Thuý dặn dò: “Em sắp gục ngã rồi. Mọi người hãy giúp em duy trì chương trình uớc mơ của Thuý. Các em bệnh nhi tội nghiệp lắm. Em yêu tất cả mọi người…” Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của Thúy vẫn còn mãi với cuộc đời, “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Lê Thanh Thúy – cô gái ung thư đầy nghị lực, sống có ích
Lê Thanh Thúy – cô gái ung thư đầy nghị lực, sống có ích
Hà Việt Hoàng – Chàng sinh viên gây ấn tượng tại chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” giỏi nhưng khiêm tốn
Hà Việt Hoàng – 1 trong 2 thí sinh cho tới thời điểm hiện tại giành được số điểm cao nhất – 140 điểm của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, một chương trình có nhiều thử thách khốc liệt nhất về khả năng ghi nhớ hiện nay.Trở lại khoảng thời gian cách đây 2 năm, Việt Hoàng cũng là 1 trong 4 thí sinh lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 17. Thời điểm đó, chàng trai quê Sóc Sơn được đánh giá là đối thủ đáng gờm của “cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh. Tại cuộc thi này, Việt Hoàng ghi dấu ấn ở phần thi Vượt chướng ngại vật với số điểm 100/120. Kết thúc cuộc thi, cậu học sinh quê Sóc Sơn giành được 235 điểm, đứng ở vị trí thứ 3 chung cuộc.
Bên cạnh thành tích vào chung kết năm Olympia 2017, Việt Hoàng còn gây ấn tượng khi từng lọt top 70 kỳ thi Olympic tiếng Anh Language Link thành phố Hà Nội năm 2010 – 2011; giải ba kỳ thi Olympic tiếng Anh trực tuyến (IOE) cấp thành phố năm 2010 – 2011; Huy chương đồng kỳ thi IOE cấp quốc gia năm 2010 – 2011; giải ba kỳ thi ViOlympic cấp thành phố năm 2012 – 2013…Năm 2017, nam sinh còn giành giải quán quân cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc Tự hào Việt Nam. Năm 2018, Hoàng được Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội tặng giấy khen cho thành tích xuất sắc.
Việt Hoàng hiện tại đang là sinh viên năm thứ 2 của viện Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Để có được những thành công ở thời điểm này, đối với Hoàng không có một cá nhân nào ảnh hưởng nhiều nhất tới những mục tiêu cũng như đam mê của cậu. Tuy nhiên, bố mẹ là người mà Hoàng luôn luôn hỏi ý kiến, chia sẻ về mọi quyết định của bản thân.
Ngay từ khi còn nhỏ, Việt Hoàng đã sớm bộc lộ tính cách của một cậu bé ham học hỏi, thông minh. Hoàng rất thích tìm hiểu kiến thức qua báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác. May mắn của Hoàng là luôn được bố mẹ rất ủng hộ cũng như tạo điều kiện để cậu tìm hiểu những gì mình thích. Ban đầu chỉ là nhớ mặt chữ, nhớ số điện thoại hay biển số xe, rồi sau đó bố Hoàng cũng mua rất nhiều sách cũng như cho cậu tiếp cận Internet sớm, để Hoàng có thể học hỏi thêm từ nhiều nguồn kiến thức khác nhau. “Mình nghĩ rằng, việc được tìm hiểu về thế giới bên ngoài ngay từ khi còn nhỏ giúp mình hình thành và phát triển được khả năng ghi nhớ và phân tích thông tin. Đồng thời cũng tự tìm ra phương pháp tư duy phù hợp nhất với bản thân nữa”, Hoàng lý giải.
Dù là một trong 2 thí sinh đạt điểm số cao nhất cho tới thời điểm hiện tại, song Việt Hoàng khiêm tốn cho rằng vốn kiến thức mà cậu sở hữu chỉ như một hạt cát: “Nếu coi kho kiến thức là 100% thì những gì mình biết chỉ là một phần tỷ tỷ tỷ trong đó, giống như hạt cát trong vũ trụ thôi”.
Hà Việt Hoàng – Chàng sinh viên gây ấn tượng tại chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” giỏi nhưng khiêm tốn
Hà Việt Hoàng – Chàng sinh viên gây ấn tượng tại chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” giỏi nhưng khiêm tốn
Là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn, đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ vẫn là “bài toán khó nhằn” đối với các em học sinh. Một trong những bí quyết nằm lòng để có được điểm cao cho đoạn văn nghị luận xã hội là tìm và chọn các dẫn chứng hay cho bài văn nghị luận xã hội. Hi vọng bài viết này giúp các em có thêm tư liệu, thông tin để áp dụng phù hợp và đạt điểm cao trong bài thi.
Đăng bởi: Hường Lê
Từ khoá: 8 Dẫn chứng tiêu biểu về tấm gương người tốt, việc tốt tại Việt Nam
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết 8 Dẫn chứng tiêu biểu về tấm gương người tốt, việc tốt tại Việt Nam của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.