Bắp cải giàu chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C, kali, phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ăn bắp cải có thể dẫn đến đau bụng, đầy hơi, đau dạ dày hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.
Khó tiêu hóa: Bắp cải chứa một loại đường phức tạp là raffinose. Ở một số người, hợp chất này gặp khó khăn trong quá trình phân hủy gây đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày. Các loại thực phẩm giàu raffinose khác có thể gây đầy hơi bao gồm: đậu, bắp cải brussels, bông cải xanh, măng tây, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và bánh mì nguyên cám… Ngoài ra, bắp cải có hàm lượng chất xơ cao có thể dẫn đến đau bụng hoặc đầy hơi, chuột rút nếu ăn quá nhiều.
Mọi người có thể tránh đầy hơi khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ bằng cách ăn từng ít một, nhai kỹ và cân bằng lượng tiêu thụ trong vài tuần. Nếu bạn gặp vấn đề tiêu hóa với bắp cải sống thì nên nấu chín. Trong trường hợp bắp cải nấu chín cũng khiến dạ dày bị đau, bạn nên loại món ăn này ra khỏi thực đơn.
Bắp cải nhiễm khuẩn: Một số món bắp cải sống chế biến không hợp vệ sinh như: chưa rửa sạch, đóng gói hoặc nấu chín không đúng cách có thể chứa vi khuẩn có hại như salmonella, staphylococcus hoặc e.coli, dẫn đến bệnh do thực phẩm. Người ăn phải bắp cải nhiễm khuẩn thường bị đau bụng đi kèm với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, ngộ độc thực phẩm.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do bắp cải có thể bao gồm: đau rút bụng, đầy hơi, buồn nôn, sốt, ớn lạnh, tay chân mất sức… Người bị buồn nôn và đầy bụng sau khi ăn loại rau này nên sớm đi khám để xác định nguyên nhân, tránh bệnh diễn biến nặng. Mọi người nên rửa sạch bắp cải, rửa tay xà phòng, vệ sinh bề mặt các dụng cụ nấu ăn trong bếp, hạn chế các món từ bắp cải đã để qua đêm hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Bệnh tiêu hóa tiềm ẩn: Người bị rối loạn tiêu hóa tiềm ẩn như hội chứng ruột kích thích hoặc hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO) nên lưu ý khi ăn bắp cải. Ăn thực phẩm khó tiêu này có thể dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc ợ chua, rối loạn dạ dày… Tổ chức Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa khuyên bạn người bệnh nên đến gặp bác sĩ trong trường hợp này để có hướng dẫn điều trị phù hợp. Bác sĩ tiêu hóa có thể hướng dẫn bạn chọn thực phẩm phù hợp để ngăn ngừa đau dạ dày.
Bắp cải có thể khiến một số người bị đau dạ dày, nhưng đây là loại rau tốt cho sức khỏe. Người không gặp vấn đề tiêu hóa khi ăn bắp cải có thể bổ sung các chất dinh dưỡng, hỗ trợ khả năng chống viêm và giảm cholesterol xấu (LDL). Nó cũng có lợi cho tiêu hóa, giúp đi tiêu đều đặn nhờ chất xơ không hòa tan. Bắp cải lên men (kim chi, dưa cải bắp) giúp cung cấp thêm lợi khuẩn cho ruột.
Mọi người nên quan sát phản ứng của cơ thể sau khi ăn bắp cải hay các loại thực phẩm khác. Ghi lại nhật ký tiêu thụ thực phẩm để đưa ra lựa chọn ăn uống không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/3-ly-do-dau-da-day-sau-khi-an-bap-cai-4590480.html