10 cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành kinh tế ký thỏa thuận hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục tại Hà Nội sáng 29/10. Các trường gồm trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP HCM, Ngoại thương, Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế, trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo bản thoả thuận được gửi cho báo chí, với chương trình chính quy, sinh viên các trường này được đăng ký học tập 1-2 học kỳ ở các trường trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 đến 25 tín chỉ. Sinh viên sẽ học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với sinh viên của trường tiếp nhận.
Ngoài ra, sinh viên được tham gia các khóa ngắn ngày (Summer camp) từ 3 đến 8 tuần vào mùa hè để tăng cơ hội trải nghiệm, giao lưu, học hỏi trong môi trường học tập có cường độ, tính ứng dụng cao hơn. Qua đó, sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý sự thay đổi để thích ứng tốt hơn với những biến động của môi trường kinh doanh. Chương trình bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Đại học Kinh tế TP HCM, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên.
Trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm học tập, điểm rèn luyện, xác nhận hoàn thành chương trình cho sinh viên. Trường cử đi có trách nhiệm công nhận hoặc miễn hoặc chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học (bao gồm học phần bắt buộc, tự chọn), hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa theo quy định. Sinh viên chỉ phải đóng học phí theo số tín chỉ đăng ký học tập cho trường cử đi, không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận. Các chi phí sinh hoạt cá nhân do người học tự chi trả. Ngoài ra, các em được trường tiếp nhận hỗ trợ về ký túc xá và các điều kiện cần thiết khác.
Trao đổi với VnExpress, GS. TS Trần Thị Vân Hoa, phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá thỏa thuận này tạo cơ hội cho sinh viên học tập, trải nghiệm trong các môi trường đào tạo khác nhau, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Các trường cũng có thể chia sẻ nguồn lực, cùng phát triển năng lực và chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết đây là hoạt động bình thường của các trường đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, việc này giờ trở nên thuận lợi với Quy chế 08 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo trình độ đại học. Quy chế này đã tạo hành lang pháp lý, cho phép các trường công nhận đến 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo. Một thuận lợi khác là hiện nay nhiều chương trình đào tạo của các trường kinh tế đã được kiểm định, có nhiều điểm chung nên dễ cho việc công nhận tín chỉ lẫn nhau.
Với các khóa đào tạo ngắn ngày, các trường thống nhất nghiên cứu để có thể tổ chức ở nhiều nơi, mời sinh viên quốc tế đến tham gia, hoặc có chương trình sử dụng tiếng Anh hoàn toàn để sinh viên giao lưu và phát triển các kĩ năng.
Ngoài trao đổi sinh viên, 10 trường kinh tế còn thực hiện nhiều hoạt động hợp tác khác như tổ chức các khóa học chung, mời giảng viên của nhau tham gia giảng dạy; chia sẻ bài giảng điện tử; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn; tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế.
Hồi đầu năm ngoái, bảy trường kỹ thuật lớn của cả nước cũng ký hợp tác toàn diện, hướng tới hình thành nhóm tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Doãn Hùng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/10-truong-kinh-te-cong-nhan-tin-chi-cua-nhau-4529541.html