Bạn đang xem bài viết 7 cách chữa viêm đại tràng tại nhà đơn giản, hiệu quả tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm đại tràng là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm đại tràng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu 7 cách chữa viêm đại tràng tại nhà đơn giản và hiệu quả nhé!
Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là một bệnh mạn tính, được biểu hiện bởi các triệu chứng viêm và loét niêm mạc đại tràng. Người bệnh cũng thường xuyên cảm thấy khó chịu và đau ở vùng bụng.
Đa phần những triệu chứng này ở mức độ nhẹ và tái phát nhiều lần trong một khoảng thời gian dài. Một số trường hợp đau bụng mức độ nặng và đi ngoài ra máu có thể xảy ra.
Tùy thuộc vào vị trí viêm, viêm đại tràng có thể được chia thành nhiều dạng như viêm trực tràng và hậu môn (proctitis), viêm loét đại tràng bên trái (left-sided colitis) và viêm toàn bộ đại tràng (pancolitis).
Điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh
Người bệnh không thể được điều trị khỏi bệnh viêm loét đại tràng bằng cách thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên, thực phẩm có thể đóng vai trò trong việc kiểm soát các triệu chứng và kéo dài thời gian giữa các đợt viêm đại tràng cấp.
Một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn và nên tránh, đặc biệt là trong đợt viêm cấp. Thực phẩm có ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi người. Để đảm bảo chính xác, hãy theo dõi những gì bạn ăn hàng ngày và cảm giác của bạn sau đó.
Thực phẩm có vấn đề thường bao gồm:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Thức ăn và đồ uống có lượng đường cao.
- Đồ uống có ga.
- Thực phẩm giàu chất xơ.
- Rượu bia.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể gặp các vấn đề về đại tràng với:
- Muối ăn.
- Các sản phẩm từ sữa.
Phụ huynh cần theo dõi cẩn thận chế độ ăn uống và dinh dưỡng của con mình. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp khi con mình bị viêm loét đại tràng.
Luyện tập thể dục nhẹ nhàng
Các bệnh mạn tính như viêm loét đại tràng có thể cản trở chất lượng cuộc sống và về lâu dài có thể gây ra sự lo lắng hoặc trầm cảm.
Hoạt động thể chất sẽ kích thích não bộ sản xuất endorphin – một loại hormone tạo cảm giác dễ chịu. Càng tập thể dục thường xuyên, bạn càng cảm thấy tốt hơn về mặt tinh thần, giúp dễ dàng vượt qua các triệu chứng thể chất của viêm đại tràng.
Tập thể dục cũng rất hữu ích trong việc chống viêm. Tình trạng viêm không kiểm soát trong đường ruột sẽ dẫn đến loét và các triệu chứng khác của viêm đại tràng.
Tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng, một biến chứng của viêm đại tràng. Tập thể dục thường xuyên sẽ kích thích sự co bóp của ruột và giúp thức ăn đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn, giảm thời gian tiếp xúc giữa niêm mạc đường tiêu hóa với các chất gây ung thư.
Người mắc viêm đại tràng chỉ cần tập thể dục cường độ trung bình khoảng hai tiếng rưỡi mỗi tuần.
Điều chỉnh tâm lý, giảm căng thẳng
Hiện nay chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa stress và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, có một vài giả thuyết về sự ảnh hưởng của stress đến bệnh viêm đại tràng và ngược lại.
- Stress dẫn đến tình trạng viêm: Khi ở trong trạng thái căng thẳng, cơ thể giải phóng nhiều chất, trong đó có cytokine. Đây là những phân tử có chức năng kích hoạt hệ thống miễn dịch và dẫn đến viêm.
- Stress gây rối loạn tiêu hóa: Stress làm thay đổi các tín hiệu dẫn truyền giữa não và ruột. Điều này có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa. Những thay đổi này cũng liên quan đến hội chứng ruột kích thích, dị ứng thức ăn và chứng ợ nóng.
- Tổn thương lớp niêm mạc ruột.
- Rối loạn vi khuẩn đường ruột.
- Thay đổi cách hoạt động co bóp của dạ dày nhanh hay chậm.
- Stress làm cho ruột nhạy cảm hơn với cơn đau.
Bổ sung axit béo Omega 3
Dầu cá chứa thành phần omega 3 có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa triệu chứng viêm đại tràng. Một số nghiên cứu khẳng định omega 3 cũng có thể làm giảm nhu cầu dùng thuốc chống viêm và thúc đẩy tăng cân lành mạnh ở những người bị viêm đại tràng. [1]
Viêm đại tràng dẫn đến sự gia tăng mức độ leukotriene B4 trong đại tràng. Leukotriene là một trong những tác nhân gây viêm. Mức độ leukotriene quá nhiều có thể liên quan đến sự trầm trọng thêm tình trạng viêm đại tràng.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 11 người bị viêm đại tràng mức độ nhẹ đến trung bình được chia thành hai nhóm. Một nhóm dùng dầu cá, nhóm kia dùng dầu ô liu trong 3 tháng. Nhóm dùng dầu cá cải thiện triệu chứng viêm đại tràng đến 56% nhưng không giảm mức độ leukotriene B4 trong đại tràng. [2]
Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu axit béo omega 3 có mang lại lợi ích trong cải thiện tình trạng viêm đại tràng hay không và liều lượng phù hợp là bao nhiêu.
Dùng nha đam
Nha đam (hay còn gọi là lô hội) là một chất có tác dụng chống viêm và thậm chí có thể có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. [3]
Gel từ cây lô hội thường được sử dụng tại chỗ trên da khô, da bị nứt hoặc bị bỏng như một chất làm dịu và giảm đau. Ở động vật, gel lô hội đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm.
Trong một nghiên cứu về việc sử dụng nha đam trong bệnh viêm loét đại tràng, gel nha đam dạng uống được chứng minh là tốt hơn giả dược trong việc giảm tình trạng bệnh [4]. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để khuyến cáo việc sử dụng nha đam rộng rãi để điều trị viêm loét đại tràng.
Mủ lô hội có tác dụng nhuận tràng mạnh và không nên sử dụng cho những người bị bệnh trĩ, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, tắc nghẽn đường ruột hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Bổ sung bào tử lợi khuẩn cho đường ruột
Probiotics là những vi sinh vật sống giúp những vi khuẩn có lợi phát triển trong đường ruột. Bào tử lợi khuẩn có từ các loại thực phẩm như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi hoặc miso. Lợi khuẩn cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng.
Các bào tử lợi khuẩn tạo thành một lớp bảo vệ trong đường ruột khiến vi khuẩn có hại không xâm nhập được vào thành ruột. Bào tử lợi khuẩn cũng cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Điều này giúp làm dịu các phản ứng viêm.
Không phải tất cả các chế phẩm sinh học đều có hiệu quả như nhau trong điều trị viêm đại tràng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra hai chế phẩm sinh học thường được sử dụng là Escherichia coli Nissle 1917 và VSL#3 có hiệu quả nhất trong phòng ngừa và điều trị viêm đại tràng. [5]
Mặc dù vậy, các nghiên cứu về cách thức hoạt động của probiotics đối với viêm đại tràng còn rất ít. Hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa trước khi sử dụng probiotics.
Dùng thuốc theo chỉ định
Thuốc chống viêm thường là bước đầu tiên trong điều trị viêm loét đại tràng và phù hợp với đa số những người mắc bệnh này. Những loại thuốc này bao gồm:
- 5-aminosalicylate: Ví dụ về loại thuốc này bao gồm sulfasalazine, mesalamine, balsalazide và olsalazine. Tùy thuộc vào khu vực ruột già bị tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, hàm lượng và liều dùng phù hợp.
- Thuốc nhóm corticoid: Những loại thuốc này, bao gồm prednisone và budesonide, thường được dành cho bệnh viêm loét đại tràng mức độ vừa đến nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Do nhiều tác dụng phụ, chúng thường không được dùng điều trị lâu dài.
Thứ hai là thuốc ức chế miễn dịch. Những loại thuốc này cũng có tác dụng giảm viêm bằng cách ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch bắt đầu quá trình viêm. Đối với một số người, sự phối hợp của thuốc nhóm này hoạt động tốt hơn so với sử dụng đơn trị.
Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:
- Azathioprin và mercaptopurin: Đây là những chất ức chế miễn dịch được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị bệnh viêm đại tràng. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh phải theo dõi chặt chẽ với bác sĩ và kiểm tra công thức máu thường xuyên để tìm các tác dụng phụ, bao gồm cả ảnh hưởng đến gan và tuyến tụy.
- Cyclosporine: Thuốc này thường được lựa chọn khi người bệnh không đáp ứng hoặc không sử dụng được azathioprin hoặc mercaptopurin do có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên thận.
- Tofacitinib: Đây là các phân tử nhỏ, hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình viêm. Các tác dụng phụ chính bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng zona và đông máu. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã đưa ra cảnh báo về tofacitinib liên quan đến nguy cơ gia tăng các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch và ung thư. Nếu bạn đang dùng tofacitinib để điều trị viêm loét đại tràng, hãy tìm đến bác sĩ trước khi quyết định ngừng dùng thuốc.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Hãy đi khám bác sĩ nếu thấy thay đổi liên tục trong thói quen đi vệ sinh của mình hoặc nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Đau bụng.
- Máu trong phân.
- Tiêu chảy liên tục, cơ thể không đáp ứng với thuốc điều trị tiêu chảy.
- Tiêu chảy làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Sốt cao không rõ nguyên nhân.
Viêm loét đại tràng thường không gây tử vong nhưng đây là một bệnh phổ biến và nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, viêm đại tràng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
Chẩn đoán
Thủ thuật nội soi với sinh thiết mô là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh viêm loét đại tràng. Một số phương pháp chẩn đoán bổ sung như xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây viêm ruột khác.
Để giúp chẩn đoán viêm loét đại tràng, bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu để xem xét tình trạng thiếu máu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng ở người bệnh.
- Xét nghiệm phân: Sự có mặt các tế bào bạch cầu hoặc một số protein nhất định trong phân có thể là dấu hiệu của bệnh viêm loét đại tràng. Mẫu phân cũng có thể giúp loại trừ các rối loạn khác, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây ra.
Nội soi
- Nội soi đại tràng: Bài kiểm tra này cho phép bác sĩ xem toàn bộ ruột kết của bạn bằng một ống dò mỏng, linh hoạt, có gắn camera ở đầu ống.
- Nội soi đại tràng xích ma: Bác sĩ sử dụng một ống soi mảnh để kiểm tra trực tràng và đại tràng xích ma – phần dưới của đại tràng. Nếu đại tràng bị viêm nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này thay vì nội soi toàn bộ.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X quang: Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chụp X-quang vùng bụng để loại trừ các biến chứng như thủng ruột kết.
- Chụp cắt lớp: Chụp cắt lớp vùng bụng hoặc xương chậu có thể được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ biến chứng từ viêm loét đại tràng. Chụp cắt lớp có thể tiết lộ mức độ viêm của ruột kết.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột và cộng hưởng từ (MRI) ruột: Bác sĩ có thể đề nghị một trong những xét nghiệm không xâm lấn này nếu họ muốn loại trừ bất kỳ triệu chứng viêm nào trong ruột non.
Các bệnh viện uy tín
Khi bị viêm đại tràng cần thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ, bạn có thể đến Khoa Tiêu hóa của một số bệnh viện, phòng khám uy tín dưới đây:
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Nhân dân Gia Định,…
- Tại thành phố Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,…
Xem thêm:
- Người bị viêm đại tràng nên ăn gì?
- Đi cầu ra máu tươi là biểu hiện của bệnh gì?
Trên đây là những thông tin cơ bản về cách điều trị viêm đại tràng tại nhà đơn giản và hiệu quả. Nếu bạn thấy bài biết này bổ ích hãy chia sẻ cho người thân, bạn bè của mình nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Healthline
Nguồn tham khảo
-
Fish oil for induction of remission in ulcerative colitis (Review)
https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD005986.pub2/pdf/full
-
Fish oil fatty acid supplementation in active ulcerative colitis: a double-blind, placebo-controlled, crossover study
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1553930/
-
Antibacterial activities and antioxidant capacity of Aloe vera
https://orgmedchemlett.springeropen.com/articles/10.1186/2191-2858-3-5
-
Advances in treatment of ulcerative colitis with herbs: From bench to bedside
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4202341/
-
Probiotics in the Management of Ulcerative Colitis
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26447965/
Cảm ơn bạn đã xem bài viết 7 cách chữa viêm đại tràng tại nhà đơn giản, hiệu quả tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.