Số lượng các nhà sản xuất ôtô áp đảo so với những quốc gia khác, nhưng Trung Quốc vẫn có tỷ lệ xe mới/1.000 người dân thấp hơn nhiều nơi khác. Ví dụ, con số này ở Mỹ là 908 xe/1.000 người (dữ liệu 2023), hay Canada là 790, hoặc Đức là 628, trong khi Trung Quốc chỉ là 226.
Lúc này, nhiều thương hiệu ôtô Trung Quốc không chỉ muốn kinh doanh ở quê nhà, mà tham vọng mở rộng ra thị trường quốc tế. Những thương hiệu dưới đây hiện có độ nhận diện tốt nhất ngoài Trung Quốc.
MG
Vốn là một thương hiệu toàn cầu trước khi về với SAIC của Trung Quốc kể từ 2006, MG có nguồn gốc từ Anh và đã hoạt động trong ngành gần 100 năm. Ảnh hưởng của SAIC có thể thấy rõ qua thực tế: doanh số của MG tăng từ 3.500 xe trong 2013 đạt khoảng 450.000 trong 2022.
Cũng trong năm ngoái, MG là thương hiệu “nội địa” phổ biến nhất bên ngoài Trung Quốc. Kết quả này một phần nhờ vào những sản phẩm có thiết kế bắt mắt, giá cả cạnh tranh, kể cả xe điện. MG cũng là thương hiệu bán nhiều xe điện thứ 4 tại châu Âu trong nửa đầu 2023, đi trước những thương hiệu lớn khác như Renault, Peugeot hay Hyundai.
BYD
BYD mới chỉ là một thương hiệu rất nhỏ ở châu Âu, nhưng đang thu hút nhiều khách hàng ở các khu vực khác nhau. Đây cũng là một trong những thương hiệu ôtô tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ vào dải sản phẩm đa dạng gồm cả xe thuần điện và hybrid sạc điện.
BYD định vị khoảng giữa phân khúc phổ thông và cao cấp, vì thế có thể xâm nhập vào những khu vực như châu Mỹ Latin, Trung Đông, và Đông Nam Á – những thị trường mà không phải khách hàng nào cũng có khả năng mua một chiếc xe điện hóa cao cấp.
Geely/Zeekr
Nhờ những mối quan hệ chặt chẽ với các hãng sản xuất phương Tây là một phần của tập đoàn Geely, thương hiệu này có cơ hội tiếp cận những nền tảng và công nghệ tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu cũng như Bắc Mỹ.
Ôtô Geely chủ yếu thuộc phân khúc phổ thông, trong khi Zeekr cao cấp hơn. Cả hai có lợi thế từ dải sản phẩm đa dạng gồm cả sedan và SUV đã bán rất tốt ở những thị trường như Nga, cũng như các mẫu xe được thiết kế mới cho nhiều thị trường khác.
Nio
Nio có thể được ví như Tesla của Trung Quốc với dải sản phẩm đa dạng hơn đối thủ Mỹ. Tiềm năng của thương hiệu này nằm ở công nghệ, các khả năng về phần mềm, và kế hoạch về dịch vụ đổi pin.
Tuy nhiên, với tư cách một thương hiệu cao cấp, Nio có phạm vi hoạt động hạn chế ở các thị trường nước ngoài và vẫn cần thời gian cũng như nhận thức để giành được một phần tương xứng ở châu Âu.
Baojun/Wuling
Cả hai thương hiệu thuộc liên doanh SAIC-GM-Wuling đều định vị ở phân khúc giá rẻ. Sản phẩm của Baojun và Wuling chủ yếu có trang bị ở mức cơ bản, giá cả cạnh tranh, dễ mua và dễ bảo dưỡng.
Công thức ở đây rất đơn giản: Các mẫu xe được làm lại thương hiệu và quảng bá ở nhiều thị trường khác nhau thông qua đối tác Chevrolet. Bằng cách này, các mẫu xe của hai thương hiệu Trung Quốc có thể dễ dàng và nhanh chóng có được thị phần ở những khu vực như châu Mỹ Latin, Trung Đông, và châu Phi.
Mỹ Anh (theo Motor1)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/5-thuong-hieu-oto-trung-quoc-pho-bien-nhat-the-gioi-4646260.html