Tính đến ngày 10/4, top 5 bài thi dẫn dầu có số vote bám sát nhau như sau:
1. TIR lens mới cho đèn LED công suất cao với giá thành thấp và chiếu sáng đồng đều
Dự án có lượt bình chọn cao nhất tuần đầu (214 vote) thuộc về nhóm của TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh, nhà sáng chế công nghệ TIR lens cùng các cộng sự tại Nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (PSO), Khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Công nghệ TIR lens mới giúp tăng đồng dạng màu ánh sáng trắng, nghĩa là lens mới có thể phân bố lại bức xạ ánh sáng xanh và bức xạ ánh sáng vàng, từ đó nâng cao chất lượng màu ánh sáng trắng. Nhóm nhà khoa học nghiên cứu thay đổi sự phân bố đèn; khảo sát sự thay đổi màu sắc; hoặc độ rọi của đèn nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng và giảm chi phí vận hành, giúp sử dụng đơn giản và áp dụng rộng rãi. Sáng kiến TIR lens mới nhận được Bằng sáng chế USPTO (Mỹ).
2. Máy gieo, thả hạt đa năng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời
Sản phẩm giúp giảm nhân công lao động, chi phí cho nhiều loại máy móc nâng cao năng suất cây trồng, do tác giả Bùi Minh Tú phát triển. Thiết bị nhận 143 lượt bình chọn, được giới thiệu có giá thành thấp, phù hợp với túi tiền của người dân đặc biệt có thể sử dụng lại được các linh kiện điện tử cũ.
3. Ứng dụng hỗ trợ chăm sóc y tế cộng đồng và chia sẻ – Healcare Network
Nhóm nghiên cứu từ Đại học FPT, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM phát triển ứng dụng nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là dân nghèo có cơ hội được cứu chữa nhanh chóng hơn, tận dụng sự phổ biến của xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam trong quá trình xây dựng hệ thống. Dự án nhận được 90 lượt bình chọn.
4. Thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa trong mổ thay khớp gối toàn phần
Nghiên cứu do nhóm 3D LAB VINUNI, Trung tâm công nghệ 3D trong Y học – Đại học VinUni phát triển, theo đó sẽ dựa vào PSI để đặt các khay cắt xương trong mổ như mong muốn, từ đó có thể giúp cải thiện độ chính xác vị trí đặt khớp nhân tạo. Nhóm đã tính toán và in 3D tạo ra PSI, kết hợp lên kế hoạch phẫu thuật cụ thể từ trước cho từng bệnh nhân với tổng số 35 ca thay khớp gối toàn phần ứng dụng công nghệ in 3D thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa dựa trên trục cơ học của bệnh nhân. Dự án nhận về 80 lượt bình chọn.
5. Sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả và một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường thay thế tơ sợi nilon tổng hợp
Chế tạo tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ, Trần Thị Quỳnh (18 tuổi), THPT Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sử dụng làm tóc giả, có độ bền cao, màu sắc đa dạng, khả năng chịu nhiệt tốt, dễ dàng thay đổi kiểu dáng. Các sợi tơ còn có thể dùng làm chổi cọ trang điểm, dây thừng, sợi đan giỏ, đan lưới… Bài dự thi nhận được 78 lượt bình chọn.
30 bài thi vòng chung kết sẽ tiếp tục tham gia bình chọn (từ 4-22/4) và thuyết trình trước Hội đồng giám khảo về nghiên cứu của mình. Ở vòng này, điểm bài thi bao gồm 80% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 20% điểm vote của độc giả VnExpress.
BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni, thành viên Dự án thiết bị dẫn đường phẫu thuật của Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, cho biết, nhóm đang lên kế hoạch chuẩn bị cho vòng phỏng vấn tới. “Chúng tôi cố gắng để đưa được toàn bộ ý tưởng đến ban giám khảo nhưng vẫn đảm bảo dễ tiếp cận, ứng dụng thực tế cũng như hàm lượng khoa học trong bài thuyết trình”, anh nói. Năm vừa qua nhóm nỗ lực hoàn thiện quy trình thiết kế, in trợ cụ và phẫu thuật.
Ngoài các đội thi, khi bình chọn cho các bài thi, độc giả VnExpress cũng có cơ hội nhận được 01 pin sạc dự phòng Xiaomi Power Bank 3 10,000mAh Ultra Compact, trị giá 600.000 đồng. Từ ngày 20/3 đến 22/4, mỗi tuần VnExpress tổ chức quay thưởng một lần, mỗi lần chọn 3 độc giả may mắn để trao phần quà.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 5.
Độc giả quan tâm có thể bình chọn tại đây.
Như Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/5-bai-thi-binh-chon-cao-nhat-tuan-dau-chung-ket-sang-kien-khoa-hoc-4590796.html