Chảy máu cam là tình trạng phổ biến, hầu hết các trường hợp đều nhẹ và có thể kiểm soát tại nhà. Có hai loại chảy máu cam gồm chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Chảy máu cam mũi trước rất phổ biến, thường không nguy hiểm và có thể được điều trị tại nhà. Vị trí xuất phát phổ biến nhất của chảy máu cam trước là vách ngăn cách hai bên lỗ mũi. Nơi này chứa nhiều mạch máu có thể bị vỡ do một vết xước đơn giản hoặc bị đánh vào mặt.
Chảy máu cam mũi sau ít phổ biến hơn, thường bắt đầu sâu hơn trong mũi khi khoang mũi bị tổn thương và chảy máu. Tình trạng này có thể nguy hiểm nếu máu rò rỉ vào cổ họng. Chấn thương mũi và huyết áp cao là những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu mũi sau.
Nguyên nhân trực tiếp gây chảy máu cam gồm chấn thương mũi, dị tật bên trong mũi, viêm mũi hoặc một số trường hợp hiếm gặp là khối u trong mũi. Các tình trạng này khiến các mạch máu bề mặt trong mũi bị chảy máu. Tuy nhiên, khi bạn đột ngột bị chảy máu cam mà không phải do nguyên nhân trực tiếp thì có thể do 5 lý do sau:
Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bệnh gan, bệnh thận hoặc một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác có thể làm giảm khả năng đông máu gây chảy máu mũi.
Các bệnh về tim như tăng huyết áp và suy tim sung huyết cũng có thể gây chảy máu cam. Huyết áp tăng đột ngột, nhanh chóng có thể kèm theo đau đầu dữ dội, khó thở và lo lắng. Cảm lạnh, dị ứng và xì mũi thường xuyên cũng gây kích ứng niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu cam.
Ngoáy hoặc gãi mũi
Ngoáy hoặc gãi mũi vô tình có thể làm tổn thương các mạch máu trong lỗ mũi gây chảy máu cam. Điều này thường phổ biến ở trẻ em, người bị dị ứng gây ngứa mũi dẫn đến gãi ngoáy mũi liên tục dễ bị chảy máu cam.
Dị vật mắc trong mũi
Chảy máu cam cũng có thể xảy ra nếu dị vật được đưa vào mũi. Điều này phổ biến ở trẻ nhỏ hơn, trẻ thường có xu hướng muốn khám phá đưa các đồ chơi, đồ vật vào miệng, mũi hoặc tai. Những đồ vật như đồ chơi nhỏ, đá cuội, cục tẩy, hòn bi, thậm chí là thức ăn… trẻ đưa vào mũi dễ gây chảy máu cam. Người lớn cần để ý khi trẻ chơi với chúng.
Thuốc làm loãng máu
Nhiều người mắc bệnh tim rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) để ngăn hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam. Một số loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc không kê đơn như aspirin cũng gây chảy máu mũi hoặc khiến khó cầm máu hơn do làm thay đổi khả năng đông máu.
Không khí khô
Không khí khô hoặc trời lạnh có thể làm khô niêm mạc mũi, khiến niêm mạc mũi bị nứt và chảy máu. Trường hợp này, sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp giảm khô không khí trong nhà, dùng thuốc xịt mũi để làm ẩm lỗ mũi ngăn chảy máu cam xảy ra.
Khi bị chảy máu cam, mọi người ngồi và nghiêng người về phía trước, bịt hai lỗ mũi lại trong ít nhất 10 phút, thở bằng miệng, dùng áp lực tay trực tiếp để cầm máu. Sau 10 phút, nếu máu vẫn chảy có thể cần thăm khám bác sĩ. Sau khi máu đã ngừng chảy, để ngăn chảy máu mũi trở lại có thể sử dụng nước muối và thuốc mỡ bôi ngoài da để giữ ẩm bên trong mũi, tránh ngoáy hoặc gãi mũi. Người bị chảy máu nhiều hơn một lần trong một tuần, tái phát nhiều lần cần đi khám bệnh vì có thể do các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/5-nguyen-nhan-gay-chay-mau-cam-4592483.html